Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Đối thoại Hội An, hãy là "đô thị nhàn"

Hội An, hãy là "đô thị nhàn"

Viết email In

Hội An là một trong không nhiều thí dụ thành công trong việc bảo tồn di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể). Cùng với việc Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (tháng 5-2009), tiềm năng du lịch của địa danh này càng được nhân lên, mở rộng. Và đó cũng là lúc, Hội An trăn trở tìm một mô hình phát triển hợp lý cho tương lai. Từ góc nhìn của một người làm công tác bảo tồn, GS.TS.KTS Hoàng Ðạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng: mô hình hợp lý nhất, là Hội An - "đô thị nhàn".


(ảnh: hoianecocity.com.vn)

PV: Thưa Giáo sư, đã trải hàng chục năm gắn bó, lăn lộn để bảo tồn đô thị cổ, ông có thể lý giải điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của Hội An đối với du khách?

GS.TS.KTS Hoàng Ðạo Kính: Phố cổ Hội An là một di sản văn hóa có nhiều giá trị độc đáo. Ðây là một trong số ít đô thị thương mại và thương cảng của Ðại Việt thời trung đại, hiện còn lưu giữ được một sưu tập kiến trúc thành thị sống động độc nhất vô nhị trong di sản kiến trúc của người Việt (nhà ở, nhà cửa hiệu, nhà thờ tộc, đình, hội quán, chùa, miếu, cầu, giếng, mộ...) có niên đại phổ biến trên dưới hai thế kỷ.

Tuy nhiên, nếu so sánh với một số đô thị có di sản lớn như Huế và Hà Nội, thì Hội An không phải là một giá trị kiệt xuất, mà là di sản khá bình dị. Giá trị nổi trội của đô thị cổ Hội An chính là sự song tồn và tương ứng sâu sắc trong một cơ thể gắn quyện hữu cơ, không tách lìa kiến trúc đô thị (phần cứng) và đời sống của cộng đồng dân cư truyền thống (phần mềm). Trải qua hàng trăm năm, tập quán, lối sống của người dân Hội An đã hình thành và được lưu giữ khá đầy đủ, bền vững trong mối quan hệ rất khăng khít, rất tương thích với di sản đô thị này. Khi chuyển sang làm du lịch, chính người dân và cơ ngơi của họ đã có sự chuyển đổi thành một nơi sống trong môi trường tự giới thiệu mình, tự khoe mình một cách rất tự nhiên. Chính người dân Hội An đã góp phần tạo nên môi trường phù hợp cho du khách được ở với, sống với di sản. Ðó chính là cách tạo nên quyền lợi, và phương thức làm du lịch, một phương thức bền vững. Nói cách khác, người dân Hội An đã được hưởng lợi từ chính hoạt động bảo tồn di sản của mình, chính vì thế, công tác bảo tồn của Hội An đã rất thành công như chúng ta ghi nhận.


GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính trình bày tham luận "Hội An và những giá trị lịch sử"

PV: Khẳng định như vậy, nhưng ông cũng chính là một trong những người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về nhiều nguy cơ đang tiềm ẩn của Hội An. Những nguy cơ đó là gì?

GS.TS.KTS Hoàng Ðạo Kính: Có hai nguy cơ đang ló ra. Ðó là, bắt đầu có sự không tương xứng giữa sự phát triển kinh tế du lịch, khai thác du lịch với vốn liếng "hạt nhân" của nó, tức là khu phố cổ. Trong khi cái "hạt nhân" nhỏ nhoi, quý giá đó đang ngày càng bé đi, teo lại, thì những thiết chế để khai thác nó lại ngày càng phình to, phát triển ngày càng đông đảo. "Thực đơn" cho du lịch đang ngày càng trở nên mất cân xứng, với tỷ trọng là mười du khách có một người dân Hội An. Các sản phẩm du lịch mang dấu ấn địa phương ngày càng vắng dần, thay thế bằng các sản phẩm du lịch "mì ăn liền" được chuyển đến từ Hà Nội hay các địa phương khác, làm phai nhòa bản sắc đô thị cổ. Sự phình to của quy mô thành phố đang dần tạo nên nguy cơ đè bẹp "hạt nhân"- chính là nguồn cội của sức hấp dẫn. Hội An hiện vẫn đang đạt được trạng thái cân bằng, nhưng nếu không tính toán tốt, thì có thể nhận thấy thành phố đang dần mang hình ảnh của một tỉnh lỵ nhỏ, trở thành một đô thị như mọi đô thị khác - nguy cơ của sự mai một, sự tan vỡ Hội An về phương diện hình thái học đô thị.

