Ashui.com

Tuesday
Nov 05th

Để Mekong không chết

Viết email In

Tương lai của Mekong, một trong những dòng sông dài và giàu tài nguyên nhất thế giới, đang trong cơn nguy hiểm. Một loạt dự án thủy điện của những nước nằm dọc sông, cùng áp lực dân số và tương lai biến đổi khí hậu ảm đạm đang đe dọa thay đổi dòng sông này, đẩy cuộc sống của hàng chục triệu người dân đến bờ vực và có thể khiến quan hệ giữa các quốc gia ven sông mâu thuẫn, căng thẳng kéo dài.

Để ngăn ngừa cuộc khủng hoảng này, các quốc gia nằm dọc con sông và các nước khác cần thực hiện những biện pháp nghiêm túc trên nền tảng quốc gia và khu vực.

 

Bất ổn sinh thái, chính trị vì đập thủy điện 

Ủy ban sông Mekong được thành lập từ năm 1995 để thúc đẩy và phối hợp trong công tác quản lý bền vững và phát triển sông Mekong, nhưng các nước thành viên không vượt qua nổi lợi ích quốc gia, trong khi vấn đề hợp tác đa phương giữa các nước còn rất chậm chạp.

Đe dọa lớn nhất đối với dòng chảy tự nhiên của sông Mekong là thủy điện. Với những đòi hỏi phát triển nguồn năng lượng, các nước ở Tiểu vùng Mekong mở rộng (gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt nam) dự định tăng lên 6,9% mỗi năm để đạt mức 616.000 tỷ watt mỗi giờ vào năm 2020. Những quốc gia này đang đổ xô vào thủy điện nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng bùng nổ, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế. Trung Quốc xây dựng thủy điện trên sông Mekong từ những năm 1980 và có kế hoạch hoàn thành nốt 4 trong 8 đập thủy điện trên địa bàn tỉnh Vân Nam, còn Campuchia, Lào, Thái Lan đang có kế hoạch xây 13 đập trên khu vực hạ lưu sông Mekong.

Các nghiên cứu trước đây dự đoán rằng, việc xây dựng những đập trên có thể thay đổi khối lượng, thời gian dòng chảy, chất lượng nước, giảm lắng đọng trầm tích - quá trình có vai trò sống còn đối với những khu vực đầm lầy và hệ thống đồng bằng, và do đó ảnh hưởng tới hệ sinh thái giàu có, bao gồm hơn 70% loài cá có tập tính di cư từ nơi khác tới đây để đẻ trứng. Hậu quả là, an ninh lương thực và nước của hàng chục triệu người phụ thuộc vào dòng sông bị đe dọa.

Hơn nữa, các nước ở khu vực hạ lưu sông Mekong cũng sẽ đối mặt với các nguy cơ địa chính trị. Thực tế là các dự án ở khu vực hạ lưu Mekong phụ thuộc vào lưu lượng nước Trung Quốc xả ra từ thượng nguồn, và nhiều dự án của Lào và Campuchia sẽ được các ngân hàng và công ty nhà nước của Trung Quốc cấp tiền. Điều này mang lại nhiều ưu thế cho Trung Quốc, nhưng sẽ khiến các quốc gia ở vùng hạ lưu phải gánh chịu thiệt hại.

Áp lực dân số và phát triển được dự đoán sẽ còn đẩy nhu cầu khai thác nguồn tài nguyên vốn đã bị đe dọa của dòng sông lên mức cao hơn. Theo một số dự án của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), dân số dọc khu vực hạ lưu Mekong có khả năng sẽ vượt mức 100 triệu vào năm 2025. Tổng lượng nước cần cho tưới tiêu ở hạ lưu Mekong sẽ tăng từ mức 43.700 m3 năm 2002 lên 56.700 m3 vào cuối năm nay.

Quá trình tăng trưởng kinh tế và dân số sẽ dẫn đến phát triển nông nghiệp và công nghiệp, định cư, phá rừng và phát quang lấy đất. Những yếu tố này khiến nạn ô nhiễm và thiếu nước thêm trầm trọng vì xói mòn, nước không được giữ lại, và dòng chảy của sông bị thay đổi. Dân số tăng lên nhưng tài nguyên ít đi khiến các vấn đề xã hội ở những quốc gia đang phát triển với phần lớn dân số đang sống ở mức nghèo thêm trầm trọng.

Những nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu có thể gây nên hậu quả lâu dài. Ủy ban sông Mekong đã chỉ ra hàng loại tác động đáng kể liên quan tới biến đổi khí hậu vào năm 2030, khiến tỷ lệ người nghèo tăng lên và quá trình phát triển chậm lại. Lượng mưa hàng năm ở một số khu vực có thể tăng thêm 13,5%, khiến lũ lụt thêm trầm trọng. Đây là con số đáng báo động vì hạ lưu sông Mekong gồm nhiều khu vực rộng giáp biển và những vùng đồng bằng chính chỉ cách mực nước biển không đáng kể. Ngược lại, lượng mưa ở một số khu vực khác giảm đi vào mùa khô, cộng thêm nền nhiệt độ trung bình tăng lên khoảng 0,80C và tình trạng băng tan ở dãy Himalaya ở phía thượng nguồn con sông có thể khiến một số nơi ở lưu vực phải gánh chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng hơn.

