Người Việt vốn gốc gác thuần nông nên trong người ai cũng có một chút “máu trồng trọt”. Hoặc sự thật là, người ta vốn yêu những gì thiên về tự nhiên, nên giữa kiến trúc đô thị, cây cối luôn là liều thuốc tinh thần bất bại. Và nói đúng theo xu hướng bây giờ, chuyện đưa cây cối vào không gian nhà phố, cũng được xem là lối sống “Eco” (sống xanh).
Nghĩ gì về một cái cây?
Cây thì tốt. Chúng thanh lọc không khí, nhìn xanh mát thích thích, chưa kể giá trị an thần, yên giấc ngủ, tốt cho phong thủy... Nhưng chỗ đâu để chứa? Nhà phố hạn chế về không gian nên phải tận dụng tối đa để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Trồng cây trong nhà có vẻ cũng hơi xa xỉ nhỉ?
Thật ra, suy cho cùng, chúng ta chỉ cần bắt đầu với một cái cây. Một cây thôi. Dùng chậu trúc nhật, dừa nước, lưỡi hổ làm bình phong chắn đi chỗ để giày chẳng hạn. Đúng một ô gạch thôi chứ chẳng bao nhiêu.
Ngoài ra, có thể treo, đặt trên kệ áp tường, ô thông gió. Ngay cả cái góc trên cùng của giá sách cũng đặt được một chậu sống đời. Cây cối ấy mà, bọn nó đúng thật sự vô hại, cả về phương diện bài trí.
Bỏ đi, đừng đồng hóa cỏ cây
Chớ vội thắc mắc nếu chỉ trồng một cái cây thì làm sao đủ “điều hòa” cho cả ngôi nhà phố? Ít gì cũng phải trồng được một bồn hoa thì may ra mới đủ (nhưng tiếc là nhà không có cái ban công đủ rộng nữa đúng không?).
Bỏ đi. Nghĩ như vậy là đang tự đóng khung tình yêu cây cỏ rồi. Có một điều rất tuyệt diệu khi đưa hết thảy cây cối vào nhà là chính việc bài trí đồ đạc đầy rẫy trong không gian nhỏ hẹp đã khu biệt được nhiều lãnh địa trang trí riêng. Vì vậy, rất rất không phù hợp để trồng cây hàng hàng dãy dãy trong nhà.
Nhưng sẽ vô cùng hoàn hảo nếu ở góc bếp đặt một chậu đa búp đỏ; trên cửa sổ treo giỏ dây nhện; và chỗ bàn làm việc là một bình thủy tinh trồng bạch mã hoàng tử… Dây trầu bà trồng leo tường; hoặc cúc khuy, cúc tần Ấn Độ… rũ xuống ban công là những “biến thể màu xanh” đầy mê hoặc để chăm chút cho khoảng không nhà phố. Việc còn lại chỉ là tìm cách nuôi lớn những cái cây.
Cẩm nang trồng cây trong nhà
Thật ra thì chẳng có sách vở nào giúp nuôi xanh các loài thực vật. Cây cối cũng như nhà cửa, chúng cần sự săn sóc và chăm chút. Nhưng hẳn nhiên, theo kinh nghiệm của những người đã tạo ra cả vườn cây trong nhà người ta từ Á tới Âu, cũng có vài thứ đúc kết để “dẫn đường” cho những ai muốn dấn thân vào con đường “trồng trọt trong nhà”:
1. Một cây duy nhất. Đúng! Hãy bắt đầu mang về nhà duy nhất một cái cây và đặt ở chỗ nào ưng ý và thoải mái nhất. Hành trình chỉ nên khởi động với một cây thôi. Không nên tạo cho mình nhiều thử thách quá, nhất là cuộc sống bên ngoài kia đã căng thẳng nhiều rồi.
2. Cây cối luôn cần nước và ánh sáng. Tùy theo loại và tùy không gian trong nhà, lịch trình có thể khác nhau. Nhưng nước sẽ tưới theo ngày (mỗi ngày, cách ngày…), ánh sáng theo tuần, và thêm chút nữa, cây cũng cần thêm dinh dưỡng - theo tháng.
3. Kiến thức chăm sóc cây: sách, Internet, kinh nghiệm dân gian… rất nhiều. Chúng ta chỉ có đúng vài thứ cần phải làm là sự kiên trì và thật sự yêu cây.
Dần dần từ từng thứ ít ỏi như vậy thôi, căn nhà phố sẽ hoàn toàn có thể sở hữu những chậu cây xinh xắn để “thanh lọc” cho chính mình. Khoa học không thể đưa ra sự ràng buộc, nhưng vì sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, gia đình, hãy tin rằng một ngôi nhà luôn cần phải có ít nhất một cái cây.
Dẫu nhà của mỗi người, không của ai giống ai. Nhưng tất cả những ngôi nhà có cây xanh, hình như đều tạo được cảm giác đó là nơi phải trở về.
Chiêu Anh
(TBKTSG)
- Căn hộ cổ điển 48m2 có nội thất đầy vẻ “nam tính“
- 10 thiết kế nội thất phù hợp cho không gian nhỏ hẹp
- Xu hướng thiết kế nội thất trong năm 2018
- Bí quyết lựa chọn đồ nội thất để ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp
- Căn hộ MICF kết hợp nội thất hiện đại và phong cách Brazil
- “Ý tưởng cho phòng khách thượng lưu” - Cuộc thi thiết kế nội thất chuyên nghiệp 2017
- Giải thưởng Thiết kế nội thất BCI Asia 2018
- Sự tối giản trở lại
- Nguyên nhân và cách chống nóng cho nhà ở
- Cách thiết kế nội thất căn hộ chung cư có diện tích nhỏ