Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại Quy hoạch Thủ đô: “Không bận tâm nhiều đến phê phán, chỉ trích”

Quy hoạch Thủ đô: “Không bận tâm nhiều đến phê phán, chỉ trích”

Viết email In

Lập đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cũng giống như thiết kế cho một ngôi nhà, còn sau đó có làm theo thiết kế hay không còn phụ thuộc vào chủ nhà".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã ví von như thế trước nhiều chiều dư luận về tính khả thi cũng như một số điểm được cho là chưa hợp lý trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, sắp được cơ quan chức năng trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.

Trả lời báo giới, ông Toàn nói: sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến, chúng tôi sẽ báo cáo lên Quốc hội đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, từ đó chúng tôi và phía tư vấn sẽ tiếp thu để hoàn thiện tiếp nhưng sẽ không ra nghị quyết về vấn đề này. Dự kiến đầu tháng 9/2010, bản quy hoạch chung sẽ được trình lên Thủ tướng phê duyệt.

Từ đây đến thời điểm đó chúng tôi vẫn tiếp tục nhận ý kiến đóng góp, nhưng quan điểm của những người lập quy hoạch là đón nhận những ý kiến phản biện mang tính xây dựng, có nêu ra các giải pháp thay thế chứ không bận tâm nhiều đến những ý kiến chỉ có phê phán và chỉ trích.

Đất Hà Nội còn nhiều

Nhưng ngay cả những nhà khoa học tâm huyết và có kinh nghiệm họ vẫn quan ngại về tính khả thi của đồ án này, thưa ông?

Cũng có nhiều người lo ngại về khả năng chúng ta không đủ tiền để làm vì dự kiến của tư vấn là phải mất khoảng 60 tỷ USD. Tôi xin lưu ý, 60 tỷ USD ở đây chủ yếu là xây dựng hạ tầng nhưng không phải đi vay mà là áp dụng cách thức đổi đất lấy hạ tầng.  

Chẳng hạn như đường vành đai 4 có thể không cần vốn của Chính phủ mà các doanh nghiệp sẽ làm từng đoạn một. Sau đó Hà Nội sẽ đổi cho doanh nghiệp các khu đất ở các dự án và họ phải làm theo quy hoạch của thành phố.

Ngay cả xây dựng các đô thị vệ tinh, chúng tôi cũng sẽ công bố công khai cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế lựa chọn chứ không phải dùng vốn ngân sách hoàn toàn.

Tất nhiên, giữa việc lập quy hoạch và triển khai quy hoạch là bài toán của những người làm quản lý. Nó cũng giống như việc thiết kế xong một căn nhà, nhưng có làm theo đúng thiết kế hay không còn do ông chủ nhà nữa.

Điều cần thiết là phải tăng cường biện pháp quản lý và có quy chế phù hợp thực tiễn. Còn liệu có chuyện quy hoạch một kiểu mà thực hiện một kiểu hay không thì không thể nói trước được.

Thưa ông, trong đồ án , giai đoạn đầu sẽ chuyển một số cơ quan hành chính nhà nước ra khu Mỹ Đình, sau 2030 thì trung tâm hành chính quốc gia lại được xây dựng ở Ba Vì, liệu có rườm rà và gây lãng phí về tiền của và đất đai?

Tôi cho rằng không hề lãng phí vì hiện nhiều bộ ngành đã có dự án chuyển ra Mỹ Đình, chỉ còn 7 bộ ngành chưa có dự án. Trong khi đó, đến khoảng 2030 – 2050 chúng ta mới xây dựng trung tâm hành chính tại Ba Vì. Khi đó, những công trình ở Mỹ Đình sẽ trở thành văn phòng và các doanh nghiệp có thể mua lại và chuyển đổi nên không có gì là lãng phí cả.

Còn về đất thì Hà Nội vẫn còn nhiều, không sợ hết. Vấn đề là các dự án đó phải đưa vào quy hoạch, sắp xếp lại, điều chỉnh phù hợp với các quy hoạch kinh tế - xã hội nữa.

Một vấn đề cũng được cho là ít khả thi của đồ án quy hoạch chung là đưa 400.000 dân ra ngoại thành, ý kiến của ông thế nào?

Tôi không cho là khó vì sau này toàn bộ chuỗi đô thị theo vành đai 4 sẽ là các khu đô thị mới, chỉ xây nhà cao tầng để đón người dân nội đô đến sinh sống.

Hiện tại có thể nhiều người tại các khu nội thành còn chưa đồng thuận do thành phố chưa xây dựng được các khu chung cư mới thỏa mãn về hạ tầng, cây xanh, vui chơi giải trí, cơ hội làm việc...

Hơn nữa, Thủ tướng đã có chỉ đạo giảm chiều cao, giảm mật độ tại các dự án cải tạo khu tập thể cũ trong nội đô nên áp lực về chỗ ở sẽ tăng lên.

Năm 2011 sẽ xây trục Thăng Long

Được biết trong đồ án không cho phép xây nhà cao tầng tại các khu trung tâm. Vậy tại sao vừa qua thành phố Hà Nội lại cho phép nghiên cứu lập một số dự án?

Đó là những dự án cũ đã được duyệt rồi, được cho phép đầu tư xây dựng trước đó rồi, bây giờ mới tiến hành.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc tạm dừng xây dựng cao ốc về mặt chủ trương cũng cần có sự điều chỉnh hợp lý. Chẳng hạn, từ vành đai 2 trở vào cho xây đến mức độ nào, vành đai 3 xây mức độ nào.

Hơn nữa, chủ trương là cấm nhưng không có nghĩa là cấm tất cả vì có những chỗ cũng cần phải có điểm nhấn, cần cụm công trình cao tầng, rất cao nhưng mật độ rất là thấp, phía dưới nó là cây xanh vườn hoa hồ nước chứ không phải xây xen đặc vào.

Vấn đề này sẽ phải làm rất cụ thể vào quy hoạch chi tiết. Chúng tôi cũng đã làm việc với thành phố Hà Nội và đã gợi ý hướng như vậy.

Một trong những nội dung quan trọng của đồ án được nhiều người quan tâm là xây trục Thăng Long, ông có thể nói rõ hơn?

Trục Thăng Long sẽ có chiều dài khoảng 30 km, bắt đầu từ đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì. Mục đích chính là nhằm phát triển giao thông, sau đó là kết nối văn hóa xứ Đoài ở Sơn Tây, Phúc Thọ với văn hóa Thăng Long ở đô thị trung tâm.

Trên trục đó, chuỗi vành đai 3 dài 3,5 km sẽ quy hoạch các công trình bảo tàng, đài độc lập, ghi lại những câu chuyện lịch sử của Thăng Long, xứ Đoài, cũng là khu vui chơi giải trí cho người dân. Mật độ xây dựng ở đó rất ít, song tập trung nhiều công trình hiện đại của cả nước.  Dưới tầng ngầm của trục Thăng Long này sẽ là tàu điện ngầm, siêu thị, cửa hàng...

Có thể xây dựng ngay từ năm 2011 chứ không thể để đến 2030 mới làm, bởi trục Thăng Long sẽ giải quyết vấn đề giao thông phía Tây thành phố, giúp xóa chênh lệch mức sống của dân cư nơi đây với khu trung tâm.

Từ Nguyên

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3673 khách Trực tuyến

Quảng cáo