Hơn 30 quốc gia châu Phi đã tham gia "Sáng kiến Paris-Nairobi năng lượng sạch cho châu Phi" để phát triển năng lượng tái tạo tại những nước nghèo. Châu Phi, hiện đang thiếu hụt năng lượng lớn, đương nhiên sẽ đặt cược vào năng lượng xanh.
Bộ trưởng Sinh thái học Pháp Nathalie Kosciusko-Morizet tuyên bố: "Châu Phi cấp thiết phải có nguồn năng lượng hiện đại, đáng tin và sạch để phục vụ cho sự phát triển. Cần phải làm cho các nhà tài trợ vốn yên tâm và thu hút đầu tư phù hợp bằng cách thực hiện các dự án có chất lượng tại châu Phi."
(Ảnh: AFP)
Tại các nước phía Nam, hơn 2 tỷ người chưa được dùng điện. Do vậy, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm thiếu hụt năng lượng, vốn dĩ cản trở quá trình phát triển của các nước châu Phi. Theo rất nhiều chuyên gia, sự tăng trưởng của châu Phi sẽ cao hơn 2 hoặc 3% nếu như vấn đề này được giải quyết.
"Sáng kiến Paris-Nairobi năng lượng sạch cho châu Phi" sẽ giúp huy động các nguồn vốn để tài trợ các dự án tại lục địa đen. Vì từ Bắc đến Nam, từ Tây sang Đông, nhiều nước đang đặt cược vào năng lượng tái tạo. Đứng đầu là Nam Phi, quốc gia hiện có rất nhiều dự án trong lĩnh vực này. Nam Phi dự tính sẽ đầu tư 90 tỷ USD trong 20 năm tới. Khi Nam Phi giảm sự phụ thuộc vào than, thì cùng lúc quốc gia này muốn tăng gấp 2 lần sản lượng điện. Dự án mới nhất được đưa ra là xây dựng một nhà máy điện năng lượng Mặt Trời có công suất 5.000 MW.
Tiếp theo là các nước Bắc Phi, trong đó có Morocco. Các trang trại điện gió đầu tiên đã được xây dựng cách đây 10 năm tại Tétouan, nằm ở phía Đông. Hai trang trại điện gió khác tại Tétouan và Essaouira đã sẵn sàng đi vào sản xuất. Morocco cũng đã xây dựng một nhà máy điện sử dụng khí đốt thiên nhiên và năng lượng Mặt Trời tại tỉnh Oujda, miền Đông. Morocco cũng sản xuất điện từ năng lượng Mặt Trời tại các nhà máy ở Ouarzazate, Foum el-Oued, Boujdour và Sebkha Tah, với mục đích sản xuất 2.000 MW đến năm 2020, chiếm 18% năng lượng điện của Morocco.
Nước láng giềng Algeria cũng đã đưa ra chương trình phát triển năng lượng tái tạo. Algeria đã đầu tư 300 triệu euro để xây dựng các nhà máy pin năng lượng Mặt Trời liên doanh với tập đoàn Centrotherm (Đức).
Khu vực Tây có tiềm năng thủy điện, gió và Mặt Trời vô cùng lớn, nhưng lại chưa được khai thác một cách đầy đủ. Tiềm năng này sẽ giúp cung cấp từ 10 đến 20% sản lượng điện trong khu vực.
Tình hình tại khu vực Đông Phi khả quan hơn. Hai nước là Uganda và Kenya ngày càng sử dụng nhiều năng lượng sạch để thay thế cho sản xuất điện từ than. Hiện nay, Kenya là nước sản xuất điện từ năng lượng gió lớn thứ 5 thế giới. Kenya cũng đang thực hiện các dự án sản xuất điện từ sử dụng chất cặn bã từ mía được đốt. Cứ 1 tấn mía sản xuất được 1 MW.
Tại Tanzania và Mozambique, nhiều dự án điện gió và Mặt Trời đang được thực hiện. Tại Uganda, nhà máy thủy điện Bujagali sẽ tăng gấp đôi sản lượng điện từ nay đến 2020. Các công ty sử dụng nhiều năng lượng như trong các lĩnh vực công nghiệp sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên. Trên thực tế, việc tiếp cận năng lượng là vấn đề chính cho sự phát triển của lục địa đen.
Theo ông Pierre Radanne, một chuyên gia về chính sách năng lượng, sự phát triển còn rất chậm so với khả năng. Có rất nhiều tài nguyên tại châu Phi có tiềm năng lớn về thủy điện nhưng các dự án năng lượng không tìm ra các nguồn tài chính./.
Thanh Bình
- Tái cấu trúc để hướng tới nền kinh tế xanh
- Môi trường - yếu tố chính của phát triển bền vững
- Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh năng lượng sạch
- Thế giới phát triển thành công năng lượng sạch
- Quá trình lập chiến lược, quy hoạch phải đồng thời có đánh giá môi trường
- Xây đập thủy điện Xayaburi: "Phát đại bác khai hỏa" trên sông Mekong
- Nước thải đổ dồn ra vịnh Nha Trang
- Cách thức quản lý tài nguyên quyết định sự giàu nghèo
- Xây dựng quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
- Việt Nam luôn chủ động ứng phó biến đổi khí hậu