Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Dự án sân chơi An Mỹ (Hội An): Thiết kế cùng cộng đồng

Dự án sân chơi An Mỹ (Hội An): Thiết kế cùng cộng đồng

Viết email In

Thực hiện mục tiêu phát triển các không gian công cộng, không gian mở ở thành phố Hội An với sự đóng góp của cộng đồng và vận động chính sách, để chính quyền đưa ra các hướng dẫn, quy định bảo tồn và phát triển không gian công cộng, tổ chức HealthBridge Canada và Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (ACCD) đã khởi đầu xây dựng sân chơi An Mỹ vào tháng 09 năm 2012. Sau 03 tháng thực hiện với nhiều kiến trúc sư, hàng chục tình nguyện viên cộng đồng, doanh nghiệp địa phương, thợ thủ công và cán bộ chính quyền, sân chơi An Mỹ đã hoàn thành và dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 26/1/2013.

Trong quá trình thực hiện, các kiến trúc sư đã đi từng bước nhằm thúc đẩy sự đóng góp và tham gia của cộng đồng một cách tối đa. 

Bước 1: Charrette - Cùng cộng đồng thiết kế sân chơi ở nhà văn hóa 

Charrette là gì? Charrette là từ tiếng Pháp có nghĩa nguyên gốc là xe đẩy dùng để chở những tấm bản vẽ của sinh viên kiến trúc trường Beaux Arts tới nộp cho thầy. Vì sinh viên kiến trúc thường bị “lụt” nên vừa đi vừa vẽ những nét cuối. Charrette sau còn được hiểu là “lụt”.

Charrette ngày nay là một mô hình thiết kế được thực hiện trong một thời gian rất ngắn và liên tục (3-7 ngày) trong đó các nhà chuyên môn từ nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng làm việc chung để đưa ra một đề án quy hoạch trong một không gian mở, ngay tại địa điểm sẽ triển khai quy hoạch đó, và cho phép người dân vào xem và tương tác với thành viên chuyên môn của dự án. Thông qua Charrette, quy hoạch đươc đưa ra với sự đồng thuận của mọi người và sự tập trung trí tuệ của chuyên gia các ngành khác nhau cùng một lúc (thay vì thường thực hiện dạng tuyến tính). 

Bước mở màn dự án diễn ra tại nhà văn hóa khối An Mỹ, 30 người dân và 4 kiến trúc sư cùng nhau làm việc liên tục trong 3 ngày. Ngày đầu tiên các kiến trúc sư thảo luận với người dân 3 câu hỏi: (i) Những hoạt động gì đang diễn ra tại nhà văn hóa, (ii) Những hoạt động mà bà con mong muốn có tại nhà văn hóa và (iii) Những hoạt động mà bà con không mong muốn có tại nhà văn hóa. Kết quả là các nhóm khác nhau (Nhóm trẻ em và phụ nữ, nhóm thanh niên, nhóm trung niên và nhóm người cao tuổi) trao đổi, thảo luận, thậm chí là thương lượng để tìm ra ưu tiên hợp lý cho sân chơi. Nhóm các bác cao tuổi muốn có chỗ ngồi uống trà, đánh cờ, nhóm phụ nữ và trung niên muốn có ghế đá ngồi nghỉ ngơi, nhóm thanh niên muốn có thêm các hoạt động thể thao, và nhóm trẻ em muốn có nhiều trò chơi ngoài trời. Đặc biệt, tất cả các nhóm đều mong muốn có bể bơi. Cuối cùng thì tất cả cùng đồng ý ưu tiên cho sân chơi của trẻ em, và phương án bể bơi được xếp vào danh sách “chờ có kinh phí”. Như vậy là 30 người đã thống nhất “đề bài” cho kiến trúc sư. 

Ngày tiếp theo, các kiến trúc sư chia thành 2 nhóm làm việc cật lực để phát triển 2 phương án dựa trên “đề bài” của cộng đồng. Mỗi nhóm gồm một kiến trúc sư từ Hội An và Hà Nội. Ngồi làm việc ngay ở nhà văn hóa và hoàn toàn mở cửa cho bà con nên người dân liên tục ra vào bình phẩm và giúp sức. Để bà con có thể dễ dàng thể hiện ý tưởng và trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế, sơ đồ công năng được xây dựng bằng việc xếp đặt các tấm bìa, vốn được cắt theo đúng tỷ lệ của quy mô công trình chức năng trong thực tế. Sau đó, phương án thiết kế được thể hiện bằng mô hình ba chiều làm bằng giấy, bìa cứng và xốp với sự giúp sức của người dân địa phương. 

Cuối ngày hôm ấy, người dân An Mỹ tập trung góp ý cho hai phương án. Phần thuyết trình của các KTS diễn ra vừa vui vẻ, vừa căng thẳng, vì ai cũng muốn phương án của mình được chọn. Sau đó buổi thuyết trình, các KTS mời bà con quay quần bên hai mô hình để cùng thảo luận và bầu chọn cho phương án mà họ ưa thích. Nếu ngày đầu người dân mơ mộng về sân chơi bao nhiêu thì lúc này họ lại thực tế bấy nhiêu. Ai cũng hỏi về tính khả thi của phương án, và ai cũng lo có chừng ấy tiền làm gì cho hiệu quả. 

Ngày thứ ba, hai nhóm KTS khẩn trương hoàn thiện phương án để thuyết trình cho toàn thể cộng đồng và đại diện của chính quyền. Ba nội dung chính được thảo luận sôi nổi: vị trí các hạng mục, giải pháp thiết kế, và kinh phí triển khai.Mỗi người dân đều không bỏ sót bất cứ chi tiết nhỏ nào về kỹ thuật, vật liệu, giá cả. Các cán bộ phường hầu như nhường diễn đàn cho người dân chất vấn KTS. Sau ba ngày làm việc cật lực, các KTS tiếp tục hoàn thiện phương án một cách khả thi nhất theo mong muốn của cộng đồng. 


Địa điểm thực hiện dự án, nhà văn hóa An Mỹ, cũng là nơi diễn ra các buổi họp lấy ý kiến cộng đồng và charrette thiết kế. 


Nhóm thanh niên địa phương thảo luận về "đề bài" thiết kế sân chơi An Mỹ. 

Bước 2: Hoàn thiện thiết kế, lắng nghe ý kiến trẻ em  

"Trải nghiệm làm Charrette với anh em KTS và với cộng đồng thật vui và đầy cảm xúc. Chúng ta hy vọng sẽ tạo ra một sân chơi mà người dân An Mỹ sẽ sử dụng với niềm tự hào bởi họ là đồng tác giả.Và chúng ta có thể tự hào vì đã trao cho người dân cơ hội tham gia kiến tạo không gian của chính mình. Nỗ lực kế tiếp: gạt bỏ hơn nữa cái tôi của nhà thiết kế, trở nên “lười biếng” và để người dân thể hiện khả năng sáng tạo của mình." 

Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, Trưởng nhóm thực hiện Charrette 

Sau khi phương án tổ chức không gian được sự đồng thuận với người dân và chính quyền địa phương thông qua Charrette, nhóm KTS 1+1>2 được trao nhiệm vụ thiết kế chi tiết. Hỗ trợ cho các KTS là cán bộ Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị, cán bộ phường, tình nguyện viên. Chúng tôi tỏa đi khắp các sân chơi ở Hội An và Đà Nẵng, ghi chép, hỏi ý kiến trẻ em và cha mẹ, quan sát cách các em chơi. Nhiều lúc chúng tôi quên mình đang làm việc, vì cũng “nhập cuộc chơi” luôn. Cuối cùng thì bản thiết kế được đưa ra lấy ý kiến của trẻ em và cha mẹ.Bao nhiêu trò chơi trên sân cũng không đủ với các em, và KTS liên tục phải điều chỉnh thiết kế để các em có nhiều cách chơi nhất: leo trèo, bập bênh, đu quay, bò và trườn qua đường hầm, đi thăng bằng, cầu trượt, thậm chí là đấm bốc. Cha mẹ các em thì lo lắng về độ an toàn, và kết quả là mái lá “sinh thái và thơ mộng” của Nhóm 1+1>2 “bị”thay thế bằng mái tôn để đảm bảo không bị tốc mái mùa bão. KTS lúc này phải kiên nhẫn lắng nghe và tìm ra giải pháp hợp lý cho mong muốn của cả 2 nhóm: trẻ em muốn chơi nhiều trò mạo hiểm và cha mẹ chỉ muốn các trò chơi an toàn. Làm thế nào để trẻ em vui và cha mẹ chúng yên tâm là thách thức lớn đối với Nhóm 1+1>2. May mà chúng tôi không gặp nhiều sức ép về thời gian, nên các vòng đàm phán liên tục được tiếp diễn cho tới khi tất cả các bên đều hài lòng. KTS dành nhiều thời gian gặp gỡ, nói chuyện, dàn hòa, thương lượng. Thay vì bàn làm việc ở văn phòng, chúng tôi làm việc ở quán nước, sân trường, hội trường nhà văn hóa, thậm chí là trên bờ ruộng (vì người dân vùng này làm nông). Vấn đề mấu chốt là niềm tin” sân chơi của cộng đồng, nên tiếng nói của họ phải được tôn trọng”.


Bầu chọn những hạng mục ưu tiên xây dựng tại sân chơi An Mỹ. 


Một cộng tác viên địa phương đang hoàn thiện mô hình cho một trong hai phương án đề xuất. 


Thuyết trình phương án cho bà con 


Bà con đang thảo luận sôi nổi và bầu chọn cho phương án tốt hơn. 


Mô hình một trong phương án được chọn. 

