Năm 1991, kiến trúc sư Eugene Tssui thiết kế Ultima với tham vọng về thành phố San Francisco nằm gọn trong một tòa tháp.
Quan trọng hơn, dự án hứa hẹn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp của các khu đô thị.
Ultima cao gấp nhiều lần những tòa tháp chọc trời của thế giới
Giải pháp để phát triển đô thị nhưng vẫn bảo vệ môi trường sống
Trong khi thực hiện một nghiên cứu về vịnh San Francisco, Tssui Design and Research đã nhận thấy nhiều vấn đề: dân số gia tăng nhanh, giao thông vận tải phát triển vượt quá sức chứa của thành phố, các khu dân cư, khu công nghiệp trải rộng khắp nơi đang tàn phá bề mặt trái đất. Một giải pháp cho những vấn đề này đó là xây dựng thành phố thẳng đứng. Đây không phải là ý tưởng mới mẻ trong những cuộc tranh luận về đô thị hóa, nhưng Tssui là người đầu tiên có tham vọng gói gọn cả thành phố chỉ trong một tòa nhà. Khi đó, cư dân thành phố không cần đến xe hơi nữa, còn khu vực xung quanh tòa tháp có thể được trở lại trạng thái nguyên sơ của nó.
Trong sự nghiệp của mình, Tssui được biết đến với những thiết kế độc đáo, lấy cảm hứng từ các nguyên tắc sinh thái của thiên nhiên. Tòa nhà Ultima cũng là một thiết kế khác thường lấy cảm hứng từ cấu trúc của những tổ mối Châu Phi, một công trình vĩ đại có thể cao đến 9m của loài vật nhỏ bé. Tòa nhà có 120 tầng, mỗi tầng có hệ sinh thái riêng gồm sông hồ, đồi núi và bầu trời. Các thác nước khổng lồ trong tòa nhà sẽ làm nhiều chức năng: rào chắn lửa, hệ thống nước chữa cháy, lưu vực chứa nước tái chế, làm mát không khí,...
Cấu trúc tòa nhà Ultima
Cũng giống như nước dưới đáy làm mát cho toàn bộ tổ mối, tòa tháp Ultima được xây dựng giữa hồ để tạo hệ thống điều hòa tự nhiên từ nước. Không khí ở những tầng dưới được làm mát bởi nước, sau đó luân chuyển lên những tầng trên nóng hơn vì hoạt động của con người, rồi thoát ra ngoài. Chuỗi lỗ thông hơi của các gò mối cũng được áp dụng để thiết kế các ống gió khí động học, đảm bảo cửa sổ có thể mở mà không phải chống lại lực gió lớn trên cao.
Một lớp gương ở giữa lõi tòa nhà phản chiếu ánh sáng mặt trời vào bên trong, để những khu vườn trong nhà được đón ánh nắng mà không phải chịu sức gió lớn. Bề mặt bên ngoài tòa nhà được bao bọc bởi pin quang điện mặt trời, đáp ứng hầu hết năng lượng cần thiết. Ngoài ra, hệ thống cối xay gió cũng sẽ cung cấp năng lượng mà tòa nhà cần để hoạt động.
Ở phía nam tòa nhà là chuỗi các ban công sân vườn và công viên. Các nhà máy công nghệ sinh học sẽ phân hủy chất thải của con người để đưa vào đất. Tòa nhà giống như một vùng thiên nhiên rộng lớn được xếp chồng lên nhau với mười khu bảo tồn rừng, nhiều hồ và suối.
Tòa tháp Ultima được xây dựng giữa hồ nước rộng lớn
Cấu trúc xoắn ốc của Ultima
Những phát minh của tương lai
Với diện tích rộng lớn của Ultima, nhiều người cho rằng việc di chuyển sẽ rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Tssui đã thiết kế thang máy với hệ thống các đoàn tàu xếp theo chiều dọc. Cư dân và du khách có thể đi đến tầng trên cùng chỉ trong 9 phút 40 giây. Bất kì loại thiên tai nào như bão hay động đất cũng không phải là điều đáng lo. Cấu trúc của tòa nhà có thể xem như một lưới thép khổng lồ neo vào lõi bê tông ở trung tâm theo hình xoắn kép. Do đó, toàn bộ tòa nhà có thể tạo ra lực cân bằng chống lại gió bão từ bất kỳ hướng nào.
Có lẽ khía cạnh mang tính cách mạng nhất của tòa tháp Ultima chính là khả năng trở thành địa điểm sống và làm việc cho khoảng một triệu cư dân. Đến nay, đây vẫn là tính năng đặc biệt quan trọng đối với một thành phố ngày càng đông dân cư. Một cấu trúc thẳng đứng sẽ là giải pháp hoàn hảo để cung cấp đủ không gian cho mọi hoạt động của cư dân mà không cần dàn trải trên một vùng đất rộng lớn.
Những vấn đề phát sinh
Tssui (ảnh bên) chưa bao giờ xem Tòa tháp Ultima chỉ là một lý thuyết trên giấy. Ông tin 100% vào tính khả thi của dự án với những công nghệ hiện tại, điều còn thiếu chỉ là ý chí chính trị. Tuy nhiên, tòa tháp dự tính tiêu tốn đến 150 tỷ đô la và phải mất 25 năm để hoàn thành, vượt qua mức chi phí mà thành phố có thể chi trả (mặc dù Tssui cho rằng cấu trúc này về lâu dài sẽ hiệu quả hơn số tiền mà thành phố cần chi trả cho bất động sản). Ngoài ra, Ultima có thể để lại tác động lâu dài đến các cư dân đô thị trong quá trình xây dựng.
Có lẽ đó là những lý do mà tòa tháp Ultima đến giờ chưa bao giờ được cân nhắc trong chương trình nghị sự của những chuyên gia phát triển đô thị. Tuy vậy, giới hạn được sinh ra là để phá vỡ. Những tòa tháp chọc trời cao đến 1000m 10 năm trước đây là một điều hoang đường, nay đã thành sự thật. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể mơ giấc mơ về một thành phố thẳng đứng trong tương lai.
Quỳnh Hoa
(VietNamNet)
- Tàu chạy bằng quang năng - Tương lai “xanh” của ngành đường sắt
- Xe đạp điện sẽ bán chạy hơn ôtô điện
- Mô hình đô thị tự túc 100% thực phẩm, năng lượng của KTS Stefano Boeri
- Nhận diện những công nghệ xây dựng bền vững nhất hiện nay
- 15 thiết kế xe đạp độc đáo và sáng tạo nhất có thể bạn chưa biết
- Singapore tham vọng dẫn đầu thế giới về xe tự lái
- Cuộc đua phát triển thiết bị nhà thông minh
- Thiết kế trải nghiệm thương mại 3D/VR: Cuộc cách mạng trong thiết kế, sản xuất và thương mại nội thất
- Sân bay của tương lai
- Đài Loan hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và ứng dụng năng lượng mặt trời