Nguy cơ thứ hai là, các đường phố trong "lõi" di sản như Nguyễn Thái Học, Trần Phú... vốn rất ít, rất nhỏ, và nó đang vô cùng hấp dẫn đối với các hoạt động du lịch, thật sự là những "nhà máy in tiền". Chính điều này đã thu hút nhiều nhà đầu tư từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh về đây mua nhà để làm ăn. Ðã bắt đầu có những gia đình Hội An rời bỏ khu phố cổ ra khu vực ngoại vi thành phố để được tận hưởng những điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Các căn nhà cổ đều biến thành các cửa hiệu buôn bán. Nếu may mắn, sẽ vẫn còn những người Hội An trở thành người bán hàng thuê cho các chủ sở hữu. Nhưng cũng đã bắt đầu có những người bán hàng không phải là người Hội An. Và nếu cứ theo đà này, phố cổ sẽ biến thành nơi buôn bán thuần túy. Khi đó, Hội An có nguy cơ trở thành một mô hình kiến trúc của lịch sử, của dĩ vãng mà thôi. Dẫu cho đến thời điểm này, những cảnh báo của tôi không phải ai cũng đồng tình. Nhưng tôi thật sự cảm nhận rằng, trong cuộc làm ăn này, chúng ta sẽ đứng trước những khó khăn rất lớn.


GS Hoàng Đạo Kính tại Hội thảo quốc tế "Tìm mô hình quy hoạch và phát triển bền vững thành phố Hội An"

PV: Vậy thì Hội An nên làm gì, để giữ gìn được sức hấp dẫn như nó đang có?

GS.TS.KTS Hoàng Ðạo Kính: Ðiều quan trọng hiện nay đối với Hội An là phải tính toán, xác định quy mô, tốc độ phát triển hợp lý cho mô hình đô thị trong tương lai. Cần phải xem xem, nên đưa động lực phát triển nào vào thành phố này, đưa ở mức độ và tính chất ra sao? Cá nhân tôi cho rằng, mô hình thích hợp nhất đối với Hội An là sự cân bằng, xen kẽ giữa việc bảo tồn và phát triển, và phải tìm mọi cách để chống tình trạng "thay máu". Cần duy trì sự hài hòa về hình thái học giữa các cấu trúc đô thị: xưa - cũ - mới, sự chuyển tiếp mềm từ phần đô thị sang phần nông thôn, từ các khu vực xây dựng sang thiên nhiên. Không đưa vào khu xây dựng cũ những công trình có quy mô và chiều cao vượt trội, không du nhập vào thành phố những lĩnh vực sản xuất và công nghệ gây tổn thương cho "phần xác" và "phần hồn" của nó. Tức là một sự phát triển có điều tiết, tạo nên sự phát triển tương đối với hình thái lý tưởng là một đô thị phố - thôn - làng, theo cách gọi của giới kiến trúc là: đô thị nhàn. Và một điều quan trọng nữa, theo tôi, là phải có một "tổng đạo diễn",  hiểu biết rất tường tận về thành phố này, để có thể hoạch định được sự phát triển hợp lý cho Hội An, trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông.

Ngô Phương Thảo (thực hiện)

>> Hội thảo "Tìm mô hình quy hoạch và phát triển bền vững thành phố Hội An" 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3658 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  

  


Loading...