Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Môi trường - yếu tố chính của phát triển bền vững

Môi trường - yếu tố chính của phát triển bền vững

Viết email In

Tại Hội nghị Chính phủ mở rộng vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết hơn 20 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, cứ tăng 1% GDP mà không có chiến lược thì sẽ mất đi 3% GDP. Môi trường được xác định là một trong ba trụ cột quan trọng của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường).

Quan niệm phát triển bền vững, thân thiện môi trường xuất hiện từ những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, với hàm ý là phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Đây là quá trình phải bảo đảm có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển: Phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Trong hai thập kỷ qua, vấn đề phát triển bền vững ngày càng được đặc biệt quan tâm, trở thành yêu cầu phát triển của toàn cầu. Đã có không ít hội nghị thượng đỉnh thảo luận về chủ đề này và đưa ra nhiều văn kiện, quyết sách quan trọng trên toàn thế giới.

  • Ảnh bên : Ô nhiễm nước sông Thị Vải (nguồn: nongthon.vn)

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, mặc dù quan điểm phát triển bền vững đã sớm được Đảng và Nhà nước đặt ra và Chính phủ cũng đã có những cam kết thực hiện về phát triển bền vững, tuy nhiên, thực tế triển khai cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Những năm trước đây, các vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp được chú trọng nhiều hơn trong khi phát triển bền vững chưa thực sự được quan tâm và triển khai hiệu quả.

Các chuyên gia kinh tế môi trường cho biết, nếu GDP Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không có giải pháp chiến lược hữu hiệu thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng 3 lần. Đến năm 2025, mức độ ô nhiễm môi trường có thể gấp 4 - 5 lần hiện nay. Ngoài tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt… ô nhiễm môi trường cũng sẽ tác động tiêu cực và trực tiếp đến sức khỏe con người với tỷ lệ chi trả để bảo vệ chăm sóc sức khỏe của năm 2010 khoảng 0,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng lên tới 1,2% GDP năm 2020.

Trong Hội nghị lần này, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, sau nhiều năm mới lại thấy lãnh đạo các tỉnh quan tâm, bàn bạc đến vấn đề môi trường "một cách sôi nổi". Đó là sự kỳ vọng về đánh giá và nhận thức đúng đắn của các lãnh đạo địa phương sẽ khởi động cho hướng ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường. Trong thời gian tham dự Hội nghị, đã có nhiều lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và tập trung vào chủ đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường...

Nhận thức được vị trí quan trọng của yếu tố môi trường, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gần đây đã bổ sung nhiều chỉ tiêu về môi trường. Các chỉ tiêu về môi trường gồm có: Tỷ lệ che phủ rừng năm 2015 là 42%, năm 2020 là 45%; 100% dân cư thành thị/nông thôn được sử dụng nước sạch/ nước hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng tiêu chuẩn môi trường; 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; 95% nước thải, 85% rác thải nguy hại, 100% rác thải y tế được xử lý. Điều đó chứng tỏ tư duy về phát triển bền vững đã được bổ sung để hướng tới sự hoàn thiện hơn.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nêu “Đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển... Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng”, xác định “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược”… Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường.

Trong chính sách thu hút đầu tư tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập: “Khuyến khích đầu tư… sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường”.

Khánh Phương

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo