Ashui.com

Wednesday
May 01st
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Ô nhiễm trầm trọng - Nhức nhối làng nghề!

Ô nhiễm trầm trọng - Nhức nhối làng nghề!

Viết email In

Theo kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số làng nghề của Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp vừa qua cho thấy: Hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép; nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây tre giang và chế biến nông sản thực phẩm rất cao.

  • Ảnh bên : Ô nhiễm tại làng nghề gốm Bát Tràng.

Hiện trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng theo từng năm. Năm 2009, có 9/23 làng nghề có từ 1-4 chỉ tiêu quan trắc nồng độ khí thải gây ô nhiễm vượt chỉ tiêu chuẩn cho phép từ 1,1 - 3,1 lần. Năm 2010, có 45/46 làng nghề có ít nhất 1 chỉ tiêu quan trắc chất lượng không khí vượt chuẩn cho phép từ 1,1 - 4,3 lần. Đặc biệt các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm như bún, miến, đậu phụ... có chỉ tiêu hữu cơ quan trắc chất lượng nước thải vượt chuẩn cho phép cao nhất từ 10 - 14 lần. Không khí ô nhiễm do các chất hữu cơ trong nước thải, chất thải rắn phân huỷ tạo nên các chất khí SO2, NO2, H2S, CH2 cùng các mùi hôi thối khó chịu... Nước mặt ở các làng nghề dệt nhuộm cũng bị ô nhiễm nặng. Tại các làng nghề sản xuất VLXD, môi trường xung quanh khu vực sản xuất có hàm lượng bụi đều vượt TCVN từ 3 - 8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt đến 6,5 lần.

Hầu hết các loại nước thải từ những làng nghề đều không qua xử lý mà xả thải thẳng ra môi trường. Hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải sản xuất của các làng nghề đều rất cao. Đặc biệt, các loại CDO, BOD5, SS... vượt TCVN hàng chục lần. Riêng nước thải từ khâu lọc tách bã và bột đen của quá trình sản xuất tinh bột từ sắn và dong riềng có độ PH thấp, còn độ ô nhiễm về BOD5, COD vượt TCVN mức B tới 200 lần...

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề nêu trên chủ yếu do ý thức của người dân nơi đây chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm ô nhiễm môi trường từ chính họ gây ra. Do quỹ đất thấp, các hộ trong làng nghề đều tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, trình độ công nghệ phần lớn kém, chưa được đầu tư thỏa đáng.



Nguyên nhân không kém phần quan trọng của tình trạng ô nhiễm làng nghề chính là thiếu nguồn kinh phí. Nguồn vốn đầu tư cho việc xử lý môi trường tại các làng nghề rất hạn chế. Đa phần các hộ sản xuất trong làng nghề không có kinh phí đầu tư cho hệ thống hạ tầng xử lý chất thải của làng nghề. Hơn nữa, nhiều hộ gia đình trong làng nghề tạo công ăn việc làm cho đối tượng chính sách xã hội như người tàn tật, người không nơi nương tựa… nên đôi khi gây khó khăn cho nhà quản lý. 

Một nguyên nhân quan trọng khác là tại các nơi này chưa có chế tài bắt buộc của các cơ quan quản lý nhà nước nên các cơ sở sản xuất hầu như không quan tâm hoặc “phớt lờ” công tác này. Mặt khác, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, mặc dầu trong điều 38 của bảo vệ môi trường năm 2005 có đề cập nhưng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, thi hành cụ thể.


Mương trong làng nghề Triều Khúc. 

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề (chiếm gần 59% tổng số làng trên địa bàn), 272 làng nghề được UBND TP cấp bằng công nhận làng nghề, trong đó có 198 làng nghề truyền thống. Năm 2010, giá trị sản xuất của các làng nghề trên địa bàn ước đạt 8.663 tỷ đồng, chiếm 8,3% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh những mặt tích cực và đóng góp cho sự phát triển thì các làng nghề này đang gây ô nhiễm và làm suy thoái môi trường tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Báo cáo của Bộ TN&MT cho biết, tỷ lệ người ở trong các vùng làng nghề mắc bệnh có xu hướng tăng cao. Các bệnh về hô hấp, tai mũi họng và bệnh ngoài da cũng rất phổ biến ở các làng nghề. Ở làng nghề tái chế kim loại, người dân phổ biến mắc các bệnh về đường hô hấp, bụi phổi và bệnh về thần kinh. Làng nghề tái chế giấy, tỷ lệ người mắc chứng bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, đường ruột có xu hướng tăng cao... Tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, hiện đã thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và so với làng không làm nghề, tuổi thọ này cũng thấp hơn từ 5 - 10 năm.

Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội: Chúng ta cần có thiết chế quản lý, thiết chế xã hội như thế nào cho phù hợp để khi chi ngân sách hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng. Điều quan trọng là nên rà soát lại các làng nghề, bỏ những cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nghiêm Vũ Khải - UB KHCN&MT của Quốc hội: Việc triển khai và hướng dẫn văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường còn chậm. Bên cạnh đó, trong khâu quản lý Nhà nước về phân công trách nhiệm còn nhiều bất cập, chồng chéo và đầu tư xử lý chất thải làng nghề chưa được chú trọng”.

Ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội: Việc xử lý các cơ sở vi phạm tại các làng nghề là rất khó vì chủ yếu đó là các hộ làm trong khuôn khổ gia đình, không có đăng ký kinh doanh. Trước đây, Hà Tây (cũ) cũng đã làm thí điểm áp dụng chế tài xử phạt tại 3 làng nhưng thất bại vì dân lập luận “Tháng làm có 3 triệu, nộp phạt 1 triệu thì lấy gì mà sống”.  

Khánh Phương

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo