Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Công nghệ Xu hướng Thành phố nổi: Xu hướng của tương lai

Thành phố nổi: Xu hướng của tương lai

Viết email In

Đối với hàng trăm thành phố đang đối mặt rủi ro ngập lụt liên miên, nhà nổi sẽ là một giải pháp khả dĩ. 

Nếu nhìn từ trên cao, tổ hợp khu nhà ở tại Đông Amsterdam (Hà Lan) trông giống như bất kỳ khu dân cư nào ở ven sông với những dãy nhà nhiều tầng khang trang. Những ngôi nhà này có cả ghế dựa ở ban công và xe đậu ngay gần lối ra vào. Vào những dịp đặc biệt, người dân ở đây còn tổ chức tiệc tùng mời bạn bè, hàng xóm tới chung vui. Nhưng chỉ có một điểm khác biệt lớn: mọi thứ ở đây đều nổi trên mặt nước.  


Dự án Waterbuurt 

Kể từ cuối năm 2009, các nhà phát triển bất động sản tại Hà Lan đã “kéo” những ngôi nhà xây sẵn qua các âu kênh và đưa chúng vào một góc hồ IJ ở IJburg, ngoại ô Amsterdam, nơi họ đã lập nên cái gọi là một trong những dự án nhà ở tham vọng nhất từ trước đến nay (âu kênh được sử dụng để điều chỉnh độ cao của mực nước. Một âu kênh có các cổng có thể đóng lại để kiểm soát mực nước trong một đoạn của kênh). 

Waterbuurt, tên gọi của dự án này, là một tổ hợp gồm 75 tòa nhà chủ yếu được làm bằng gỗ, nhôm, kính. Dự án ra đời nhằm chứng minh một điều: các cư dân bình thường (cụ thể là gần 1.000 cư dân) có thể sống một cách thoải mái trên mặt nước. 

“Mọi người nghĩ rằng, xây trên mặt đất thì dễ hơn rất nhiều. Nhưng chúng tôi giờ có đủ kiến thức để xây nhà trong những điều kiện khác nhau”, Marlies Rohmer, một trong những kiến trúc sư chính của dự án, cho biết. 

Dự án Waterbuurt là một cách con người đối phó với tình trạng nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Đặc biệt đối với những nước nằm thấp hơn so với mực nước biển như Hà Lan, biến đổi khí hậu là một mối lo thường trực. Các chuyên gia dự đoán biến đổi khí hậu sẽ khiến cho mực nước biển tăng thêm ít nhất 0,9 m vào năm 2100, khiến hàng trăm thành phố nằm thấp hơn so với mực nước biển như Bangkok (Thái Lan), London (Anh), Miami (Mỹ) đứng trước rủi ro bị ngập lụt lớn kéo dài.

“Dân số thành thị đang tăng nhanh theo cấp số nhân trong khi mực nước biển đang dâng lên. Chúng ta cần phải nghĩ đến một cách sống thích nghi với mọi điều kiện, tình hình mới”, Michael Sorkin, một kiến trúc sư và là Giám đốc Chương trình sau đại học về thiết kế đô thị tại Đại học Thành phố New York, nhận xét. 

Với các địa điểm tự nhiên độc đáo, Hà Lan là nơi rất phù hợp để ứng dụng cấu trúc nhà nổi. Với hơn 2/3 dân số sống dưới mực nước biển, nước này đã bỏ ra hàng tỉ USD để ngăn nước và được xem là một mô hình mẫu của thế giới cho lối kiến trúc nhà ở chống lũ lụt. Và đặc biệt là họ đã dựng lên cặp cửa chắn sóng cao sừng sững gọi là Maeslantkering mà gộp lại có chiều cao gấp 2 lần tháp Eiffel ở Pháp. “Chúng tôi đã quen với việc xây trên mặt nước. Đó là sở trường của chúng tôi”, Rohmer nói. Rohmer cũng đang sống trên một căn nhà nổi ở Rotterdam. 

Ý tưởng về thành phố nổi ở Amsterdam xuất phát từ tình trạng thiếu đất nghiêm trọng vào đầu thập niên 1990. Khi đó, các nhà thầu địa phương đã cạn quỹ đất xây nhà trong khi dân số thành phố thì đang bắt đầu bùng nổ. Vì thế, các quan chức thành phố đã bật đèn xanh cho phép thực hiện dự án xây dựng một quận đô thị mới trên các hòn đảo nhân tạo để làm nơi sinh sống cho khoảng 45.000 người.

Sau đó, các quan chức thành phố đã đi thêm một bước “trái với lẽ thường”: quy hoạch một khu vực nước gần một trong những hòn đảo của Hà Lan để thực hiện thử nghiệm một dự án phát triển nhà ở. Tại đây, họ lấy ý tưởng từ cách sống nhà thuyền nhiều tầng xưa nay của Amsterdam (có khoảng 2.300 nhà thuyền dọc theo các con kênh ở thủ đô Amsterdam) và tái định hình nó trở thành một quần thể dân cư hiện đại. Đến năm 2001, nhà phát triển dự án này đã đưa ra một bản thiết kế phác thảo cho cái gọi là thành phố nổi được quy hoạch lớn nhất thế giới. Đó chính là dự án Waterbuurt đã nói ở trên.

Rohmer, khi ấy đang tư vấn cho dự án IJburg, đã được mời vào nhóm phát triển Waterburrt. “Tôi rất hào hứng được làm điều gì đó mới và khác biệt. Tôi nghĩ rằng việc xây dựng thành phố nổi là hoàn toàn có thể”, bà nói.

Ban đầu, Rohmer và đồng sự đã gặp không ít thách thức. Mặc dù các quan chức thành phố đã thông qua dự án, nhưng lại không sửa đổi các bộ luật liên quan đến vấn đề xử lý trong tình huống khẩn cấp như hỏa hoạn. Điều đó có nghĩa là mặc dù thành phố nổi này được bao bọc xung quanh là nước nhưng bất kỳ ngôi nhà nào Rohmer xây dựng đều phải được kết nối với hệ thống bơm nước trên đất liền của đội cứu hỏa thành phố và phải có lối thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra.

Ngoài ra, còn có rắc rối trong vấn đề vận chuyển. Các ngôi nhà được xây tại một xưởng đóng tàu cách hồ IJ 65 km về hướng Bắc, sau đó chúng sẽ được kéo qua các âu kênh mà những âu kênh này lại khá hẹp. Có nghĩa là bề rộng ngôi nhà không được quá 6,5 m. Rohmer cho biết dù đây là công việc khó khăn nhưng “chúng tôi đã làm được”.

Khi những ngôi nhà đầu tiên của thành phố nổi này được hoàn thành vào năm 2009, không lâu sau đó, đã có cư dân chuyển vào ở. Một số người dọn đến ở là những người thích sống trên thuyền, nên rất hứng thú vì cuối cùng họ đã có một ngôi nhà nổi như mong muốn. “Khi đến xem nhà ở đây, tôi cảm thấy giống như mình đang trong một kỳ nghỉ vậy”, Leo Noordergraaf cho biết. Leo hiện sống ở Waterbuurt với gia đình mình. 

Hiện tại, cư dân sinh sống ở thành phố nổi Waterbuurt cũng đông đúc không kém gì ở trung tâm Amsterdam. Lấy cảm hứng từ Waterbuurt, các thành phố khác ở Hà Lan cũng đã lên kế hoạch phát triển những dự án tương tự.

Thế nhưng, vẫn chưa rõ liệu mô hình Waterbuurt có thể áp dụng rộng rãi cho các thành phố khác trên thế giới hay không. Theo lý giải của Felipe Correa, Giáo sư về kiến trúc của Trường Harvard, con người xưa nay luôn cảm thấy thoải mái hơn khi sống trên mặt đất vì nó mang lại cảm giác ổn định, lâu dài hơn. Đó là lý do vì sao việc xây nhà trên mặt nước thường xem là một giải pháp mang tính đối phó. Việc Thành phố New York đã đưa ra kế hoạch 20 tỉ USD để xây dựng các bức tường chống lũ lụt sau trận bão Sandy là một ví dụ.

Tuy nhiên, Rohmer rất có niềm tin rằng thành công của dự án Waterbuurt, cùng với những “khu dân cư” nổi tương tự (nhưng ít phức tạp hơn) như tại Seattle và Sausalito (Mỹ), sẽ bắt đầu làm nên sự thay đổi. Một tín hiệu tích cực là bà Rohmer đã được mời về thực hiện một dự án phát triển nhà ở khác trên sông Thames ở London. Bà cũng đã nhận được nhiều lời hỏi han, tìm hiểu, nghiên cứu từ Singapore và Hàn Quốc.

Dù thành phố nổi, như Rohmer nhận xét, “không phải là giải pháp cho mọi vấn đề nước tại đô thị”, nhưng đối với hàng trăm thành phố đang đối mặt rủi ro ngập lụt liên miên do biến đổi khí hậu, sau cùng đây sẽ là một giải pháp khả dĩ mà họ phải nghĩ đến một cách nghiêm túc. 


Đối với hàng trăm thành phố đang đối mặt rủi ro ngập lụt liên miên, nhà nổi sẽ là một giải pháp khả dĩ. 

Khánh Đoan (Theo TimeFT


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo