Nhận định về việc Lào có thể khởi công đập thủy điện Xayaburi vào ngày 19/4/2011, có ý kiến cho rằng: việc xây đập Xayaburi sẽ là “phát đại bác khai hỏa” cho một loạt các đập thủy điện sau này, gây tổn thất không thể bù đắp được với sông Mekong. Đến nay, đã có 263 tổ chức thuộc 51 quốc gia phản đối xây dựng đập Xayaburi.
Vai trò của MRC ở đâu?
Trong buổi tọa đàm về việc Lào dự kiến khởi công xây đập Xayaburi vào ngày 19/4/2011, do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức chiều 18/4, nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề vai trò của ủy hội sông Mekong (MRC) về quá trình tham vấn.
- Ảnh bên : Vị trí xây dựng đập thủy điện Xayaburi ở Lào.
Ở đầu cầu Thái Lan, bà P’Eang, đồng giám đốc của Quỹ phục hồi sinh thái và liên minh khu vực (TERRA - Thái Lan) cho hay, cùng với các tờ báo lớn là Bangkok Post và Nation phản đối các nhà đầu tư, một nhóm 100 người Thái đã tụ tập trước đại sứ quán Lào ở Bangkok để gửi thư phản đối. Dự kiến ngày 19/4 họ sẽ nộp thư phản đối lên bộ Ngoại giao Thái Lan.
“Là một người dân Thái Lan, tôi thấy xấu hổ vì chính quyền Thái Lan không rút kinh nghiệm cho những bài học trong quá khứ vì đã có những đập thủy điện gây nguy hại”, bà nói.
Bà P’ Eang khẳng định, quá trình tham vấn của Lào là không đáng tin cậy và việc MRC không biết về động thái này là việc không chấp nhận được. Việc Lào bỏ qua quá trình tham vấn các nước thành viên Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là một sự thất bại của MRC.
Hơn thế nữa, MRC còn bỏ qua công đoạn Lào tham vấn chính người dân của họ trước khi tiến hành xây dựng đập thủy điện này.
Phạm vi xem xét tác động của Lào quá nhỏ
Đại diện của tổ chức Sông ngòi quốc tế, bà Ame, cán bộ vận động chính sách vùng Mekong nói, báo cáo của Lào mới chỉ xem xét tác động của Xayaburi trong bán kính 10km tính từ thân đập, bỏ qua tác động xuyên biên giới, mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước khác trong khu vực. Rõ ràng có lỗ hổng về nghiên cứu ở sông Mekong và cần phải hoãn xây dựng đập thủy điện sau 10 năm, khi có nghiên cứu toàn diện hơn.
Bà Ame cũng khẳng định, vai trò của MRC cần phải xem xét vì đến nay đã có hơn 2.000 người gửi thư đến bày tỏ sự phản đối. Nhiều tổ chức và cá nhân cũng gửi thư đến MRC trong hai năm qua. Trong khi dòng sông có vai trò quan trọng ở khu vực châu Á và thế giới, chỉ đứng sau Amazon về sự phong phú sinh vật.
Nhận định về việc Lào có thể khởi công dự án vào ngày 19/4, ông Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký MRC cho rằng, việc xây Xayaburi sẽ là “phát đại bác khai hỏa” cho một loạt các đập thủy điện sau này, gây tổn thất không thể bù đắp được với sông Mekong và đây là một câu chuyện buồn.
Theo kế hoạch, ngày 19/4 ủy ban liên hợp của MRC sẽ tiến hành cuộc họp về quyết định có cho phép Xayaburi được xây dựng hay không tại Viên Chăn, Lào.
20 triệu người bị ảnh hưởng
Đến nay, đã có 263 tổ chức phi chính phủ thuộc 51 quốc gia đã ký vào biên bản kiến nghị gửi Thủ tướng Lào và Thái Lan phản đối xây dựng đập Xayaburi. Các tổ chức lớn như WWF, IUCN, WCD đều ủng hộ việc hoãn xây dựng 12 đập trong 10 năm để có thể nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. |
Các nhà khoa học thuộc mạng lưới Sông ngòi Việt Nam VNR cho rằng, nếu 12 con đập trên dòng chính Mekong được xây dựng, đoạn sông dài 2.400 km ở hạ lưu (50% chiều dài Mekong) sẽ biến thành vùng hồ, lưu trữ lại phù sa. Do đó phù sa không thể xuống hạ lưu là châu thổ sông Mekong ở đồng bằng sông Cửu Long và biển Hồ của Campuchia.
Lượng phù sa hàng năm Mekong tải về hạ lưu là 160 – 165 triệu tấn. Con số này sẽ giảm còn 1/4, tương đương 42 triệu tấn khi 12 đập được xây dựng. Như vậy, đời sống của 20 triệu dân ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị đe dọa, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của cả khu vực và thế giới.
Đồng thời, mất phù sa cũng là tác nhân khiến bờ biển phía Đông của đồng bằng sông Cửu Long và mũi Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng.
Mất phù sa cũng làm cho ĐBSCL bị sụt lún và chìm rất nhanh dưới mực nước biển, cùng tác động của nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Trong mùa khô, không đủ nguồn nước để ém phèn sẽ dẫn đến sự phèn hóa của diện tích khá lớn vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, tây nam sông Hậu.
Ước tính, riêng đồng bằng sông Cửu Long, tổn thất cá trắng là khoảng 240.000 – 480.000 tấn/năm. Nếu tính 2.500 USD/tấn, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiệt hại khoảng 500 triệu đến một tỷ USD.
Đời sống của hơn 20 triệu dân ở vùng hạ lưu sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu đập thủy điện Xayaburi được xây dựng.
Việt Anh (SGTT)
Ngày 19/4, Lào gặp gỡ các nước thành viên Ủy hội sông Mekong khác gồm Thái Lan, Campuchia, Việt Nam với hy vọng mong muốn các nước phê duyệt dự án thủy điện Xayaburi. Lào cũng hy vọng giảm bớt mối lo ngại của các nước láng giềng đối với con đập này, xét về nguy cơ gây giảm sản lượng cá và nước. Trong tháng hai vừa qua, trên Bangkok Post, phía Lào cũng khẳng định dự án trên không có tác động đến môi trường và họ có đủ thẩm quyền để phê duyệt xây dựng vì đập này đặt tại lãnh thổ của Lào. Nhưng, ý kiến từ các nước ở hạ lưu sông Mekong và đánh giá tác động môi trường của Ủy hội sông Mekong cho thấy, việc xây đựng đập Xayaburi sẽ là bước mở đường cho việc xây dựng các đập khác trên dòng chính, đe doạ xấu tới nguồn thủy sản, và sản xuất lúa ở vùng hạ lưu sông Mekong. (VnExpress) |
- Môi trường - yếu tố chính của phát triển bền vững
- Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh năng lượng sạch
- Thế giới phát triển thành công năng lượng sạch
- Quá trình lập chiến lược, quy hoạch phải đồng thời có đánh giá môi trường
- Các quốc gia châu Phi hướng tới năng lượng sạch
- Nước thải đổ dồn ra vịnh Nha Trang
- Cách thức quản lý tài nguyên quyết định sự giàu nghèo
- Xây dựng quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
- Việt Nam luôn chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
- Tiết kiệm năng lượng từ hệ thống chiếu sáng