Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại Quản lý giao thông Thủ đô vẫn… ngẫu hứng

Quản lý giao thông Thủ đô vẫn… ngẫu hứng

Viết email In

"Để giải quyết ùn tắc giao thông, Hà Nội cần khai thác hiệu quả tuyến đường bộ mặt đất thay vì đầu tư xây dựng đường bộ trên cao. Đối với những điểm giao thông hay ùn tắc chỉ cần xây đường hầm và cầu vượt là đủ. Bên cạnh đó, thành phố cũng phải điều tiết lại các điểm đỗ xe", đó là quan điểm của TS. Iwata Shizuo, Trưởng đoàn nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA đưa ra trong cuộc trao đổi với PV xung quanh các giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

PV: - Thưa ông, qua nhiều năm nghiên cứu thực trạng giao thông ở Hà Nội, ông đánh giá thế nào về mức độ ùn tắc giao thông của thành phố?

TS. Iwata Shizuo (ảnh bên): - Theo tôi, so với TP HCM, mật độ giao thông và thời gian ùn tắc trên các tuyến phố của Hà Nội không quá nghiêm trọng. Trừ những ngày lễ lớn, tôi chưa thấy nút giao thông nào bị tắc quá lâu. Hiện nay, giao thông tắc nghẽn phần lớn tập trung bên trong vành đai 1 và 2 nhưng lý do gây tắc nghẽn là do quản lý và ý thức của người tham gia giao thông chưa được tốt.

- Ông đánh giá thế nào về giải pháp xây dựng 6 tuyến đường bộ trên cao để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội vừa được Sở GTVT đưa ra? 

- Nếu Hà Nội xây 6 tuyến đường trên cao cũng khó giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông. Khu vực bên trong vành đai 2 trở vào lại là khu vực rất nhạy cảm, cần phải bảo vệ chặt chẽ cảnh quan cho nên không được xây dựng những tuyến đường trên cao mà phải xây ngầm dưới đất. Hà Nội xây dựng tuyến đường bộ trên cao từ đường vành đai 2 trở ra là quá xa, không cần thiết bởi mật độ giao thông ngoài này còn thưa, vẫn còn nhiều quỹ đất có thể mở rộng đường bộ. Điều đáng quan tâm là tất cả các tuyến đường này không có vai trò giảm tải lưu lượng giao thông trong nội đô, mà ngược lại khi làm xong có thể lại dẫn đến tình trạng lưu lượng xe từ dồn ứ vào trung tâm.

- Vậy theo ông, giải pháp cơ bản để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội là gì?

- Hà Nội cần nỗ lực cải tạo, khai thác hiệu quả những tuyến đường bộ mặt đất. Bởi vì những tuyến đường đồng mức đó phục vụ mọi thành phần kinh tế trong xã hội và phục vụ cho phát triển đô thị, còn đường trên cao hay đường ngầm chỉ là giải pháp tình thế. Xây dựng đường trên cao trong khi đường đồng bộ phát triển không tốt thì quá trình phát triển giao thông đô thị sẽ diễn ra tràn lan, rất cồng kềnh và khó kiểm soát. Đối với những điểm giao thông hay ùn tắc chỉ cần xây đường hầm và cầu vượt là đủ.

  • Ảnh bên : Đối với những điểm hay ùn tắc, chỉ cần xây cầu vượt và đường hầm thay vì làm đường bộ trên cao. (Ảnh: Trung Kiên)

Tất cả các tuyến đường trong thủ đô cần phải rà soát lại cách thức tổ chức giao thông, tín hiệu đèn đỏ. Cần thiết phải xây dựng thêm bãi đỗ xe trong nội thành. Hà Nội có làm thêm thật nhiều đường nhưng không có bãi đỗ, ô tô lại đỗ tràn lan ra đường, lại càng dễ gây ùn tắc. Khái niệm quản lý giao thông là bao gồm cả việc điều tiết bãi đỗ chứ không dừng lại ở việc quản lý trên các tuyến đường giao thông. Nhưng theo, từ trước đến nay Hà Nội mới chỉ đang tập trung vào phần quản lý trên các tuyến đường, chưa quan tâm nhiều lắm đến việc điều tiết bãi đỗ.

- Theo quan sát của ông,  việc tổ chức các điểm đỗ xe ở thành phố hiện nay đang có những bất cập gì?

- Nếu không mở thêm được các bãi xe trong nội thành thì Hà Nội nên tân dụng rìa đường làm bến đỗ. Một thành phố có mật độ giao thông đông đúc bậc nhất thế giới như Tokyo vẫn cho phép đỗ ô tô ở rìa đường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc Hà Nội cần chỉ ra được đâu là con đường chính, phụ. Nếu là đường chính thì việc đỗ xe trên con đường này phải quản lý chặt chẽ, không cho đỗ giờ cao điểm, còn vào những giờ khác phải áp dụng thu phí đỗ xe theo phút (ở Tokyo mỗi phút 1 USD) chứ không nên theo giờ, theo ca như hiện nay. Làm như vậy gây tâm lý tiếc tiền của chủ xe cho nên họ làm việc sẽ nhanh hơn tránh được việc đỗ xe tran lan không kiểm soát. Đối với những con đường có mật độ giao thông ít, cần lập thêm nhiều bãi đỗ xe để giảm tải cho các trục đường chính. Làm được như vậy sẽ hạn chế người đi xe và thu được nhiều tiền đầu tư xây những công trình, hạng mục giao thông mới.

- Ông nhận xét thế nào về cách thức quản lý giao thông tại Hà Nội thời gian qua ?

- Tôi cho rằng Hà Nội cần phải chấm dứt ngay tình trạng quản lý giao thông theo kiểu ngẫu hứng như hiện nay. Tôi thấy các quyết định liên quan đến hàng trăm ngàn người lưu thông trên đường nhưng lại thường xuất phát từ ý tưởng của một ai đó rồi đem áp dụng vào thực tế. Bất cứ quyết định nào TP phải có những nghiên cứu chuyên sâu của các cấp bộ, ngành và các chuyên gia tư vấn quốc tế. Sau đó đưa những nghiên cứu lên các phương tiện truyền thông để cho người dân có điều kiện tiếp cận đóng góp quan điểm.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)

>>  Iwata Shizuo: "10 năm nữa Hà Nội mới cần xây đường trên cao"

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1843 khách Trực tuyến

Quảng cáo