Trong nhiều năm nữa, sự cân bằng hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang vẫn bị đe dọa, do nước thải chưa được xử lý của thành phố xả ra.
Nằm ở phía bắc cửa sông Tắc, khu đô thị biển An Viên - Nha Trang là một tổ hợp căn hộ cao cấp, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng… đang được xây dựng, với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng ở thượng nguồn sông Tắc, phía trên khu đô thị biển An Viên chừng 1 km là một cửa cống lớn, ngày đêm xả nước thải sinh hoạt của hàng chục ngàn người và nước thải của nhiều xí nghiệp thủy sản. Ngược lên thượng nguồn, còn có 3 cống xả nước thải lớn như vậy nữa.
Hiện nay, nước mưa và nước thải sinh hoạt, nước thải của các xí nghiệp, bệnh viện… ở Nha Trang có chung đường thoát, chưa có hệ thống thoát nước mưa riêng, nước thải riêng. Dù ra sông Cái qua các cửa xả ở cầu sắt Sông Cái, cầu Hà Ra, cồn Tân Lập hay ra Đồng Muối, sông Quán Trường, sông Tắc, đích đến cuối cùng của nước thải đều là vịnh Nha Trang. Có bốn cửa cống xả thẳng nước thải ra bờ biển. Ở khu vực công viên biển Thanh Niên (ngã ba đường Trần Phú và đường Dã Tượng), bờ biển ở đầu đường Đặng Tất gần danh thắng Hòn Chống, mọi người dễ dàng nhận thấy sự tồn tại của cống nước đen bằng mắt và cả bằng mũi.
- Ảnh bên : Cống xả nước thải ra bờ biển ở công viên biển Thanh Niên
Theo ông Trần Văn Huy, Giám đốc Cty Cấp thoát nước Khánh Hòa, trừ một số bệnh viện, khách sạn lớn có hệ thống xử lý nước thải nội bộ trước khi dẫn vào đường cống của thành phố, hầu hết nước thải của Nha Trang đều chưa được xử lý trước khi ra biển. Các nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực Bình Tân và phía bắc Nha Trang là nguồn xả thải lớn nhất. |
UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị tăng tổng mức đầu tư của dự án VSMTNT từ 77 triệu USD lên 93,6 triệu USD, đồng thời cắt giảm nhiều hạng mục của dự án. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, với mức vốn tăng lên cũng chỉ đủ để đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục ở phía Nam Nha Trang. Các hạng mục của dự án ở phía Bắc thành phố như nhà máy xử lý nước thải phía Bắc công suất 14.000m3/ngày đêm, các trạm bơm, tuyến cống thu gom, tuyến cống bao, tuyến cống truyền dẫn nước thải đều bị ngưng đầu tư. Như vậy, khi dự án VSMTNT hoàn thành theo dự kiến vào năm 2014, nước thải chưa được xử lý ở phía Bắc thành phố khả năng vẫn đổ thẳng ra biển.
Các hạng mục của dự án VSMTNT ở phía Nam Nha Trang cũng chưa chắc được hoàn thành vào năm 2014. Khi lập dự án, việc khớp nối với hệ thống thoát nước của các dự án khu đô thị phía tây Nha Trang, dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường, dự án Kè và đường sông Cái đã không được tính đến. Do vậy, tiến độ dự án VSMTNT đã bị chậm lại để điều chỉnh thiết kế khớp nối. Bên cạnh đó, dự án còn gặp khó khăn về vốn, về quản lý đầu tư xây dựng, năng lực của nhà thầu.
Theo những khảo sát mới nhất, chất lượng môi trường nước ở vịnh Nha Trang đang ở mức báo động. Nếu nguồn nước thải không được xử lý từ thành phố xả ra vẫn là tác nhân chính gây nên tình trạng này.
Nguyễn Đình Quân
- Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh năng lượng sạch
- Thế giới phát triển thành công năng lượng sạch
- Quá trình lập chiến lược, quy hoạch phải đồng thời có đánh giá môi trường
- Các quốc gia châu Phi hướng tới năng lượng sạch
- Xây đập thủy điện Xayaburi: "Phát đại bác khai hỏa" trên sông Mekong
- Cách thức quản lý tài nguyên quyết định sự giàu nghèo
- Xây dựng quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
- Việt Nam luôn chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
- Tiết kiệm năng lượng từ hệ thống chiếu sáng
- Cảnh báo từ bài học đập Mun trên sông Mekong