Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Phát triển năng lượng mới thân thiện môi trường: Cần chính sách hỗ trợ

Phát triển năng lượng mới thân thiện môi trường: Cần chính sách hỗ trợ

Viết email In

Việc phát triển các nguồn năng lượng điện mới thân thiện với môi trường nhằm thay thế nguồn năng lượng thủy điện và nhiệt điện hiện hữu đã được các nhà khoa học đề cập đến từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, trước viễn cảnh mùa nắng năm nay có nhiều nguy cơ sẽ thiếu điện, nhắc lại việc phát triển nguồn năng lượng điện mới thân thiện với môi trường là việc nên làm.

Ở TPHCM, chỉ Thiềng Liềng mới có... điện mặt trời

Nói về việc phát triển các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường ở TPHCM, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM, cho biết gần như mới chỉ có xã Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, xây dựng được một trạm phát điện công suất 100kW từ năng lượng mặt trời, mặc dù TPHCM nắng gần như quanh năm.

Trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 6.000 tấn rác sinh hoạt và lượng rác này đang tăng với tốc độ khoảng 10%/năm. TPHCM đã phải tốn đến cả ngàn ha để xây bãi chôn lấp rác, thế nhưng việc ủ lượng rác này để lấy khí phát điện mới chỉ thực hiện được ở bãi Gò Cát. 

  • Ảnh bên : Hệ thống điện mặt trời tại xã Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ (Ảnh: Kim Ngân)

Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TPHCM, các nguồn năng lượng điện mới có ưu điểm là thân thiện với môi trường hơn các nguồn năng lượng điện làm từ thủy điện và nhiệt điện hiện hữu. Tuy nhiên, trình độ công nghệ sản xuất ra các loại năng lượng thân thiện với môi trường này không riêng gì ở Việt Nam mà ngay cả ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới vẫn chưa cho phép sản xuất ra được điện với chi phí thấp, phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Chính vì thế, việc sản xuất năng lượng mới thân thiện với môi trường vẫn chưa được phổ biến. Chỉ có một số nước giàu, có điều kiện tài chính hỗ trợ cho hoạt động này mới dám triển khai mạnh mẽ loại hình năng lượng mới. Đức là một trong những quốc gia ấy. Chi phí để sản xuất 1kW điện từ năng lượng thân thiện với môi trường ở đây khoảng 22 cent và Chính phủ Đức tài trợ để các doanh nghiệp sản xuất điện có thể bán với 1kW với giá 11 cent.

Việt Nam - một quốc gia đang phát triển nên gần như chưa có khả năng làm như các nước đã phát triển. Do đó, dù rất thừa thãi các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường nhưng lại không có khả năng biến chúng thành điện năng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân” - ông Phan Minh Tân nói.   

Khó cũng phải làm

Năm 2011, nhu cầu điện trong mùa khô dự kiến tăng 18,3%, tăng 14% so với năm 2010. Trong khi đó, tình hình cung ứng điện gặp phải rất nhiều khó khăn do hầu hết các hồ thủy điện bị thiếu nước nghiêm trọng, nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ.

(Nguồn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Ông Huỳnh Kim Tước khẳng định như vậy khi được hỏi về việc nên chăng phát triển nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường, trong khi chi phí sản xuất còn khá cao. Lý giải cho nhận định của mình ông Huỳnh Kim Tước nói, thủy năng - nguồn năng lượng chủ yếu sản xuất ra điện ở Việt Nam đã và đang được khai thác gần cạn kiệt. Đó là chưa kể đến những “tác dụng phụ”: làm mất rừng, xói mòn đất. Các nguồn năng lượng khác như than đá, dầu mỏ… lại có hạn. Chính vì thế việc nghiên cứu, sản xuất các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ. 

Hồi cuối năm Canh Dần vừa qua tại TPHCM, một tập đoàn sản xuất pin mặt trời với giá rẻ của Mỹ đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Ông Phan Minh Tân cho rằng, đây là một cơ hội cho việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời ở TP (dù rằng sản phẩm của doanh nghiệp Mỹ này xuất khẩu là chủ yếu). 

Trước đây, để sản xuất pin mặt trời, các nhà sản xuất thường sử dụng silicon nên giá thành lên tới 6 - 7USD/tấm pin. Nay với công nghệ mới, phủ một màng mỏng polyme lên kiếng để sản xuất pin, sản phẩm của doanh nghiệp Mỹ  nêu trên có giá dưới 1USD. Về cơ bản, với chi phí này, các nhà đầu tư ở Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất ra điện từ năng lượng mặt trời bằng các tấm pin của doanh nghiệp Mỹ với giá thành rẻ hơn hiện nay. 

Tuy nhiên, ông Phan Minh Tân cũng cho rằng, dù có rẻ hơn nhưng giá thành điện làm từ năng lượng mặt trời hiện nay cũng khó có thể thấp hơn giá điện làm từ thủy năng hiện hữu. Do vậy, vẫn cần một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước để phát triển các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường. Sắp tới Sở KHCN TPHCM sẽ thực hiện một dự án chuyển giao công nghệ làm phong điện từ Nga. 

Đây là công nghệ sản xuất tua-bin gió công suất thấp, nghĩa là chỉ cần tốc độ gió 1,5m/s là có thể vận hành được tua-bin thay vì phải cần tốc độ gió lên tới 15m-20m/s mới làm cho tua-bin chạy được như nhiều tua-bin đang có hiện nay. Dù là công nghệ mới nhất nhưng để dự án này triển khai thành công vẫn rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng quan điểm với ông Phan Minh Tân, ông Hoàng Hữu Thận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển điện, cũng cho rằng khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường như mặt trời, gió… phải là chiến lược đầu tư lâu dài bởi đây là nguồn năng lượng gần như vô hạn, lại rất dồi dào ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Tất nhiên, trong chiến lược này phải bao gồm cả kế hoạch phát triển và các cơ chế chính sách hỗ trợ đi kèm. 

AN NHIÊN

>> Năng lượng tái tạo: vẫn chưa đến thời

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo