Ngày 3/3, Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) đưa ra cảnh báo: các nhà đầu tư vào dự án đập trên sông Mekong cần phải nghiên cứu bài học từ đập sông Mun, một thất bại về kinh tế điển hình gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và bất ổn xã hội.
Bài học đập sông Mun
Chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu phương án mở vĩnh viễn các cửa trên đập sông Mun với hi vọng khôi phục hệ sinh thái khu vực sông và khôi phục đời sống người dân trên một nhánh sông Mekong. Công trình đập sông Mun được xây dựng vào những năm 1990, vượt quá ngân sách và làm giảm lượng thuỷ sản ở đây, làm cộng đồng phải di cư và thất bại trong việc mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Sông Mun mất đa dạng sinh học sau khi chính phủ Thái Lan xây dựng đập thủy điện trên dòng sông này.
Những nguy cơ này cũng có thể lặp lại với đập Xayaburi, đang dự kiến được xây dựng trên dòng chính sông Mekong ở Bắc Lào, dòng sông có đa dạng sinh học lớn nhất ở châu Á.
Tiến sĩ Suphasuk Pradubsuk, điều phối viên về chính sách của WWF Thái Lan cho biết, bài học của đập sông Mun Thái Lan vẫn còn đó: việc nghiên cứu vội vàng về những tác động đến môi trường và xã hội có thể dẫn đến tình huống bất lợi cho cả ngư dân và chủ sở hữu con đập. Tiêu tốn 233 triệu USD, đập sông Mun đã tiêu tốn gấp đôi lượng đầu tư dự tính ban đầu, trong khi đó sản lượng điện đạt được chỉ đạt 1/3 dự tính trong mùa khô. Tỷ suất hoàn vốn chỉ ở mức 5% so với 12% như dự tính.
"Những người ủng hộ xây dựng thuỷ điện trên sông Mekong cần phải học hỏi từ bài học của đập sông Mun", tiến sĩ Suphasuk nói. Những nghiên cứu còn hạn chế hiện tại không đủ lý giải cho tương tác giữa các thành phần khác nhau của hệ sinh thái, vì vậy chúng ta không thể dự đoán chính xác được những tác động của đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.
Trì hoãn phê duyệt các đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong
Việc chặn dòng xây đập thủy điện tại đoạn sông Mekong ở Lào có thể khiến hàng chục triệu người ở hạ lưu sông mưu sinh khó khăn hơn.
Đập Xayaburi ở Lào, đập đầu tiên được dự kiến xây dựng ở hạ lưu dòng chính sông Mekong, đang kết thúc quá trình tham vấn dưới sự hướng dẫn của Uỷ ban sông Mekong. Quá trình này nhằm mục đích đảm bảo những đánh giá nghiêm khắc, rõ ràng và khoa học về những tác động của con đập.
Nghiên cứu tính khả thi của đập Xayaburi mới được phát hành gần đây đã không đề cập gì đến bài học từ đập sông Mun, WWF ghi chú.
"Nghiên cứu này chỉ khẳng định rằng tác động của đập Xayaburi sẽ ở mức thấp mà không đưa ra những bằng chứng để hỗ trợ cho kết luận đầy lạc quan này", Phasiri Winichagoon, giám đốc quốc gia của WWF Thái Lan lên tiếng, "Những người từng ủng hộ dự án đập sông Mun cũng đã bỏ qua những tác động đến sông Mun".
WWF ủng hộ việc trì hoãn phê duyệt các đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong trong 10 năm để đảm bảo hiểu biết toàn diện về những tác động của việc xây dựng và vận hành đập.Thay vào đó, WWF và các đối tác khuyến khích sử dụng các công cụ đánh giá để hỗ trợ việc ra quyết định cho những dự án thuỷ điện mang tính bền vững, những dự án có ít tác động đến sự di cư của các loài thuỷ sinh hoặc dòng chảy trầm tích.
Thiên Lam
- Nước thải đổ dồn ra vịnh Nha Trang
- Cách thức quản lý tài nguyên quyết định sự giàu nghèo
- Xây dựng quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
- Việt Nam luôn chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
- Tiết kiệm năng lượng từ hệ thống chiếu sáng
- Đập Tam Hiệp - thảm họa môi trường
- Phát triển năng lượng mới thân thiện môi trường: Cần chính sách hỗ trợ
- Tương lai năng lượng mặt trời
- 10 dòng sông cạn kiệt nước và ô nhiễm nhất trên thế giới
- Phát động chiến dịch Giờ Trái đất 2011 ở Việt Nam