Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Từ nhà phố đến phố nhà

Từ nhà phố đến phố nhà

Viết email In

Không kể nhà phố là loại hình nhà ở có tính phổ biến tại tất cả các tuyến phố đã định hình, chỉ tính từ khi mở cửa, TP.HCM là nơi sớm xuất hiện việc thí điểm quy hoạch các khu dân cư và sau đó, cũng là nơi sớm chấm dứt phong trào "phân lô hộ lẻ". 

Hai mươi năm qua, lô nhà phố là mơ ước, là nơi trú ngụ của nhiều tầng lớp người dân. Thực tế, nhà phố trở thành loại hình nhà ở mang tính phổ biến. Bất cứ khu dân cư nào cũng có tỷ lệ diện tích thích đáng cho loại hình này. Những "phố nhà" với nhà phố để ở, nhà phố thương mại đứng san sát bên nhau đã một thời tạo nên diện mạo phố phường. Trong diện tích giới hạn bởi con số ước lệ là 4 x 18m, trong khoảng thời gian giới hạn từ lúc mở cửa đến nay là khoảng 20 năm, đã có rất nhiều kiến trúc sư, chủ nhà đầu tư giải pháp thiết kế, bố trí mặt bằng, lựa chọn thiết bị, vật liệu để tạo ra không gian sống phù hợp trong căn nhà phố.  

Nhưng khi các loại hình nhà ở khác như biệt thự, căn hộ, chung cư cao cấp… xuất hiện ngày càng nhiều, môi trường và điều kiện sống, điều kiện giao thông thay đổi, căn nhà phố sẽ đến lúc không còn thích hợp? Phải chăng sẽ không còn giải pháp nào được gọi là mới cho căn nhà phố nữa? Những phố nhà rồi sẽ ra sao? KT&ĐS ghi nhận ý kiến của các kiến trúc sư đã thực hiện nhiều công trình nhà phố về sự thay đổi diễn ra bên trong và bên ngoài của căn nhà phố đó. 

KTS Nguyễn Thu Phong: Nhà phố vẫn còn nhiều dư địa để khám phá 

Tôi tham gia vào thị trường thiết kế nhà ở mà đa số là nhà phố đã được 12 năm, tròn một con giáp. Công việc này hoá ra không hề chán, không hề lặp lại. Nhà phố có diện tích phổ biến là 4 x 15m, 4 x 20m, nói chung là rất hạn chế về diện tích. Tôi hay nói với các đồng nghiệp là có bao nhiêu thử nghiệm cho nhà phố thì có lẽ các kiến trúc sư Việt Nam cũng đã làm đủ cách rồi. Từ bố trí mặt bằng đến xoay cầu thang, thay đổi cấu trúc không gian, đầu tư vào trang trí nội thất… và điều đó làm cho căn nhà phố thay đổi rất nhiều trong hơn mười năm qua. 

Thoạt tiên, nếu quan sát từ bên ngoài, có thể đề cập đến màu sắc, chi tiết. Lúc đầu có trào lưu đưa nhiều chi tiết trang trí vào nhà phố, các kiến trúc sư trẻ cũng thoải mái trong việc dùng chi tiết, khi nhìn lại, có nhà có chi tiết giống như quán càphê. Tôi nghĩ nó cũng chỉ mang tính giai đoạn, như một sự "bùng nổ đáng yêu" của nhà phố trong thời kỳ đầu. Sau đó xu hướng đơn giản, lược bỏ chi tiết xuất hiện. Sự thay đổi gu của khách hàng cũng biến đổi theo thời gian. Có một thời, nhà màu sắc Lego làm xôn xao nhà phố, bây giờ gu là những màu nhạt. Có nhiều người mua nhà xây sẵn để trang trí lại, đây cũng là một xu hướng mới. 

Sự thay đổi về vật liệu góp phần cho sự thay đổi của nhà phố. Có những loại vật liệu được dùng đến thông thuộc, vậy mà sau vài năm nó bị lãng quên. Ví dụ như gạch Norco có một thời kỳ nhà nào cũng dùng vậy mà bây giờ ít ai nhớ. Các thiết bị bếp, phần cứng cũng như phần mềm càng ngày càng thông minh, nhiều tính năng giúp con người không phải mất sức nhiều trong việc làm bếp. 

Chủ nhà ngày càng trở thành nhà đầu tư thông minh hơn. Họ xây nhà căn cơ chặt chẽ hơn thời trước khi khủng hoảng, họ bớt xa xỉ hơn. 

Về công năng, có thể tạm chia nhà phố thành hai loại là nhà phố mặt tiền và nhà phố trong hẻm. Nhà phố mặt tiền thường kết hợp ở và kinh doanh, có thể là quán, shop, văn phòng, phòng mạch... Sự kết hợp phong phú tạo nên sự thú vị cho nhà phố vì tính đa năng. Do phải để diện tích bên dưới cho việc kinh doanh nên đã nảy sinh hình thức mới, các tầng phía trên được thiết kế tiện nghi, giống như các căn hộ ở trên cao. Chính vì thế mới có việc đưa bếp và phòng ăn lên trên sân thượng để giải quyết vấn đề kinh doanh bên dưới, đồng thời tận hưởng thiên nhiên ở trên cao.

Về quy hoạch, nhà phố hoặc hình thức chia lô vẫn là loại hình nhà ở phổ biến. Theo tôi, tính trên bình diện tổng thể, nhà phố phân lô vẫn là xu hướng thích hợp trong thời gian tới. Ở đây chưa bàn tới tính hợp lý và vai trò của nhà phân lô, qua nhiều cuộc điều tra xã hội học, xu hướng lựa chọn nhà phố có giảm đi do thị trường có nhiều sản phẩm nhà ở khác. Nhưng nói nhà phố mất hẳn vai trò thì có lẽ đó là chuyện của 10 – 20 năm nữa. Nhà phố ở TP.HCM nhắm tới mục đích cho thuê mặt bằng đang gặp khó. Giá thuê giảm 1/3 so với hai năm trước làm bộc lộ rõ nhược điểm là các chủ nhà phố đã bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Công ty nhỏ không đủ tiền thuê, công ty lớn lại không thuê vì không đủ diện tích. Hiện nay nhà phố chỉ thích hợp cho thuê làm shop. 

Trong tương lai, nhà phố có thể có chuyển biến từng năm một. TP.HCM hiện có nhiều công ty thiết kế nhà phố hơn các nơi khác. Người dân ở các địa phương khác chưa sử dụng dịch vụ tư vấn, thiết kế của kiến trúc sư nhiều. Khách hàng TP.HCM đã có thói quen giao cho các công ty thiết kế và thi công với hình thức trọn gói. Thậm chí, công ty Nhà Vui chúng tôi ghi nhận được, không ít khách hàng là kiến trúc sư vì bận rộn với các dự án, họ không có thời gian làm nhà cho chính họ. Và họ đã sử dụng những công ty chuyên về nhà ở để phục vụ họ. Điều này đặc trưng cho phong cách sống ở TP.HCM. 


Nhà mang tính hưởng thụ.

 
Nhà chừa nhiều diện tích cho thông thoáng.  


KTS Trần Lê Quốc Bình: Hai nhân vật trung tâm của nhà phố 

Nghề làm kiến trúc sư của tôi có nhiều kỷ niệm gắn với căn nhà phố. Hơn mười năm trước, khi mới ra trường, tôi được một khách hàng hẹn gặp tại một quán càphê. Đi qua đi lại ba lần mà không tìm ra khách. Phải điện thoại hỏi lại mới biết khách hàng là người đang nhìn thấy mình nhưng không kêu, vì nghĩ "kiến trúc sư phải là một ông có tuổi một chút, ai dè em còn trẻ quá". Sau buổi càphê, khi ra về, tôi thấy chị chủ nhà có vẻ băn khoăn nên không hy vọng có hợp đồng. Hôm sau chị gọi lại và quyết định ký hợp đồng. Với hợp đồng đó, tôi đã làm một căn nhà phố mà tôi hài lòng và chủ nhà ưng ý. Mãi sau này chị chủ nhà mới kể lại là hồi đó chị lo "em còn trẻ quá, xây nhà có bị đổ hay không!". 

Nhà phố có hai nhân vật trung tâm là chủ nhà và kiến trúc sư. Trước đây, theo tôi, gần như không có kiến trúc sư chuyên về nhà ở nên nhân vật thứ hai hầu như chưa xuất hiện. Nhưng những thay đổi cho căn nhà phố chủ yếu là đến từ chủ nhà – nhân vật chính thứ nhất. 

Vào những năm 1990 trở về trước, người chủ xây nhà thường tự mua vật liệu và đứng trông coi công trình. Họ làm việc trực tiếp với một người thầu. Họ không có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn, thiết kế kiến trúc. Khi báo chí bắt đầu thay đổi, có nhiều bài viết về tiêu dùng, sự phát triển của truyền thông và du lịch nước ngoài đã làm thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng. Những căn nhà đầu tiên xuất hiện trên báo khiến mọi người quan tâm và mong muốn có được "căn nhà giống vậy". Các chủ nhà thấy cần những căn nhà đẹp hơn, tiện nghi hơn, và có nhu cầu cần kiến trúc sư giúp thực hiện những "ngôi nhà trong ý nghĩ" đó. 

