Ông Gavin Smith, Giám đốc Quỹ phát triển sạch của Dragon Capital, cho rằng giá mua điện gió tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan, và do vậy khó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất năng lượng sạch này.
Giá mua điện gió mới được Chính phủ thông qua và được áp dụng từ ngày 20/8/2011 sẽ là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 7,8 cent Mỹ/kWh) trong khi giá tại Thái Lan là 18 cent Mỹ/kWh.
Với mức giá mua điện gió thấp như trên thì rất khó cho các công ty đưa ra quyết định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện gió tại Việt Nam, ông Smith đã đưa ra so sánh trên tại buổi nói chuyện về nguồn cung năng lượng do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) và Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) tổ chức tại TPHCM ngày 12/7.
- Ảnh bên: Ông Trịnh Ngọc Khánh của EVN (bìa trái) và ông Erdal Elver của Siemens Việt Nam tại buổi nói chuyện về nguồn cung năng lượng ở Việt Nam tại TPHCM ngày 12/7 (Ảnh: Mộng Bình)
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Trưởng ban kế hoạch của Tập đoàn điện lực Việt Nam, cũng thừa nhận rằng giá điện hiện nay là một trong những trở ngại lớn trong việc thu hút vốn đầu tư vào không chỉ các nguồn điện tái tạo mà còn các dự án sản xuất điện từ những nguồn nguyên liệu truyền thống như than đá, khí.
Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng việc mua điện gió với mức giá 7,8 cent Mỹ/kWh tại Việt Nam không thể so sánh với Thái Lan được, vì các công ty đầu tư vào các dự án sản xuất điện gió còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, cấp đất, và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Quyết Định 37/2011/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 29/6/2011, các dự án điện gió được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, việc miễn, giảm đối với dự án điện gió được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư. Các dự án này cùng các công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Theo EVN, tổng nguồn cung điện trong năm 2010 đạt 97.335 GWh, tăng 14,82% so với năm 2010; trong đó 42,3% do tập đoàn sản xuất, 51,93% từ các nguồn sản xuất trong nước khác như các dự án BOT và 5,77% nhập khẩu. Tập đoàn này dự báo nguồn cung của năm 2011 là 110.820 GWh, tăng 13,85% so với năm trước. Ông Khánh cho biết vì nguồn cung điện của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào các nhà máy thủy điện, gần 40% tổng nguồn cung, nên việc thiếu điện vào giai đoạn mùa khô là không thể tránh khỏi. Trong năm 2010, sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 3 tỉ KWh.
Điện không chỉ thiếu hụt theo mùa mà còn thiếu hụt cục bộ tại một số địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư tăng mạnh, nhất là các dự án thép, xi-măng tiêu thụ nhiều điện năng tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Hải Dương và Thái Nguyên.
Trong giai đoạn 2011-2015, sẽ có 26 dự án sản xuất điện của EVN và 12 dự án của các nhà đầu tư khác được đưa vào vận hành. Trong giai đoạn này, nguồn điện quốc gia sẽ được bổ sung thêm 26.911 MW; trong đó các nhà máy chạy bằng than đá sản xuất 14.370 MW, thủy điện trong nước là 7.605 MW và sản lượng thủy điện nhập khẩu là 635 MW, khí là 2.970 MW và phần đóng góp của các dự án thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chỉ là 1.331 MW.
Bình Nguyên
- Để Mekong không chết
- Dự án thủy điện dòng chính Mêkông: Tác động khó lường
- Tiết kiệm năng lượng: Còn vướng mắc
- Phát triển đô thị gia tăng sức ép với môi trường
- Năng lượng tái sinh chi phối năng lượng toàn cầu
- Đầu tư toàn cầu cho năng lượng xanh tăng mạnh
- Đốt rác để tái tạo năng lượng
- IEA: Có thể tăng gấp 10 lần năng lượng địa nhiệt
- Ô nhiễm trầm trọng - Nhức nhối làng nghề!
- Môi trường Việt Nam đang có diễn biến phức tạp