13 bức tranh được treo lên vào ngày 13 đầu tiên của năm 2013. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương luôn làm gì đó khác và lạ. Lần triển lãm này cũng vậy.
Số 13, hoạ sĩ nói, chỉ là để cho dễ nhớ thôi. 13 bức, đều một khổ 50 x 150, sáu bức dọc và bảy bức ngang. Vẫn là sự tối giản, cô đọng đến độ tinh. Vẫn là những chiêm nghiệm, đớn đau, mất mát, sự đi và đến tận cùng của sống nhưng cũng bình thản lạ lùng. Mỗi bức tranh được đặt một cái tên, bằng một từ thôi: Nằm, Nghe, Đi, Mưa, Tha, Buông, Nâng… Và đều có một hay vài câu thơ. Thơ của Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Trịnh Công Sơn, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Vi Thuỳ Linh, và Lê Mỹ Ý. Có bức vẽ từ năm 2007, có bức vừa xong năm 2013.
Tác phẩm "Đợi" – Lê Thiết Cương 13.
Tranh của Cương mang sự chiêm nghiệm về đời sống nhiều hơn là cảm nhận. Triết lý nhiều hơn là xúc cảm. Nhưng cảm xúc là thứ đến sau, nó đã được chắt lọc, được kết tinh, nhiều khi đến gai người. Bức tranh mấy hạt mưa trên áo tơi người nông dân, lưng áo người nông dân bao giờ cũng bạc hơn phần ngực. Cái quần xắn gấu, cái nón sùm sụp. Tưởng lãng mạn mà xót xa. Bức Tha vẽ một người ngồi bó gối, đầu gần chạm trần một mảng tường ghi đã bạc vì nắng mưa của Nhà thờ. Hoạ sĩ nói, bỏ công mua nhà làm “hàng xóm” của nơi này chỉ để vẽ bức tranh ấy. Trong một bức khác, có tên Buông, anh vẽ một màu xanh thả xuống theo chiều cao của tấm toan, có buông bỏ, có tự do, có giải thoát, và có cả tươi mới. Không giới hạn, đúng hơn, giới hạn của điều này là tiếp nối của điều kia. Một là bức tranh có thể cho thấy sự quyết liệt đến tận cùng, thăng hoa của tài năng và sáng tạo. Đó không phải là những bức tranh, mà một hành trình sống.
Điển hình vẻ đẹp của kích cỡ 50 x 150 theo chiều dọc là bức Nâng. Khoảng không trong gang tấc lơ lửng dưới chân người một chiếc ghế và phần bị cắt trên đỉnh đầu bức tranh là một cách “giải quyết” không có gì phải bàn thêm nữa. Nó phải là như nó vốn thế. “Im lặng là một chuyến đi” – câu thơ của Trần Tiến Dũng được Lê Thiết Cương dùng cho bức tranh này.
Triển lãm 13 không phải là những câu chuyện mà người hoạ sĩ đứng cạnh, hoặc đứng trong nó, không phải là sự quan sát hay chiêm nghiệm. Nó chính là cuộc đời anh, bật ra từ con người anh. Nhưng, như chính anh nói, hội hoạ không có nghĩa vụ minh hoạ cho bất cứ một loại hình nào cũng như chính nó. Vẽ là vẽ, với Lê Thiết Cương, là Đẹp. Tranh của Lê Thiết Cương đẹp ở sự khúc chiết của bố cục, ảo ảnh của màu sắc. Anh có lẽ duy mỹ đến độ cầu kỳ và khó tính cả trong sống cũng như trong vẽ. Cho đến chết vẫn phải chết đẹp.
Tha, bỏ công mua nhà làm "hàng xóm" của Nhà thờ lớn (Hà Nội) chỉ để vẽ bức tranh này (trái) / "Buông", một tác phẩm trong triển lãm 13 (phải)
- Triển lãm 13 của hoạ sĩ Lê Thiết Cương khai mạc vào lúc 17 giờ chủ nhật ngày 13/1/2013 kéo dài đến 23/1/2013 tại GALLERY 39, 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội. Triển lãm không bán tranh.
Minh Nhật
- Một tỉ USD cho The Met
- Tom Dixon – nhà thiết kế công nghiệp hàng đầu thế giới
- Quách Thái Công: "Nhà thiết kế cũng giống ảo thuật gia"
- Triển lãm "Không gian/giới hạn" của Phan Quang
- Triển lãm “Sự thu nhỏ của không gian”
- Sách "Di sản văn hóa Chăm" / tác giả Nguyễn Văn Kự
- "Những chân trời có người bay" - Dự án nghệ thuật đương đại đa phương tiện
- "Phố" của Nguyễn Ngọc Dân: khiến người dân phố đương đại phải nghĩ ngợi
- "Nghệ thuật dưới mái nhà sàn"
- Triển lãm Nghệ thuật khắc gỗ mở đầu tiên tại Việt Nam