Từ khoảng hơn mười năm trở lại đây, kinh tế khá hơn, đã có một lớp khách hàng trẻ, có trình độ, có thể tự chủ về tài chính, tách ra ở riêng, không ở chung với cha mẹ. Đó là nguyên nhân hình thành một lớp khách hàng có nhu cầu riêng và có tiền trả cho nhu cầu đó. Khách hàng trình bày nhu cầu ở của mình cho kiến trúc sư và từ đó, dẫn đến những thay đổi về thiết kế. Đây là yếu tố chính tạo nên cho nhà phố có những thay đổi về hình thức, nội dung. 

Thay đổi lớn nhất là không còn tình trạng tận dụng tất cả diện tích lô đất, mà đã chừa một phần diện tích tương đối để cho ngôi nhà thông thoáng và có ánh sáng. Không chỉ thoáng và sáng, không gian còn được nâng lên một mức mới mang tính thẩm mỹ và cao hơn nữa là phần nào có phong cách. Không gian thay đổi nhiều nhất chính là giếng trời. Nó đóng vai trò một lõi chính trong nhà để giải quyết sự thông thoáng. Các giải pháp xử lý của các kiến trúc sư đã có sự kết nối không gian về chiều ngang lẫn chiều dọc, làm cho căn nhà phố trở nên rộng rãi hơn. Bếp và phòng vệ sinh trước đây được giấu đi, nay được mang ra và mở bung ra, hầu như không có vách ngăn. Khu vực bếp và phòng vệ sinh trước đây được đầu tư ít tiền hơn so với phòng khách, thì hiện nay được đầu tư nhiều hơn cả về diện tích cũng như tiền, có khi còn cao hơn phòng khách. Phòng tắm tiện nghi và có nhiều chức năng hơn, thiết bị dành cho phòng tắm ngày càng tiên tiến tới mức tự động hoá. Khách hàng đã chú ý đến yếu tố thiên nhiên khi đưa cây xanh, đưa các yếu tố không gian bên ngoài vào trong ngôi nhà của mình. 

Trước đây, chủ nhà tự quyết định về vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, sau này kiến trúc sư cùng chủ nhà chọn lựa nên định hình nên phong cách vật liệu. Ngôi nhà đã mang một sự thống nhất, hài hoà về màu sắc, chất liệu và hoa văn. Chính vì thế thị trường vật liệu cũng thay đổi khi các nhà sản xuất cho ra các bộ sản phẩm phục vụ cho nhu cầu này. 


Đầu tư cho bếp nhiều hơn phòng khách. 


KTS Dương Trí Dũng: Các chủ nhà biết họ muốn gì trong căn nhà phố của mình

Nhà phố là loại nhà phổ biến ở các đô thị và một số tỉnh/thành. Với sự phát triển của xã hội, nhà phố cũng có nhiều thay đổi theo thời gian.

Nhiều năm trước, các gia đình sống trong nhà phố thường là các gia đình từ 3 – 4 thế hệ chung sống. Do hạn chế về diện tích, nên thường không chia phòng riêng. Khu vực vệ sinh và bếp thường bố trí ở chỗ khuất do quan niệm "xấu che". Khu vực vệ sinh thường bố trí dưới tầng trệt.

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước cho đến gần những năm 2000, điều kiện kinh tế thay đổi, cuộc sống tốt hơn, xuất hiện nhiều căn nhà phố chỉ có gia đình hai thế hệ sinh sống. Điều kiện thông tin mở rộng, nhiều người đi du lịch nước ngoài, họ quan sát được và thay đổi nhận thức cũng như cái nhìn về nhà phố. Trước đó, do tận dụng hết diện tích nên nhà không có giếng trời, tù túng, bí và thiếu sáng. Những năm sau đó, họ biết dành chỗ cho giếng trời, cho nhu cầu sử dụng tiện nghi hơn. Và các thành viên trong gia đình đều có phòng riêng. Bếp được đưa ra chỗ rộng và mở ra, thường hay ở gần phòng khách. Nhu cầu càng tăng nên có thêm các phòng sinh hoạt, phòng giải trí, phòng nghe nhạc… Chung quy sự thay đổi của nhà phố đều xuất phát từ nhu cầu của chủ nhà. Về sử dụng vật liệu cũng có những câu chuyện phản ánh sự thay đổi của nhà phố. Khoảng gần năm 2000, lúc đó vật liệu còn đơn điệu về mẫu mã. Khi thiết kế nhà phố, tôi muốn có những thử nghiệm mới dành cho các chủ nhân trẻ, thích sự mới mẻ tươi vui. Tôi sử dụng màu sơn để tạo ra những mặt tiền nhà nhiều màu sắc. Những căn nhà có màu sắc nổi bật được chủ nhà thích như một điều mới mẻ. Việc dùng màu sắc này đã được dùng nhiều trên thế giới, còn ở Việt Nam thì vẫn còn chưa quen lắm. Sau một thời gian thử nghiệm, nhiều người lại thích các màu trung tính dễ sử dụng lâu dài. Đến bây giờ các ngôi nhà đều có màu sắc đơn giản. Đó chính là ví dụ về xu hướng tiêu dùng thay đổi theo thời gian. 

Theo sát nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của các chủ nhà trong suốt 20 năm qua, tôi thấy khách hàng đã có những thay đổi lớn trong suy nghĩ của họ về căn nhà phố. Từ việc không sử dụng kiến trúc sư khi làm nhà, họ đi đến trạng thái cực đoan khác là giao phó hết cho kiến trúc sư muốn làm gì "miễn đẹp là được". Còn bây giờ, họ biết chính xác họ muốn gì, họ nắm vững hơn về cách bố trí không gian nhà. Họ chủ động đưa ra các yêu cầu một cách cụ thể và chính xác những gì họ muốn. Đôi khi họ còn dẫn dắt người thiết kế, họ kiên quyết với cái họ chọn và đòi hỏi làm đúng những cái mà họ yêu cầu.


Màu sắc cũng là một cách trang trí.

 
Nhà càng ngày càng đẹp hơn nhờ đầu tư nhiều hơn.


Đưa không gian xanh vào bên trong. 


KTS Hồ Lê Phương: Mức đầu tư cho nhà phố ngày càng được chú trọng 

Diện tích xây dựng của các nhà phố có sự thay đổi nhưng không nhiều lắm. Nhà phố vẫn có chiều ngang phổ biến nhất là từ 3 – 4m, có chiều dài dưới 18m. Và có một thực tế là còn rất nhiều những căn nhà phố chỉ khoảng trên dưới 30m2. Đặc tính ba thế hệ sống trong cùng một ngôi nhà vẫn là phổ biến.

Điều thay đổi lớn nhất có thể xem là sự tiến bộ trong thiết kế và xây dựng nhà phố, là thiết kế nội thất và mức đầu tư cho vật liệu xây dựng càng ngày càng được chú trọng hơn.

Tính riêng tư của các thành viên trong gia đình càng ngày càng được khẳng định rõ ràng hơn, dẫn đến việc cấu trúc của căn nhà được chia cắt thành nhiều phòng ngủ với rất nhiều phòng vệ sinh riêng (có lẽ các nhà phố ở đô thị Việt Nam hiện nay có số lượng phòng vệ sinh thuộc loại vô địch trên thế giới). Người ta thường thấy cấu trúc phổ biến của một nhà phố là: buồng cầu thang ở giữa chia mặt bằng nhà thành gian trước và sau, mỗi phòng ngủ lại có phòng vệ sinh riêng mặc dù đôi khi diện tích rất nhỏ.

Phía bên ngoài căn nhà phố, theo tôi, môi trường sống của các khu nhà phố hầu như rất ít thay đổi: thiếu cây xanh, thiếu tiện ích công cộng, ô nhiễm bụi và tiếng ồn. 

Đáng tiếc, có một thứ đã mất đi là hầu hết các khu cư xá điển hình trước năm 1975: không gian công cộng bị xâm hại, sự đồng nhất về mẫu nhà bị phá vỡ, môi trường sống có tính đặc thù của các cư dân trong cư xá bị thay đổi hoàn toàn... 

Trong khi đó, những khu quy hoạch mới cho nhà phố chưa được đầu tư thích đáng về hạ tầng (công viên, trường học, thể dục thể thao...) Các mẫu nhà được cho phép xây dựng lại thiếu thẩm mỹ và chưa đáp ứng được nhu cầu ở của cư dân, dẫn đến việc mọi nhà tự phá vỡ luật lệ. Việc quản lý xây dựng của các chủ đầu tư quá thiếu chuyên nghiệp, cứng nhắc và quá nhiều tiêu cực. Hậu quả là hầu như các khu nhà ở liên kế được quy hoạch rất "cẩn thận" đã trở thành những khu dân cư xấu xí. Ngoại trừ khu đô thị Phú Mỹ Hưng, người ta không dễ tìm thấy một khu đô thị mới nào ở TP.HCM có bộ mặt và môi trường sống tốt. 


Thay đổi trong nhà phố chủ yếu là nội thất. Ngày càng nhiều thiết bị bếp hiện đại. Đầu tư nhiều cho tiện nghi. 

(KT&ĐS) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...