Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Công nghệ Xu hướng Ba xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực Xây dựng

Ba xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực Xây dựng

Viết email In

Dân số toàn cầu hiện tại là 7,7 tỷ người (theo số liệu thống kê tính đến tháng 8/2019). Vào năm 1800, Trái đất của chúng ta có 900 triệu người. Vào năm 1900, dân số thế giới chỉ 1,5 tỷ người. Chỉ trong vòng hơn hai trăm năm kể từ 1800, số lượng người trên địa cầu đã tăng hơn 6 tỷ người và với mức độ đô thị hóa ngày càng cao: trung bình mỗi tuần có hơn một triệu người di chuyển tới các thành phố! đến 2050 ước tính tới 70% dân số toàn cầu sẽ sinh sống tại các đô thị. Trong vòng hai trăm năm quy mô dân số của những đô thị lớn nhất đã tăng từ khoảng 1 triệu người lên tới hơn 20 triệu người. Tới 2030 các thành phố chịu trách nhiệm cho 70% phát thải hiệu ứng nhà kính (GHG emission) toàn cầu.

Tổng năng lượng con người tiêu thụ tăng gấp đôi vào thế kỷ 19 và sau đó tăng 10 lần vào thế kỷ 20!. Tốc độ tăng tiêu thụ năng lượng của con người còn nhanh hơn rất nhiều tốc độ tăng dân số. Chỉ sau 250 năm kể từ khi chiếc máy hơi nước hiện đại đầu tiên ra đời, công nghệ sản xuất năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt hành tinh chúng ta. Trong hai thế kỷ kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp (thời kỳ từ 1760 tới khoảng giữa 1820 và 1840),mức độ phát thải carbon dioxide vào khí quyển đã tăng tới một mức chưa từng thấy trong vòng một triệu năm.

Thuật ngữ PETM (Paleocene-Eocene thermal maximum)- để chỉ thời điểm đột ngột ấm lên của bầu khí quyển khoảng 56 triệu năm trước mà hậu quả đã làm nhiều loài động thực vật tuyệt chủng. PETM lại được nhắc đến nhiều ngày nay bởi vì đó là thời kỳ gần nhất trái đất trải qua sự nóng lên nhanh chóng từ hiệu ứng nhà kính khí quyển, do vậy nó giúp chúng ta hiểu được hệ quả của vấn đề biến đổi khí hậu ngày nay. Tổng lượng CO 2 phát thải vào khí quyển trong thời kỳ PETM tương đương với lượng thải ngày nay do sản xuất năng lượng từ việc đốt nguyên liệu hóa thạch, hậu quả là vào cuối thời kỳ PETM nhiệt độ trung bình địa cầu đã tăng từ 5 đến 9 độ C. Tới cuối thời kỳ đó, rất nhiều loài từ cây cối, động vật, tới động thực vật biển đã tuyệt chủng.

Lượng phát thải sẽ tiếp tục tăng bởi sự tăng trưởng dân số toàn cầu và các hoạt động kinh tế nếu không có những nỗ lực nhằm giảm phát thải GHG dưới mức hiện tại. Kịch bản cơ bản – mà không có thêm nỗ lực giảm thiểu nào- nhiệt độ trung bình địa cầu vào 2100 sẽ tăng từ 3.7 tới 4.8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhu cầu khẩn cấp làm xanh hóa địa cầu là rõ ràng. Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu là một thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo của 194 quốc gia, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C, trên mức tiền công nghiệp vào năm 2100. Mức tăng lí tưởng nhất của Hiệp định này là giữ ở mức 1,5 độ C.

Công trình xây dựng chịu trách nhiệm cho 39% tổng lượng phát thải CO2, nhưng kể từ COP 21 và hiệp định Paris (hội nghị lần thứ 21 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, vì thế được gọi tắt là COP21), trong số 104 quốc gia đã ký Hiệp định trong tổng số 194 quốc gia tham gia, chỉ có 68 quốc gia có quy chuẩn về việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình.

Vào 2050, dân số toàn cầu dự kiến sẽ tăng 27% lên 9,8 tỷ người và tổng lượng mét vuông sàn xây dựng sẽ tăng gấp đôi (100%).Nhu cầu cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một yếu tố cơ bản đóng góp vào sự nóng lên toàn cầu, cùng với đó là việc các tòa nhà không hiệu quả, không đảm bảo sức khỏe sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Sự gia tăng nhu cầu xây dựng này sẽ kéo theo nhu cầu về lưới điện, cơ sở hạ tầng và các nguồn nguyên liệu, bao gồm nước. Những thử thách này đem đến thách thức và cả cơ hội về cách thức chúng ta đang vận hành trong lĩnh vực xây dựng.

Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững do UN đề ra, chiến lược của Hội đồng công trình Xanh thế giới tập trung vào 3 lĩnh vực chính:

  1. Các hành động ứng phó biến đổi khí hậu (Climate Action): chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm soát giảm thiểu phát thải CO 2 và hiệu ứng nhà kính, thông qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo.
  2. Sử dụng hiệu quả nguồn lực (Resource Efficiency): khuyến khích phát triển nền Kinh tế tuần hoàn, nhắm đến việc tái sử dụng, chia sẻ, cải tạo, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế để tạo vòng khép kín, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên đầu vào và rác thải.
  3. Sức khỏe và tiện nghi (Heath & Well-being): quan tâm đến việc đảm bảo sức khỏe và tiện nghi cho người sử dụng công trình, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ công trình lên sức khỏe con người và cộng đồng. 

