Kiến trúc sư không đơn thuần là vẽ nên những công trình đẹp đẽ, nguy nga lộng lẫy mà kiến trúc sư còn là người vận dụng những trí tuệ của mình để có thể mang đến hạnh phúc cho người sử dụng công trình kiến trúc do mình thiết kế – hạnh phúc thực sự về khía cạnh sức khỏe.
Hầu hết mọi người đều sống trong các ngôi nhà và các cấu trúc hình học, vị trí và bóng râm của các ngôi nhà sẽ gây ra tác động vô cùng lớn đến cuộc sống của cư dân sống trong đó. Tuy nhiên, không phải tất cả các kiến trúc sư đều ý thức được điều này và dành tâm huyết vào các tác phẩm thiết kế của mình để những quyết định thiết kế dù nhỏ nhất cũng không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của những người có liên quan đến tòa nhà.
Infographic có các điểm nhấn thiết kế
Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA) muốn truyền tải thông điệp đến cho các kiến trúc sư là thiết kế không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn làm phong phú thêm cuộc sống và hơn thế nữa, còn có thể mang lại lợi ích sức khỏe cho người sử dụng trong nhiều trường hợp. Thông điệp này được thể hiện qua thiết kế đồ họa thông tin tương tác (Infographic) có tên gọi là "Designing Communities, Shaping Health" (tạm hiểu là "Thiết kế vì cộng đồng, tạo dựng sức khỏe") do tập đoàn Link Studio thiết kế.
Infographic minh họa và chỉ ra rằng có vô số cách thức mà kiến trúc sư có thể lựa chọn trong quá trình thiết kế để có thể ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người sử dụng công trình đó.
Infographic có 8 "điểm nhấn thiết kế" minh họa ở tầng trệt của một tòa nhà thương mại. Các điểm nhấn thiết kế này có tính tương tác với nhau. Khi nhấp chuột vào một khu vực nào đó (ví dụ như cửa kính, cầu thang), bản đồ họa sẽ xuất hiện các thông tin và con số thống kê liên quan đến các phương án thiết kế có lợi cho sức khỏe.
Infographic minh họa lưu chuyển dọc và lưu chuyển ngang
Khi nhấn vào cầu thang, các thông tin hiện lên sẽ cho biết về các hướng đi lại, về các hình trang trí dọc theo cầu thang và mức độ chiếu sáng tự nhiên. Nó cũng có thể cung cấp thông tin về việc dùng cầu thang bộ và tầm quan trọng của cầu thang được thiết kế tốt, qua đó khuyến khích cư dân trong tòa nhà vận động thể chất. Một nghiên cứu của trường Đại học Harvard cho thấy "nếu leo bộ 20 tầng lầu mỗi tuần sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ hoặc tử vong từ mọi nguyên nhân".
Ánh sáng tự nhiên cải thiện năng suất làm việc
Nếu nhấp chuột vào biểu số ở hành lang sẽ hiện thông tin về lựa chọn vật liệu và các thông số kỹ thuật. Ví dụ, thông tin về độc tính của VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) trong vật liệu và tác động của nó có thể gây ra vấn đề sức khỏe như bệnh đường hô hấp hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh dị ứng. Yếu tố cửa ra vào minh họa về tầm quan trọng của ánh sáng tự nhiên và khả năng nâng cao năng suất lao động của người sử dụng công trình, trong khi các yếu tố cảnh quan từ cửa sổ cũng giúp nâng cao khả năng kết nối con người với thiên nhiên, mang lại lợi ích tích cực cho sức khỏe. Ngoài ra, đồ họa còn có một biểu đồ chỉ dẫn truyền thông đến cộng đồng về “cấu trúc kiến trúc và thiết kế có thể ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống vật chất, tinh thần và xã hội của người sống và làm việc trong công trình đó”.
Biểu đồ minh họa về chi tiết các khu vực thiết kế
Infographic này cũng bao gồm Hướng dẫn Thiết kế Chủ động của thành phố New York và hệ thống tiêu chuẩn công trình LEED của Hoa Kỳ về khả năng nhận diện các kiến trúc và nội thất được thiết kế để cải thiện sức khỏe của người sống trong đó.
Trong khi kiến trúc an toàn thường được gắn với những công trình chịu được động đất hay sử dụng vật liệu chống cháy, trong đồ họa này AIA lại chỉ ra rằng mặc dù có nhiều chi tiết thiết kế còn khá xa lạ với người sử dụng, nhưng thực tế có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể. Chẳng hạn kiến trúc hỗ trợ cho người cao tuổi, các khoảng không gian khuyến khích vận động và các vật liệu giảm thiểu tác nhân gây dị ứng. Ngày nay, có rất nhiều nhà thiết kế còn kết hợp với nghiên cứu y tế để tạo ra các sản phẩm thiết kế mang lại môi trường tốt nhất có thể cho sức khỏe.
Thiết kế cầu thang và cây xanh hợp lý, tạo thẩm mỹ và có lợi cho sức khỏe
Tại New York: Delos – một nhà tiên phong trong phong trào sống khỏe nhờ thiết kế, đã xây dựng và phát triển các tòa nhà dân cư có lợi nhất cho sức khỏe của thành phố. Bên trong các tòa nhà này có các yếu tố thiết kế rất độc đáo như vòi tắm giảm lượng Clo trong nước, vườn tường thông minh…. Tất cả chỉ nhằm mang lại sức khỏe tốt cho người sử dụng trong các công trình này.
Thiết kế vườn tường thông minh mang lại lợi ích sức khỏe cho người sử dụng
Ở Úc, có một nghiên cứu do hai chuyên gia là Armitage và Murugan của Đại học Bond đã khẳng định thêm về thông điệp của AIA là thiết kế thực sự có ảnh hưởng lớn hoặc làm phong phú thêm rất nhiều cho cuộc sống của người sử dụng. Đó là Armitage và Murugan đã tiến hành một cuộc khảo sát nghiên cứu của 351 nhân viên làm việc trong 10 công trình xanh và khảo sát 159 người trong 11 công trình không xanh. Những phát hiện trong khảo sát cho thấy "các nhân viên làm việc trong công trình xanh cảm thấy rõ là mình hạnh phúc và khỏe mạnh hơn hẳn so với những người làm việc trong công trình không xanh".
Làm việc trong môi trường xanh có lợi cho sức khỏe và hiệu quả công việc
Như vậy, có thể thấy rằng con người cần những điều kiện môi trường đủ tốt để có thể hoạt động tốt cả về thể chất và tâm lý. Việc tiếp cận với ánh sáng tự nhiên, có view/tầm nhìn đẹp, không khí trong lành là một phần của nhu cầu thiết yếu của con người và điều này lý giải tại sao những thuộc tính này góp phần cho hạnh phúc và sức khỏe của người khi được sống và làm việc trong công trình xanh.
Tóm lại, thông điệp sâu xa mà Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ muốn truyền tải là kiến trúc sư hãy tận tâm hơn nữa trong các sản phẩm thiết kế của mình bởi chính họ là người có thể mang lại điều tốt đẹp hoặc không tốt đẹp cho những người sử dụng sản phẩm của mình.
Khánh Phương
- 7 xu hướng thiết kế kiến trúc bền vững năm 2014
- Thành phố nổi: Xu hướng của tương lai
- Các xu hướng tái định hình ngành Xây dựng và Cơ sở hạ tầng toàn cầu trong năm 2014 và xa hơn
- Thành phố nổi cho tương lai
- Công trình chọc trời: Xu hướng thế giới năm 2014
- Kiến trúc xanh và xu hướng thế giới
- Nhà gỗ công nghệ năng lượng thụ động
- “Nhà thụ động” (passive house)
- “Future City” của Nhật Bản
- Phát triển công trình xanh: dễ & khó