Người ta quen nghĩ Hoàng Đạo Kính là một kiến trúc sư nổi tiếng với dằng dặc các chức danh giáo sư, tiến sĩ, chủ tịch hội đồng nọ hay viện trưởng viện kia liên quan đến di tích, di sản và bảo tồn. Ít người biết Hoàng Đạo Kính viết văn duyên dáng đến cỡ nào, không phải chỉ những bài báo chuyên môn mang nặng tính hàn lâm và hóm hỉnh ngấm ngầm, mà là những tản văn đậm chất thị thành, tao nhã, thâm trầm và văn chương.
Thử đọc mấy dòng đầu của “Nguồn cội bạc phơ”, mở đầu chương “Nơi chốn, thời buổi, con người” trong tập sách mang tên “Văn hóa Kiến trúc” của Hoàng Đạo Kính mới xuất bản (NXB Tri thức tháng 12-2012): “Trên đất bắc cũ kỹ, đây đó vẫn còn những miền, những chốn quê mà, hễ bước ra ngõ, gặp ngay ngôi đình nếp chùa xưa, gặp ngay tàn dư và hình bóng của những thời trôi đi trong phối cảnh hun hút của thời gian. Đến với những miền, những chốn ấy, giữa những nếp nhà và cổng ngõ liêu xiêu, dưới bóng những cây đa cây bàng già cội vắt kiệt nhựa nuôi mầu xanh, ngạt ngào bởi hương nồng của rơm rạ quện lẫn mùi phân trâu và nước ao tù. Lạc lõng giữa dòng đời tưởng như ngưng đọng ấy, ta bật thốt lên: Nguồn cội hỡi, con đây!”.
Đã là văn hóa và kiến trúc, sách phải đầy những lý thuyết, những khái niệm của một chuyên gia đầu ngành bảo tồn và trùng tu. Cốt lõi của tất cả các bài báo liên quan nghề nghiệp Hoàng Đạo Kính có thể tóm gọn lại trong một hàng chữ “Di tích phải được ứng xử bằng văn hóa”. Bởi thực trạng đất nước nhiều khi không phải thế, và nỗi dằn vặt nghề nghiệp của ông luôn có cơ hội để bày tỏ, nên về góc độ một nhà bảo tồn, ông có điểm dừng. Cái mà sách của Hoàng Đạo Kính hấp dẫn bạn đọc là mối dằn vặt chung giữa hiện trạng và hoài niệm của bất cứ thứ gì trên đời chứ chẳng riêng di tích làng quê, phố xá, được tô điểm bằng cách hành văn như nói đầy chất humour và thú vị nhất là luôn ở thế độc thoại. Cũng phải mở ngoặc nói thêm viết như nói là cách nói riêng của Hoàng Đạo Kính, kiểu “cửa hàng - như con mắt của phố”, “Cái cổng làng lâm vào thế định mệnh… Cổng, với sức nặng bản thân và thời gian, thấp lùn dần, - nó mọc ngược xuống đất”, hay viết về một gánh phở, một quán rượu trong ngõ Tạm Thương “hai chục năm, tuyệt không có gì thay đổi. Chỉ những mảnh tường không biết nước sơn, đen nhẻm. Tưởng như đó là lớp cáu ghét của cuộc đời. Huy động bàn chải máy và bột giặt ô-mô mới hòng kỳ sạch. Nhưng sạch, khách còn nhòm ngó tới chăng?”, tả người tả vật đều hay, rồi như cợt đùa mà dẫn người ta đến cảm giác ngậm ngùi. Trong một cuốn sách đã xuất bản trước đó, cuốn “Ngõ phố đời người” (NXB Văn học, năm 2008), Hoàng Đạo Kính đã khiến người xem giật mình vì một lối viết tưng tửng rất tài hoa sau Thạch Lam hình như không ai viết thế những gì liên quan đến Thăng Long, Hà Nội. Đặt những gì viết về kiến trúc sang một bên, dù chúng quý giá và đã được công nhận. Những gì còn lại trong sách là một Hoàng Đạo Kính - nhà văn - chưa nhiều người biết nhưng đã biết thì không thể không mến mộ.
Hà Phạm
- Tọa đàm sách “Văn hóa kiến trúc” của Giáo sư Hoàng Đạo Kính tại Đà Nẵng
- Tản mạn chuyện nghề
- "Chúng tôi là những Chú Rùa Ninja lập bản đồ"
- Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2013: Toyo Ito (Nhật Bản)
- Kiến trúc sư và chủ nhà: Khởi đầu mối lương duyên
- Từ nhà phố đến phố nhà
- Dự án sân chơi An Mỹ (Hội An): Thiết kế cùng cộng đồng
- Kiến trúc sư cảnh quan lừng danh Herbert Dreiseitl đến Hà Nội
- “Kiến trúc sư của năm 2012”
- Kiến trúc sư tài danh Oscar Niemeyer qua đời