Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Phát triển đô thị gia tăng sức ép với môi trường

Phát triển đô thị gia tăng sức ép với môi trường

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng đang làm biến đổi các điều kiện môi trường cả ở thành thị và nông thôn nước ta.

Ngoài 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để, hiện có gần 100 khu công nghiệp, khu chế xuất và hàng trăm cụm công nghiệp ở các địa phương mới được thành lập chưa có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, đã và đang tạo ra sức ép ngày càng tăng đối với môi trường thiên nhiên.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, theo Quyết định 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong giai đoạn 1 có 338/439 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý không còn gây ô nhiễm, song tiến độ xử lý đối với 3.856 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được thống kê trong năm 2000 còn rất chậm trễ.

Đặc biệt vẫn có 15 tỉnh, thành phố chưa thực hiện phân loại, lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh cần phải xử lý như Bình Thuận, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Nam Định, Phú Yên...

Nhìn chung nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân và các nhà quản lý, các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Không ít doanh nghiệp chây ỳ, không tích cực xử lý ô nhiễm mà còn có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng.

Một số địa phương khi kêu gọi đầu tư đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép cơ sở sử dụng công nghệ lạc hậu; thậm chí có biểu hiện nương nhẹ trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là các cơ sở hoạt động công ích.

Đến nay vẫn có 6 địa phương chưa có cơ sở nào được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

Riêng trong năm 2010, các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Trị không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, theo biên bản vi phạm hành chính do các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập.

Nhiều làng nghề trong cả nước cũng không có hệ thống xử lý rác thải, nước thải và khí thải; chưa kể một lượng lớn rác thải sinh hoạt, chất thải y tế, kèm theo một khối lượng thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng hoặc cấm sử dụng vẫn tồn đọng, cả chất độc hóa học trong chiến tranh còn tồn lưu đang là vấn đề bức xúc hiện nay.

Để thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay, đồng thời hạn chế tối đa các cơ sở mơi gây phát sinh ô nhiễm môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm đối với các vi phạm về môi trường theo Nghị định 117 của Chính phủ; kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không hoàn thành đúng tiến độ xử lý triệt để ô nhiễm đúng nội dung Quyết định 64.

Mặt khác, đa dạng hóa nguồn vốn cho công tác xử lý triệt để các cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường, cùng với sửa đổi điều lệ tổ chức và quy chế hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, nhằm tạo cơ chế thông thoáng, giúp cơ sở dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay này; cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế tranh thủ sự tài trợ về tài chính, công nghệ, kỹ thuật và chuyên gia để xử lý tận gốc tồn lưu các kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và chất thải của cơ sở chế biến cà phê, cao su.../.

Văn Hào
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm