Việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng đang đặt TP.HCM trước những khối lượng công việc và số vốn đầu tư rất lớn. Chính phủ chỉ đạo TP.HCM không phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước mà phải kêu gọi đầu tư tư nhân. SGTT phỏng vấn nhanh ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch tập đoàn Đầu tư Sài Gòn xung quanh vấn đề này.
- Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn hiện đang đầu tư vào khá nhiều dự án cơ sở hạ tầng trên cả nước. Tại sao công ty lại chưa thực hiện dự án nào tại TP.HCM, thưa ông?
Hiện tại, chúng tôi đang tham gia đầu tư hai dự án cơ sở hạ tầng lớn, đều nằm ở Hà Nội. Dự án thứ nhất là đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hơn 95km với tổng vốn đầu tư 25.000 tỉ đồng, sẽ hoàn thành vào năm 2012. Dự án này chúng tôi hợp tác với ngân hàng Phát triển Việt Nam. Dự án thứ hai là xây cầu Từ Liêm, Hà Nội, với vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, liên doanh với tổng công ty Xây dựng Hà Nội và BOT cầu Phú Mỹ. Cả hai dự án này đều theo hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, vì làm cơ sở hạ tầng phải bỏ ra rất nhiều tiền và khó thu hồi vốn. Ví dụ dự án đường cao tốc Hải Phòng, chúng tôi tính toán thu phí cũng không hoàn vốn được. Chính phủ phê duyệt cấp cho chúng tôi 1.000ha để chúng tôi làm dự án khu đô thị. Đổi đất lấy cơ sở hạ tầng là cách làm phổ biến nhất, Hà Nội đang làm rất mạnh.
- Nhưng hầu hết đất đai ở các quận xung quanh TP.HCM đều đã có quy hoạch dự án, vậy phương cách này có khả thi?
Nếu nhìn vào bản đồ quy hoạch thì thấy đất được chia ra các dự án nát hết cả rồi. Nhưng nếu đi trên máy bay nhìn xuống thì còn rất nhiều đất trống. Quan điểm của tôi là những doanh nghiệp nào giữ đất không thực hiện đầu tư thì thành phố nên thu hồi lại, giao đất đó cho những doanh nghiệp có khả năng làm cơ sở hạ tầng cho thành phố. Chúng tôi sẵn sàng tham gia, và tôi tin là nhiều doanh nghiệp có tiềm năng cũng sẵn sàng tham gia. Tôi biết nói điều này ra thì đụng chạm đến nhiều người, nhưng vẫn phải nói. TP.HCM quỹ đất vẫn còn bao la, khu đô thị thì không có, đường sá cũng không có.
- Công ty ông đã bao giờ tìm cách tham gia làm cơ sở hạ tầng ở thành phố chưa?
TP.HCM không có thiết kế, quy hoạch cụ thể. Chưa bao giờ nghe thành phố công bố danh mục các dự án kêu gọi tư nhân tham gia. Doanh nghiệp thường được chỉ xuống gặp sở Giao thông vận tải, nhưng sở cũng không có thẩm quyền, không công bố các dự án. TP.HCM đã làm được cầu Phú Mỹ theo hình thức tư nhân đầu tư, khá vất vả cũng vì không có sự phối hợp, cầu làm xong mà thiếu đường dẫn, chậm chạp gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Tôi cho rằng TP.HCM phải thành lập một ban chỉ đạo về việc này, lập ra danh mục các dự án đầu tư, và có cơ chế cụ thể thì mới làm được.
Cầu Phú Mỹ – một trong những công trình đầu tư theo hình thức BOT tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật
- Nếu có cơ chế, ông quan tâm đến việc đầu tư dự án nào?
Tôi cho rằng đại lộ Đông Tây sẽ sớm đông, nên có một dự án đường cao tốc trên cao, đỡ về đền bù giải toả. Trục đường Điện Biên Phủ hiện nay cũng nên đầu tư một đường trên cao, sẽ giải quyết được rất nhiều cho tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm. TP.HCM phát triển sau các nước, không có quy hoạch từ trước khó có th tránh được đường trên cao.
- Ngoài việc đổi đất lấy hạ tầng, theo ông có còn phương cách đầu tư tư nhân nào khả thi hơn?
Đây là cách tốt nhất, nhiều nước đã làm như vậy, mình cứ như thế mà làm. Khi được giao dự án, doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm đền bù, giải toả… Nhưng thay vì giao đất mà Nhà nước không thu lại được gì, thì bằng cách này, thành phố được đổi cơ sở hạ tầng. Đây là cuộc cạnh tranh hoàn toàn sòng phẳng và có lợi cho Nhà nước. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng các chính sách thuế, vay vốn hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Ở Hà Nội vừa rồi, chúng tôi đã đăng ký cải tạo hai cái hồ với số vốn 40 tỉ đồng, hoàn toàn là cho không. Rất nhiều doanh nghiệp làm thế, vì như vậy thành phố ghi nhận và mai mốt ưu tiên cho các dự án khác. TP.HCM cũng nên làm như vậy. Hiện có rất nhiều kênh, rạch, sông ngòi cần được bao, kè, làm sạch cảnh quan. Tôi tin là nhiều doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia.
Lan Anh (thực hiện)
- Quy hoạch Thủ đô: “Không bận tâm nhiều đến phê phán, chỉ trích”
- Về quy hoạch chung xây dựng Hà Nội: Hiện thực đầy thách thức
- Xử công khai để làm rõ hậu trường vụ khách sạn gây tranh cãi
- Quản lý giao thông Thủ đô vẫn… ngẫu hứng
- GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Nhìn về Hà Nội năm 2050
- “Khu vực hồ Gươm phải trở thành trung tâm thương mại”
- TS Trần Hữu Sơn: “Xây 17 nhà máy thuỷ điện ở Sa Pa sẽ tàn phá môi trường!”
- “Nhà đầu tư địa ốc ngày càng chuyên nghiệp”
- Iwata Shizuo: "10 năm nữa Hà Nội mới cần xây đường trên cao"
- Lợi nhuận trong quản lý bất động sản rất lớn