Hàn Quốc đồng ý kế hoạch xây thành phố nổi có thể chống chịu lũ lụt, siêu bão và sóng thần, do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
Thành phố nổi chống chịu thiên tai
Hơn hai năm trước, một nhóm các nhà xây dựng, kỹ sư và kiến trúc sư của BIG (Bjarke Ingels Group) đã tập trung tại Liên Hợp Quốc để thảo luận về một khái niệm đầy tham vọng: Một thành phố nổi có thể chống chọi với thiên tai, bao gồm lũ lụt, sóng thần và siêu bão.
Ý tưởng này không hoàn toàn mới lạ: Các nhà thiết kế và phát triển đã mơ tưởng trong nhiều thập kỷ về việc xây dựng các đảo nhân tạo và đô thị trên mặt nước. Ngay cả Homer cũng đã hình dung ra một thành phố nổi thần thoại cách đây khoảng 13 thế kỷ.
Mô hình thành phố nổi có thể chống chịu lũ lụt, siêu bão, sóng thần.
Nhưng những tầm nhìn đó nổi tiếng là khó tiến triển - thường là do các chính quyền địa phương không chấp nhận các đề xuất, với lý do lo ngại rằng có những mục đích sử dụng đất tốt hơn.
Dự án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã giải tỏa trở ngại đó khi thành phố Busan, Hàn Quốc, đồng ý xây dựng một thành phố nổi với sự hợp tác của nhà thiết kế dự án, OCEANIX, và Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc (UN-Habitat). Giống như nhiều thành phố ven biển, Busan đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao.
Cô Itai Madamombe, đồng sáng lập OCEANIX, nói với tờ Business Insider: “Thật ra Bhutan là nơi tốt nhất để chúng tôi triển khai nguyên mẫu này. Nhưng đây là điều mà chúng tôi hy vọng sẽ hữu ích cho tất cả các thành phố ven biển trên toàn thế giới, và tất cả các cộng đồng ven biển đang đối mặt với thách thức của nước biển dâng".
Thành phố chống ngập có thể hoàn thành vào năm 2025
Thành phố nổi của OCEANIX về cơ bản là một tập hợp các bệ hình lục giác nằm trên mặt nước.
Hình lục giác được coi là một trong những hình dạng kiến trúc hiệu quả nhất: Chúng cho phép các nhà xây dựng bảo tồn cả không gian và vật liệu. Giống như bên trong một tổ ong, về cơ bản đây là một mạng lưới các hình lục giác lồng vào nhau.
Các nền móng của thành phố sẽ được củng cố bởi một lớp phủ đá vôi cứng hơn bê tông từ hai đến ba lần, nhưng vẫn nổi. Vật liệu này được tạo ra bằng cách cho các khoáng chất dưới nước tiếp xúc với dòng điện. Khi có dòng điện đó, nó trở nên mạnh hơn theo thời gian và có thể tự sửa chữa, cho phép nó chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Mục tiêu là phát triển một thành phố chống ngập vươn ra biển và tự sản xuất lương thực, năng lượng và nước ngọt. Các lồng bên dưới nền móng có thể được sử dụng để nuôi sò điệp, tảo hoặc các dạng hải sản khác. Và hệ thống aquaponics (hệ thống sản xuất thực phẩm bằng cách phối hợp giữa nuôi trồng thủy sản thông thường với thủy canh trong một môi trường cộng sinh) có thể sử dụng chất thải từ cá để bón cây.
Hệ thống aquaponics có thể sử dụng chất thải từ cá để bón cây.
Tuy nhiên OCEANIX vẫn chưa xác định kích thước của thành phố. Madamombe cho biết nhóm của cô sẽ hợp tác với các nhà thiết kế địa phương ở Hàn Quốc để điều chỉnh nguyên mẫu cho phù hợp với môi trường địa phương. OCEANIX sẽ công bố kết quả của những nỗ lực này tại hội nghị bàn tròn thứ hai của Liên Hợp Quốc vào tháng 4 sang năm. Từ đó, nhóm sẽ bắt đầu thiết kế các nền tảng và đảm bảo phê duyệt cho việc xây dựng.
Chi phí, có thể thay đổi tùy thuộc vào thiết kế và vật liệu cuối cùng, ước tính khoảng 200 triệu USD.
"Tất cả sẽ mất tổng cộng ba năm. Vì vậy, chúng tôi dự đoán rằng vào năm 2025, nguyên mẫu thành phố nổi sẽ hoàn thành" - Madamombe nói.
Busan dễ bị ngập lụt do bão
Busan, thành phố 3,4 triệu dân, là nơi có một trong những cảng biển đông đúc nhất thế giới, vì vậy các nhà xây dựng và kỹ sư địa phương có kinh nghiệm xây dựng dọc theo mặt nước, theo Madamombe nói.
Cả bão và lũ lụt đều trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên. Một nghiên cứu gần đây từ nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central cho thấy trong trường hợp xấu nhất - Trái đất ấm lên 4 độ - ít nhất 50 thành phố lớn sẽ mất hầu hết các khu vực đông dân cư trong vòng 200 đến 2.000 năm tới vì mực nước biển dâng cao.
Các thành phố ven biển như Busan đặc biệt dễ bị tổn thương. Mặc dù vùng nước xung quanh Busan hầu như lặng sóng, thành phố này cũng đã phải hứng chịu nhiều cơn bão trong thập kỷ qua, bao gồm bão Chaba, làm ngập lụt thành phố vào năm 2016 và bão Kong-rey, dẫn đến mất điện trên diện rộng ở ở Busan vào năm 2018 .
Madamombe cho hay UN-Habitat sẽ thu thập dữ liệu về sự phát triển Busan. Nhóm của cô hy vọng sẽ áp dụng những bài học đó vào dự án tiếp theo của mình: OCEANIX đang đàm phán với ít nhất 10 chính phủ khác về việc xây dựng thêm các thành phố nổi.
(HouseVision.VN, Lao Động / Ảnh: OCEANIX)
- Tại sao nhiều người chi hàng triệu USD mua đất ảo?
- Doanh số đất ảo chạm mốc 500 triệu USD
- Đất ảo bắt đầu lên cơn sốt
- Cơn sốt đất trong Metaverse chỉ là ảo?
- Xây dựng tiền chế - Phương pháp bền vững của thời đại số
- Zomes: Thiết kế nhà bền vững 500 năm
- Telosa, siêu đô thị bền vững trên sa mạc Mỹ
- G Train - mẫu tàu hỏa tư nhân xa xỉ đầu tiên trên thế giới
- Thiết kế sân bay lên thẳng cho taxi bay của EHang
- The Line - Thành phố trên đường thẳng dài 170km giữa sa mạc