Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại Iwata Shizuo: "10 năm nữa Hà Nội mới cần xây đường trên cao"

Iwata Shizuo: "10 năm nữa Hà Nội mới cần xây đường trên cao"

Viết email In

"Vấn đề hàng đầu để chống ùn tắc tại Hà Nội hiện nay là xây dựng hệ thống đường bộ đồng mức trên mặt đất và thay đổi cách quản lý giao thông", ông Iwata Shizuo, Trưởng đoàn nghiên cứu JICA.

- Là người nhiều năm nghiên cứu quy hoạch giao thông Hà Nội, ông có lời khuyên gì cho thành phố về dự án xây dựng đường trên cao?

Iwata Shizuo (ảnh bên): - Chúng tôi đã nghiên cứu mạng lưới đường bộ cho thành phố và tính rằng đường bộ trên cao Hà Nội chưa cần, ít nhất là đến năm 2020. Cái mà chúng tôi muốn đề xuất cho thành phố hiện nay là hệ thống đường bộ đồng mức trên mặt đất thật tốt. Hiện mạng lưới trong thành phố chưa tốt, chất lượng đường kém. Nhiều dự án chậm tiến độ, như cầu Thanh Trì đã có cầu nhưng chưa có đường dẫn.

Đường trên cao thích hợp cho giao thông chạy thẳng xuyên suốt song không phát triển được hai bên đường và kết nối với các tuyến khác. Do vậy, đường bình thường sẽ tốt hơn cho phát triển đô thị nói chung.

Trước khi làm dự án quy hoạch giao thông Hà Nội, tôi đã làm quy hoạch giao thông ở TP HCM trong đó có đề xuất một tuyến đường trên cao. Ở thành phố này thì có thể xây dựng được vì rộng lớn hơn và có ít cái cần bảo tồn. Hà Nội thì nhỏ hơn và phải bảo vệ cảnh quan.

- Theo đề xuất của ngành giao thông Hà Nội, đường trên cao sẽ xây tại các tuyến vành đai 2, 3 và các hướng xuyên tâm. Khả năng giải quyết ùn tắc của đề xuất trên sẽ như thế nào?

- Đường trên cao đồng nghĩa thu hút nhiều ôtô đến song ôtô không chỉ chạy trên đường đó mà phải xuống đâu đó. Nếu không bố trí bãi trông giữ thì xe tiếp tục chạy lung tung trong đô thị, lại gây tắc nghẽn giao thông.

Những thành phố lớn như Singapore, Nhật Bản, Bangkok đều có đường trên cao, họ đều phải nghiên cứu cẩn trọng xây như thế nào và thu hồi vốn ra sao. Nếu xây dựng ở vành đai 2, 3 và đường hướng tâm thì phải kết nối với nhau. Theo tôi, ít nhất 10 năm nữa Hà Nội có thể xây dựng, song mô hình có thể không như hiện nay.

  • Ảnh bên : Cầu vượt Mai Dịch (Ảnh: Hoàng Hà)

- Nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại đường trên cao sẽ phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Tại Tokyo các ông đã giải quyết bài toán trên thế nào?

- Thành phố Tokyo khá đông dân, chúng tôi đã phải xây đường trên cao trên những con sông hoặc sát vào những tòa nhà chung cư. Người dân sống cạnh đó phải chịu tiếng ồn, cảnh quan cũng rất xấu. Nhưng nếu không có những con đường như vậy sẽ hỗn loạn vì dân số tại đây tới 30 triệu người. Hiện nay chúng tôi xu hướng làm ngầm nhiều hơn mặc dù có chi phí khủng khiếp.

Theo tôi, cảnh quan có ảnh hưởng song cái chính là thiết kế đường như thế nào. Đường rộng thì làm công trình trên cao ở giữa. Tiếng ồn, ô nhiễm không khí có thể giảm đi do công nghệ sản xuất ôtô có nhiều tiến bộ. Nhật Bản có nhiều xe không có tiếng ồn.

"Khi nghiên cứu quy hoạch giao thông Hà Nội vào năm 2004, số lượng ôtô đã tăng rất nhiều. Chúng tôi đã nói tăng xe máy không đáng lo mà đáng lo là tăng ôtô, và tình hình giao thông đã xấu đi nhanh chóng như giờ chúng ta đã thấy. Hiện nay, xu hướng tăng ô tô mới ở giai đoạn đầu khi nhà nước vẫn còn phát triển công nghiệp ôtô, người dân mua ôtô khi họ có nhiều tiền hơn. Với tốc độ này, Hà Nội vài năm nữa sẽ như TP HCM bây giờ hoặc như Bangkok (Thái Lan) mấy năm trước. Sau khi chúng tôi hoàn tất quy hoạch giao thông Hà Nội (dự án Haidep) thì tiến độ thực hiện các dự án đường trong thành phố rất chậm" - ông Iwata Shizuo, Trưởng đoàn nghiên cứu Jica nói. 

Tại Hà Nội, phía trong vành đai 2 của nội đô là khu vực nhạy cảm. Nếu chính quyền quyết định xây đường trên cao thì phải có một nghiên cứu nghiêm túc và toàn diện mạng lưới để người được hưởng lợi không chỉ là đi ôtô mà cả những người dân khác.

- Nếu chưa xây dựng đường trên cao, ông có đề xuất gì cho giao thông Hà Nội để tránh tình trạng ùn tắc như hiện nay?

- Đầu tiên là thay đổi cách quản lý giao thông, thứ hai là có thêm nhiều đường bộ. Ở các thành phố lớn không thể chấm dứt được tắc nghẽn giao thông, nếu xây dựng đường mới thì lại thu hút xe vào rồi lại tắc nghẽn. Vấn đề là quản lý giao thông nghĩa là quản lý tắc nghẽn thế nào, quản lý ách tắc của 1 triệu xe gây ra khác với 2 triệu xe.

Biện pháp cần thực hiện ngay là điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. Người đi xe thường không nhường đường cho nhau, vậy con đường nhỏ 2 chiều nếu thành một chiều thì hợp lý hơn. Những con đường chính không thể đỗ xe song những đường nhánh thì có thể cho xe đỗ một bên, cảnh sát chưa nhiệt tình hướng dẫn giao thông, nhiều người chỉ đứng chờ xử lý người vi phạm... Nếu có các phương án hiệu quả thì có thể cải thiện ít nhất 30% tình hình ùn tắc giao thông hiện nay.

Hà Nội có thể áp dụng phương án thu phí xe vào nội thành, vừa tăng ngân sách vừa hạn chế xe ra vào nội đô. Người đi xe từ phía bắc đến phía nam cũng có thể chọn tuyến đường vành đai mà không phải đi qua thành phố. Thành phố cũng có thể tăng phí trông giữ xe trong nội đô theo giờ, càng đỗ nhiều giờ thì phải chịu phí càng cao.

Đoàn Loan (thực hiện)

>> Những khuyến nghị cho quy hoạch giao thông Hà Nội 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2255 khách Trực tuyến

Quảng cáo