Công trình xây dựng chịu trách nhiệm cho 39% tổng lượng phát thải carbon. Trong đó 28% đến từ giai đoạn vận hành, sử dụng của công trình – để làm lạnh, làm ấm và vận hành công trình, 11% còn lại đến từ năng lượng nội hàm – phát thải đến từ quá trình sản xuất vật liệu và xây dựng dự án. Tới năm 2050 nhu cầu năng lượng sẽ tăng 50%. Sử dụng năng lượng hiệu quả vì vậy là nền tảng để giảm phát thải trong giai đoạn vận hành công trình, thông qua việc thiết lập và tuân thủ Quy chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả và đổi mới.

Dự án toàn cầu Advance Net Zero – không phát thải carbon, khởi xướng bởi Hội đồng công trình Xanh thế giới, nhằm dẫn dắt quá trình không phát thải carbon của công trình xây dựng toàn cầu. Dự án kêu gọi toàn bộ công trình xây mới vận hành với “Net zero carbon” – không phát thải carbon từ 2030 và 100% công trình không phát thải carbon từ 2050. Để đạt mục tiêu đề ra, có bốn nguyên tắc chính cần được thực hiện từng bước: thứ nhất là đo lường và công bố lượng phát thải carbon của quá trình vận hành công trình bằng đồng hồ đo. Thứ hai là giảm năng lượng sử dụng của công trình bằng việc ưu tiên sử dụng các giải pháp năng lượng hiệu quả. Thứ ba là ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thứ tư là tăng cường kiểm soát tác động môi trường của quá trình vận hành, xem xét đến cả năng lượng nội hàm của vật liệu sử dụng và các lĩnh vực môi trường bị ảnh hưởng khác như nước và chất thải.

Một dự án toàn cầu khác: Better place for people – môi trường sống tốt hơn cho mọi người, cũng khởi xướng bởi Hội đồng công trình Xanh thế giới nhằm thúc đẩy các công trình xây dựng theo hướng bền vững, hỗ trợ cho lợi ích của người sử dụng, đem đến môi trường sống lành mạnh và tiện nghi sức khỏe.

Chúng ta sử dụng 90% thời gian bên trong công trình/ tòa nhà. Dự án “Better place for people” – môi trường sống tốt hơn cho mọi người, mong muốn liên kết công trình với người sử dụng chúng. Dự án nhắm đến việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ môi trường sống đến các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, chỉ ra các lợi ích cho người sử dụng các công trình Xanh. Tin tốt là các công trình hoàn toàn có khả năng được thiết kế, cải tạo, xây dựng và vận hành theo cách khác để có thể tăng cường sức khỏe và tiện nghi cho người sử dụng. Các tiện nghi sức khỏe chính trong công trình bao gồm tiện nghi nhiệt, tiện nghi thị giác, tiện nghi về âm thanh và ánh sáng, chất lượng không khí trong nhà. Các loại hình công trình khác nhau như nhà ở, công sở, trường học, bệnh viện…nếu được thiết kế và xây dựng đúng cách đều có thể mang đến tác động tích cực lớn lao cho người sử dụng (học sinh hiểu bài nhanh hơn nếu tiện nghi âm thanh được quan tâm, bệnh nhân hồi phục tốt hơn khi chất lượng không khí trong nhà được cải thiện và phòng bệnh yên tĩnh…)

Trong năm năm vừa qua, WGBC đã làm một số nghiên cứu các loại hình công trình khác nhau để nghiên cứu tác động về sức khỏe của công trình lên người sử dụng trong các công trình được thiết kế theo chuẩn công trình Xanh các quốc gia, các báo cáo nghiên cứu này có thể được tìm thấy và tải xuống miễn phí trên website của WGBC, bao gồm các loại hình công trình nhà ở, trường học, văn phòng…

Công trình Xanh là một giải pháp căn bản để vừa nhằm đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu nhưng cũng đồng thời mang đến các lợi ích kinh tế và xã hội cộng thêm cho công trình. Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng cho công trình là một trong những cách đơn giản, khả thi về chi phí và mang lại hiệu quả cao trong việc cắt giảm phát thải carbon. Công trình Xanh giúp giảm chi phí năng lượng, giảm tiêu thụ nước, chất thải và các tác động môi trường tiêu cực khác. Nó cũng mang lại môi trường sống với tiện nghi sức khỏe cho người sử dụng và qua đó tăng hiệu suất lao động. Với cách tiếp cận từ cả ba khía cạnh Xã hội, Môi trường và Kinh tế để đánh giá hiệu quả công trình, công trình Xanh đem đến lợi ích cho các nhóm khách hàng khác nhau trong công trình : chủ đầu tư, người sở hữu, người sử dụng công trình.

Phan Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam

(VGBC)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...