Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại "Chưa cần thiết trùng tu Ô Quan Chưởng"

"Chưa cần thiết trùng tu Ô Quan Chưởng"

Viết email In

"Di tích Ô Quan Chưởng chưa cần thiết phải đầu tư trùng tu. Tôi nhớ không chính xác lắm, nhưng cách đây khoảng 5 - 10 năm, di tích này đã được trùng tu. Hiện trạng của nó cũng chưa tới mức sẽ sập đổ bất cứ lúc nào..." - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học nhận định.


Ô Quan Chưởng sau khi được trùng tu. (Ảnh: Thuận Phong)

Thưa Tiến sĩ, gần đây Hà Nội đã trùng tu lại di tích Ô Quan Chưởng, ông có nhận định gì về sự kiện này?

Theo tôi biết, từ năm ngoái, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak công bố khoản tài trợ 74.500 USD cho Việt Nam thông qua Quỹ Bảo tồn Văn hoá để bảo tồn Ô Quan Chưởng. Đây là một trong các kế hoạch kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt - Mỹ và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng vấn đề là tại sao chọn Ô Quan Chưởng làm đối tượng trùng tu cho kế hoạch to lớn ấy? Có lẽ những người chủ trương muốn gây ấn tượng, nhiều hơn là cứu một di tích.

Cá nhân tôi cho rằng, di tích Ô Quan Chưởng chưa cần thiết phải đầu tư trùng tu. Tôi nhớ không chính xác lắm, nhưng cách đây chỉ khoảng 5 - 10 năm, di tích này đã được trùng tu (một đồng nghiệp cũ của tôi thực hiện). Hiện trạng của nó cũng chưa tới mức sẽ sập đổ bất cứ lúc nào. Rêu mốc trên gạch cũng không phải nguy cơ.

Về cảm quan thì đúng là nhìn di tích mới quá. Tôi có một vài nhận xét cụ thể: Vì có tới 74.500 USD nên cả những công việc hoàn toàn không cấp thiết đã được thực hiện. Không thừa tiền, ai lại đi nghĩ đến chuyện làm lại hai cánh cổng, để quanh năm suốt tháng mở ép vào tường lấy chỗ cho giao thông?

Chính việc trát lại vữa áo của vọng lâu và phần trên của di tích đã gây ấn tượng di tích bị làm mới. Theo tôi thấy, lớp vữa trát đó chưa đến mức phải bóc ra trát lại.

Tôi có được xem trên mạng một video-clip về Trùng tu Ô Quan Chưởng. Viện Bảo tồn di tích đã làm rất bài bản. Tuy nhiên, tôi không cho rằng việc tẩy rêu mốc lại cấp thiết đến thế.

Với độ nung khá cao của gạch vồ xây thành thì rêu mốc chưa nên coi là hiểm họa., nhất là khi việc diệt chưa chắc đã đảm bảo được phòng, (chưa nói đến chuyện làm mất lớp bảo vệ bề mặt do tự phong hóa). Hiệu quả ngược là làm mới các viên gạch. Nếu chống được rêu mốc, đáng ra nên nghiên cứu và thực hiện bảo quản bề mặt vữa còn khá tốt. Bóc ra trát lại thì quá dễ rồi.

Tôi tán đồng ý kiến phải giải tỏa bớt nhà cửa quanh di tích này. Đó mới là việc cấp thiết, cần làm cho di tích cửa ô duy nhất còn lại đến nay.


Ô Quan Chưởng trước đợt trùng tu năm 2010. (Ảnh: Phan Kiền)

Ông Đỗ Doãn Tuân – Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết đã cất công đi tìm loại gạch “vồ” có niên đại trùng với niên đại xây dựng Ô Quan Chưởng trong khu vực Thành cổ Thăng Long để mang về sửa chữa cho tử tế hơn. Vậy việc làm này có đúng với luật Di sản và có đem lại “niên đại” đúng của di tích?

Tôi không biết chuyên gia nào đã tư vấn cho ông Tuân việc đem “râu ông cắm cằm bà kia”. Nhưng tôi sẵn sàng tranh biện về việc xác định niên đại này.

Tôi không biết ông Tuân đã cất công đi lấy gạch của di tích nào trong khu vực thành cổ Thăng Long. Đây là việc làm sai mọi nhẽ. Nếu di tích đó đã sập đổ hoàn toàn thì hành động này đã vĩnh viễn xóa NÓ khỏi lịch sử. Nếu di tích đó vẫn còn dấu vết thì không ai được phép lấy gạch, bởi đó là những hiện vật lịch sử - khảo cổ học.

Về trùng tu, không được phép lấy vật liệu của di tích này để dùng cho di tích khác. Nếu thiếu, chỉ được phép phục chế theo mẫu cũ. Trong quá khứ, chỉ có duy nhất một tiền lệ: Gạch xây tường Văn miếu - Quốc tử giám được tận dụng từ vụ phá thành Hà Nội năm 1895.

Cũng không thể và không nên có chuyện đổi màu sơn cho Ô Quan Chưởng “cũ”. Tại sao có chuyện sơn-vôi gì ở đây nữa? Nếu làm được sao không làm từ đầu? Giờ, chỉ có mỗi cách cực kỳ tiêu cực là chờ thời gian phong hóa thôi. Muốn nhanh, chỉ có cách bí mật quét một lớp nước mía loãng. Rêu mốc sẽ mọc nhanh lắm! Nhưng thế thì trùng tu làm gì?


Thay lớp gạch của cửa ô duy nhất còn lại của Hà thành. (Ảnh: Nguyễn Khánh)

Việc trùng tu di tích Ô Quan Chưởng khiến nhiều người liên tưởng tới việc trùng tu cổng thành nhà Mạc tại Tuyên Quang và một “phong trào trùng tu” di tích diễn ra khắp nơi. Hệ lụy của điều này là gì?

Cuộc trùng tu di tích Ô Quan Chưởng, tôi chưa nghe phản hồi của các đơn vị thiết kế và thi công, nhưng “vụ thành Nhà Mạc ở Tuyên Quang” tôi biết một số người có liên quan đã có ý kiến bênh vực, tự cho là họ làm đúng.

Hệ lụy của việc “nhà nhà làm trùng tu, người người làm trùng tu” thì nhãn tiền rồi, ai cũng thấy. Trào lưu “nhà nhà - người người…” này đã có từ khá lâu, chưa có biểu hiện dừng vì nhiều người vẫn được kiếm lời lãi không ít. Vấn đề là tôi chưa thấy ai bị phạt tiền, bị kỷ luật vì đã phá di tích cả.

Vấn đề trùng tu di tích phụ thuộc những yếu tố nào, vào tiền hay kiến thức hay tâm thức?

Vừa phụ thuộc cả ba, vừa không phụ thuộc gì hết. Có tiền mà không đủ kiến thức thì rõ là thành phá chứ đâu phải trùng tu. Còn có kiến thức về trùng tu (có thể coi Viện Bảo tồn di tích là như vậy, dù gì đó cũng là cơ quan chuyên ngành) mà không được đầu tư đủ kinh phí thì cũng bó tay. Nhưng chuyện trùng tu di tích Ô Quan Chưởng lại có liên quan khác đến chuyện tiền như đã nói ở trên.

Từ hồi còn công tác ở Bộ Văn hóa, tôi rất nhiều lần nêu ý kiến không tán thành cách thức đầu tư kinh phí trùng tu theo kiểu quân bình chủ nghĩa. Đáng ra, hàng năm nên có mục tiêu đầu tư cụ thể cho một số di tích, một số địa phương.

Đầu tư cho văn hóa đã ít, cho trùng tu di tích càng ít hơn, vậy mà lại còn RẢI ĐỀU thì thật khó làm được việc gì đến nơi đến chốn. Khi còn hành nghề trùng tu, tôi đã chứng kiến nhiều di tích đình - chùa hỏng nặng, nhưng chỉ được cho vài chục triệu, không đủ để dọi phần mái dột. Tiền cấp kiểu ấy chỉ góp phần PHÁ di tích nhanh hơn.

Cá nhân tôi cho rằng yếu tố quyết định công cuộc trùng tu các di tích của nước ta là con người. Từ các quan chức quản lý ở Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Cục Di sản, các địa phương qua những người tham gia lập dự án, thiết kế trùng tu đến từng công nhân thực thi… ai cũng có vai trò quan trọng, nhưng hiện nay tất cả đều đang đầy bất cập. Nhưng đó lại là vấn đề vĩ mô mất rồi.

Trước mắt, để có thể chấm dứt tình trạng di tích bị tàn phá chính bởi các cuộc trùng tu, cần trở lại quy định trước đây: Chỉ các cơ quan chuyên ngành mới được tham gia trùng tu, chứ không phải bất kỳ đơn vị xây dựng cơ bản nào cũng có tư cách đó.

Xin cảm ơn tiến sĩ!

Thuận Phong (thực hiện)


Chùm ảnh trùng tu Ô Quan Chưởng:


Toàn bộ số gạch đưa vào tu bổ được cho là gạch cổ lấy từ khu vực Thành cổ Thăng Long.


Phía trên di tích. (Ảnh: Thuận Phong)


Trước khi trùng tu ô Quan Chưởng chưa lắp cánh cửa. (Ảnh: Phan Kiền)


Và hai cánh cửa mới được lắp tại cửa ô luôn luôn khép. (Ảnh: Thuận Phong)

[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2165 khách Trực tuyến

Quảng cáo