Năm 2007, Ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á có khả năng sẽ làm giảm 20% sản lượng mùa vụ vào năm 2050, nhu cầu nước và nghèo đói tăng, tạo thêm nhiều áp lực lên hệ sinh thái, bệnh tật hoành hành và tử vong do bệnh tật. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) dự đoán, tình trạng lũ lụt, hạn hán, xói mòn, mức nước biển tăng, sóng nhiệt ở đồng bằng sông Mekong sẽ thêm trầm trọng, dẫn đến tình trạng di cư tràn lan vì biến đổi khí hậu.

  • Ảnh bên: Thủy sản trên dòng Mekong là sinh kế của nhiều người dân. (Nguồn: Elite-view) 

 

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng 

Khi “mồ chôn” Mekong đã rõ ràng, lựa chọn của các quốc gia nằm dọc dòng sông vẫn chưa sáng tỏ. Nếu các quốc gia Mekong tin rằng hợp tác khu vực và các biện pháp đi trước đón đầu không được hoan nghênh và không thể, họ vẫn sẽ phải thực hiện biện pháp làm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, áp lực của dân số và phát triển, cũng như các dự án thủy điện. Nông nghiệp, khu đô thị, và công nghiệp có khả năng sẽ tranh nhau nguồn nước ít ỏi trong tương lai. Nếu sản lượng nông nghiệp giảm do biến đổi khí hậu, thì đằng nào các nước cũng phải tìm giải pháp tăng sản lượng lương thực và tăng hiệu quả sử dụng nước.

Xét về khía cạnh sản xuất lương thực, trọng tâm sẽ phải đặt vào nhiệm vụ giải quyết những thiệt hại sau thu hoạch (hiện đang chiếm 10-40% năng suất) thông qua các biện pháp như kiểm soát sâu hại gây bệnh, giảm xói mòn, luân canh và sử dụng các kỹ thuật canh tác thích hợp với sự thay đổi.

Theo Viện quản lý nước quốc tế, vấn đề quản lý nước cũng quan trọng không kém. Và các quốc gia phải đi tiên phong trong các nỗ lực nhằm tăng hiệu quả của hệ thống tưới tiêu công cộng, ưu tiên các kỹ thuật như thu hoạch và dự trữ nước mưa và dòng chảy, cũng như đánh giá nguồn nước ngầm và nhu cầu sử dụng nước trong khu vực.

Không có cách nào tốt hơn việc xây dựng một hệ thống nông nghiệp linh hoạt ở lưu vực Mekong có thể thích hợp với áp lực phát triển và biến đổi khí hậu, nhằm cải thiện sinh kế của những người nông dân, ngư dân canh tác, đánh bắt quy mô nhỏ dễ bị tổn thương. Theo số liệu của UNEP, cư dân dọc sông Mekong vẫn tương đối nghèo nếu xét theo những tiêu chuẩn sống cơ bản, dù họ đỡ khổ hơn so với vài thập kỷ trước. Tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh còn cao; gần 38% không được tiếp cận hạn chế với nước uống sạch, 29% sống trong điều kiện thiếu vệ sinh, đặc biệt ở Lào, Campuchia và Myanmar. Áp lực lớn hơn đè xuống nguồn tài nguyên hạn chế và những mô hình thời tiết không ổn định có thể đẩy tỷ lệ chết chóc, bệnh tật và di cư lên mức tồi tệ hơn.

Do đó, ở mức tối thiểu nhất, chính phủ các nước phải thực hiện những biện pháp được bàn bạc kỹ lưỡng để ngăn chặn viễn cảnh đó bằng cách giúp đỡ những cộng đồng dân cư này có được quyền lợi đảm bảo đối với mảnh đất họ sinh sống và canh tác, khuyến khích họ đa dạng hóa sản xuất và bổ sung những công việc làm thêm ngoài đồng áng để họ bớt phụ thuộc vào nông nghiệp, cung cấp cho họ sự đảm bảo về tài chính, chú ý tới các dịch vụ ứng phó khẩn cấp để giải quyết những vụ việc bất thường.

Nếu các nước dọc bờ sông lực chọn cách tiếp cận đi trước đón đầu, họ sẽ đi trước những biện pháp hạn chế trên để chọn phương thức phát triển bền vững tầm cỡ quốc gia. Nghĩa là ít nhất họ cũng để cộng đồng dân cư dọc sông Mekong được tham gia vào quá trình thảo luận các dự án xây đập và những dự án phát triển khác, thay vì duy trì quá trình ra quyết định chỉ ở mức độ chính quyền trung ương và cấp tỉnh.