Bước 3: Thi công sân chơi- trải nghiệm đầy bất ngờ 

"Thiết kế và xây dựng sân chơi An Mỹ là một hành trình đầy cảm xúc. Những người bạn đồng hành luôn sát cánh bên KTS là người dân khu vực, thợ địa phương và các em nhỏ. Ngoài ý tưởng của KTS, có rất nhiều sáng kiến được cộng đồng đề xuất, thật thú vị khi được đón nhận và đưa những sáng kiến đó thành hiện thực. Đối với cá nhân tôi, hình ảnh đáng nhớ nhất là giây phút chứng kiến các bé ôm lấy nhau, reo vui khi biết chỉ còn 2 tuần nữa sân chơi sẽ đi vào hoạt động."

KTS Phạm Đức Trung, Công ty 1+1>2 

Nếu bạn đến công trường, bạn không phân biệt ai là KTS, ai là nhóm thợ thi công, ai là ban giám sát cộng đồng, họ liên tục đổi chỗ cho nhau. Ban giám sát cộng đồng vào cuộc cùng nhóm thợ, người thì san nền, người thì dựng cột tre, người thì buộc ván sàn. Nhóm thợ thi công thì đưa ý kiến cải thiện chất lượng, còn KTS “chân lấm tay bùn” miệng nói tay làm. Đặc biệt, trẻ em thường xuyên ghé thăm công trường, bàn tán sôi nổi. Mỗi ngày, công trường càng thêm đông người hơn, và dần dần thì cộng đồng hoàn toàn thay thế nhóm thợ. Đến gần ngày khánh thành, cả cộng đồng dân cư ra sân: trẻ em đi xúc cát, phụ nữ nhổ cỏ, nam giới trồng cây và dựng hàng rào. Chi phí nhân công ngày càng giảm, nhưng tổng chi phí lại tăng vì cộng đồng “hiến kế” thêm nhiều hạng mục. Dường như “cuộc du ngoạn” này không có hồi kết. Nhiều thách thức ngoài sức tưởng tượng đã xảy ra. Đầu tiên là việc trẻ em liên tục tìm cách đột nhập vào sân chơi mặc dù công trường đang thi công. Chúng không thể đợi đến khi công trình khánh thành, và vì vậy chúng tôi phải tăng cường phương án bảo vệ. Tiếp theo là việc đảm bảo sự tham gia của cộng đồng nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Các thành viên cộng đồng mong muốn đóng góp sức lao động, tuy nhiên họ cũng rất bận rộn. Làm thế nào để “chừa lại” những phần việc như san nền, buộc tre, làm hàng rào, trồng cây cho cộng đồng, mà vẫn phối hợp nhịp nhàng với các nhóm thợ khác. Nhóm 1+1>2 đã học cách làm việc thảnh thơi, nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chung của dự án.


Trẻ em cũng tham gia phụ giúp việc xây dựng sân chơi 


Trong khi những người thợ còn đang hoàn thiện công trình, trẻ em địa phương đã bắt đầu làm quen với sân chơi mới. 


Bãi cỏ mọc hoang trước nhà văn hóa trước kia giờ đây là một sân chơi cho trẻ em. 

Bước 4: Duy trì và bảo dưỡng –phương án sáng tạo 

Đau đầu nhất là tìm cách bảo dưỡng sân chơi một cách bền vững. Nhiều sáng kiến được đưa ra, như quỹ cộng đồng dành 2-3 triệu đồng/năm, gây quỹ từ doanh nghiệp địa phương, xin kinh phí của phường và thành phố. Sáng tạo nhất là phương án mời một người dân cạnh sân chơi mở quán nước, phục vụ ngay tại chỗ cho khách đến chơi, đặc biệt là cho các bậc phụ huynh. Một phần nguồn thu từ quán nước sẽ được sử dụng để bảo dưỡng sân chơi, và đặc biệt quyền lợi của người chủ quán nước gắn liền với việc sân chơi được hoạt động tốt. Từ đầu đến cuối, dự án sân chơi An Mỹ luôn gây bất ngờ bởi sự sáng tạo không ngừng của người dân, của Nhóm KTS 1+1 >2 và tất cả những người tham gia. 

Dự án sân chơi An Mỹ 

- Địa điểm: khối An Mỹ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An;
- Tổng kinh phí: 180 triệu đồng (Cộng đồng góp 20 triệu, Phường 10 triệu, doanh nghiệp địa phương 30 triệu và tổ chức HealthBridge Canada 120 triệu);
- Thời gian thực hiện: 3 tháng;
- Quản lý dự án: Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị;
- Charrette: QHS Nguyễn Đỗ Dũng & Công ty Tư vấn XD Dịch vụ Bảo tồn Di sản Văn hóa;
- Thiết kế kiến trúc và giám sát: Công ty 1+1>2; 

Sân chơi An Mỹ là mô hình đầu tiên và sẽ là mô hình mẫu cho việc cải tạo và xây dựng các sân chơi, khu công cộng ở Hội An cũng như nhiều thành phố trên cả nước, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển không gian công cộng, không gian mở./.  

Phạm Đức Trung, Văn phòng 1+1>2 
Đặng Hương Giang, Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị 

(Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị - số 13, 01/2013) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo