Theo dự báo, đến năm 2012, các bãi rác tại Hà Nội không còn khả năng nhận thêm rác thải. Với tỷ lệ diện tích đất trên đầu người thấp, Việt Nam sẽ phải tính đến việc áp dụng công nghệ đốt rác.
Lượng rác thực tế rất lớn
“Chúng ta bàn đến vấn đề xử lý rác, nhưng chưa tính được chính xác cần đốt bao nhiêu lượng rác/năm?”, TS Nguyễn Trung Việt, trưởng phòng quản lý chất thải rắn, sở Tài nguyên môi trường TP.HCM, cho biết tại hội thảo “Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng WtE và khả năng triển khai tại Việt Nam” do hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (Vacne) và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức tại Hà Nội ngày 30/6.
Mô hình một nhà máy đốt rác ở nước ngoài.
TS Việt cho biết, đến tháng 6/2011, Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đều có báo cáo định kỳ số liệu về khối lượng chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại. Hà Nội được Chính phủ cho phép thành lập 18 khu công nghiệp và khu công nghệ cao, 13 cụm công nghiệp vừa và nhỏ với hàng ngàn cơ sở sản xuất công nghiệp.
Nhưng hiện tại số lượng các doanh nghiệp đăng ký chủ nguồn thải, chất thải nguy hại chỉ khoảng 500 đơn vị, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Ngoài các công ty đang tham gia vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp như: công ty Môi trường đô thị Hà Nội, công ty cổ phần Xanh, công ty TNHH Văn Đạo... vẫn có nhiều công ty trong lĩnh vực này không tuân thủ các quy trình nghiêm túc, thậm chí hoạt động ngoài khả năng được cấp phép, gây khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, khó có thể tính khối lượng chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại theo con số thống kê từ sổ đăng kí chủ nguồn thải.
Theo ước tính, khối lượng chất thải rắn công nghiệp tại Đà Nẵng khoảng 20-30 tấn/ngày, Hà Nội khoảng 100 tấn/ ngày, TP.Hồ Chí Minh khoảng 900 – 1.200 tấn/ngày, nhưng số liệu thực tế cao hơn nhiều. (TS Nguyễn Trung Việt). |
Tại Đà Nẵng, khối lượng và thành phần chất thải công nghiệp rất khó xác định vì các loại chất thải (rắn) công nghiệp đều có giá trị tái sử dụng và tái chế nên chúng thường được mua và vận chuyển về hơn 800 cở sở tái chế của thành phố. Việc quản lý các loại chất thải này rất phức tạp, ngay cả trong nội bộ của các cơ sở công nghiệp.
Tái chế rác bằng công nghệ là chìa khoá
Mô hình công nghệ đốt rác tái tạo năng lượng.
Trong khi các bãi rác hiện tại chỉ có thể “cố gắng” thêm 20 năm, riêng Hà Nội theo dự đoán năm 2012 sẽ “quá tải”, ngoài việc quản lý chặt việc khai thác chất thải, việc tái chế rác bằng công nghệ hiện đại chính là chìa khoá, các chuyên gia cho hay.
GS.TS.NGND Đặng Kim Chỉ (chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật, Vacne) cho biết, chôn lấp là giải pháp rẻ tiền cho những nước thừa đất. Trong khi quỹ đất tính trên đầu người của Việt Nam rất thấp (chỉ hơn Singapore, Hong Kong), rác thải ngày càng nhiều thì lâu dài chúng ta cần đầu tư cho công nghệ xử lý rác.
Theo các chuyên gia về môi trường, đầu tư xây dựng 1 ô chôn lấp rộng 5 ha mất khoảng 5 tỉ đồng. Việc mở rộng diện tích chôn lấp rác vừa gây lãng phí tài nguyên, tốn kém công thu gom, vận chuyển, diện tích chôn lấp, chưa kể vấn đề sức khoẻ. |
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cục trưởng cục Quản lý môi trường y tế - bộ Y tế cũng đồng tình với quan điểm này. Hiện số lượng chất thải y tế nguy hại vào khoảng 40 tấn/ngày, sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020. Nếu không có biện pháp xử lý hợp lý, chất thải nguy hại bị chôn lấp sẽ sinh ra nhiều khí, chất có hại tới sức khoẻ của con người.
“Cuộc khủng hoảng môi trường đã đến. Nếu không làm gì là chấp nhận khủng hoảng”, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, viện trưởng viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường khẳng định.
Thanh Tuyền
- Tiết kiệm năng lượng: Còn vướng mắc
- Phát triển đô thị gia tăng sức ép với môi trường
- Năng lượng tái sinh chi phối năng lượng toàn cầu
- Giá mua điện gió chưa thu hút nhà đầu tư
- Đầu tư toàn cầu cho năng lượng xanh tăng mạnh
- IEA: Có thể tăng gấp 10 lần năng lượng địa nhiệt
- Ô nhiễm trầm trọng - Nhức nhối làng nghề!
- Môi trường Việt Nam đang có diễn biến phức tạp
- Đập thủy điện lớn thứ 3 thế giới đe dọa rừng Amazon
- Tái cấu trúc để hướng tới nền kinh tế xanh