Chính phủ các nước nên bảo đảm rằng, những đánh giá được, mất hay nghiên cứu trên khu vực này cần được thực hiện trước khi các dự án bắt đầu, nhằm hiểu rõ những thứ họ phải đánh đổi nếu thực hiện những dự án đó. Hiệu tại, một số dự án liên quan tới giới quý tộc chính trị hay người có chức quyền, khiến chúng không được thực hiện đúng quy trình. Ngoài ra, tình trạng thiếu kiến thức kỹ thuật để thực hiện nghiên cứu, khảo sát và những suy nghĩ sai lầm về phát triển, như cho rằng đánh cá là “lỗi thời”, còn thủy điện là “thức thời”, hay thủy điện là “sạch” trong khi thực tế là chúng thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính.

  • Ảnh bên: Một con cá da trơn khổng lồ bắt được ở sông Mekong. (Nguồn: Cogulus)

Đánh giá đúng những yếu tố này đóng vai trò then chốt trong việc cân bằng phát triển và tính cấp thiết phải bảo vệ môi trường, đặc biệt khi các chi phí môi trường và hậu quả kinh tế có thể xảy ra tức thời, trong khi biện pháp khắc phục phải mất nhiều năm để phát huy tác dụng. Ví dụ, nếu các dự án khiến lượng cá đánh bắt được của ngư dân giảm, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới bữa cơm hàng ngày của người dân Campuchia khi nó đóng góp 70% lượng protein cho người dân nơi đây? Một số nghiên cứu cho rằng, diện tích đồng cỏ ở các nước Mekong không đủ rộng để nuôi lượng gia súc có thể bù đắp nguồn dinh dưỡng bị mất này, trong khi việc nhập khẩu cá hay những nguồn protein từ nước khác sẽ đắt hơn rất nhiều.

 

Vứt bỏ ích kỷ quốc qua 

Cách giải quyết lý tưởng nhất là các nước dọc sông phải hợp tác để cùng nhau đẩy lùi nguy cơ. Để làm được điều đó, họ sẽ phải tiến hành những bước đi dũng cảm, thậm chí chưa ai từng làm trước đây, cũng như bắt tay với các tổ chức quốc tế để có chiến lược phù hợp.

Với chiều dài 4.880 km, sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc rồi chảy qua Myanmar, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan. Đây là con sông dài thứ 12 và có lưu lượng dòng chảy lớn thứ 10 trên thế giới. Quan trong hơn, dòng sông này giữ vai trò thiết yếu đối với các nước nằm dọc con sông vì nó cung cấp nước, thực phẩm và là tuyến giao thông quan trọng của người dân ở khu vực vốn được coi là vựa lúa của thế giới này.

Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Mekong của Việt Nam chiếm hơn nửa tổng giá trị nông nghiệp của quốc gia. Mekong cũng là nơi cư trú của quần thể cá phong phú nhất thế giới, của hàng trăm loài cá có tập tính di cư – những loài mang lại giái trị đánh bắt hơn 9 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, sông Mekong cũng là nguồn dinh dưỡng lớn cho người dân ven sông, đặc biệt là 70% dân số Campuchia. Mekong  là một trong những khu vực có đa dạng sinh học nhất thế giới, là nơi cư trú của nhiều loài, từ loài cá da trơn khổng lồ tới loài cá heo Irrawaddy quý hiếm. 

Trước tiên, các nước cần xếp lại những bất đồng trong quá khứ và sự khác biệt chính trị để cùng nhau nhận thức đúng những thách thức, chia sẻ thông tin về từng dự án phát triển dọc sông Mekong. 

Thứ hai, Trung Quốc và Myanmar phải tham gia vào Ủy ban sông Mekong với tư cách thành viên đầy đủ chứ không phải đối tác đối thoại. Không có kế hoạch quản lý sông Mekong nào có thể hoàn thành hiệu quả nếu các nước liên quan không tham gia đầy đủ. Đặc biệt, Trung Quốc nên đồng ý với một số nguyên tắc chỉ đạo để những đập thủy điện không thay đổi tiêu cực dòng sông tự nhiên. Thậm chí khi không tham gia, Trung Quốc ít nhất cũng phải công bố dữ liệu có liên quan tới dòng sông ở đoạn chảy qua nước này cho các nước hạ lưu, để tránh những thảm họa như từng xảy ra trước đây khiến 800 người Campuchia và Việt Nam thiệt mạng do lũ bất thường.

Thứ ba, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á, cũng phải hợp tác để tạo thêm sức mạnh cho các nước dọc sông và thúc đẩy hợp tác quốc gia vì biến đổi khí hậu, như giúp tiến hành nghiên cứu và công bố dữ liệu cho các bên cùng biết, dựa trên tinh thần hợp tác phát triển thực sự. Ngoài ra, Ủy ban sông Mekong cũng phải thực sự xem xét nghiêm túc những vấn đề liên quan tới xây dựng đập và phát triển bền vững.

Tương lai của dòng Mekong và sinh kế của hàng chục triệu người dân đang nằm trong tay chính quyền các nước nơi họ đang sinh sống.

Trúc Quỳnh
(Dịch theo bài viết Averting Crisis on the Mekong River của Prashanth Parameswaran - nhà nghiên cứu chính trị thế giới và châu Á, hiện đang là nghiên cứu viên tại Trường luật và ngoại giao Fletcher, Mỹ).

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo