Theo ông Đỗ Xuân Anh Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, với đặc thù của đô thị đang phát triển, các tuyến đường mới mở cắt qua khu dân cư nên không thể tránh khỏi những ngôi nhà siêu mỏng, méo.
Chiều 6/4 giải thích với các đại biểu trong buổi làm việc giữa HĐND và UBND Hà Nội, ông Đỗ Xuân Anh cho rằng, bản thân các ngôi nhà, khu đất trong khu dân cư đã không vuông vức nên khi mở đường cắt qua, nhiều nhà siêu mỏng, méo xuất hiện là đương nhiên.
"Đây là đặc thù của đô thị đang phát triển. Từ thời Pháp, Hà Nội đã có những ngôi nhà chỉ mỏng một mét ở các tuyến phố trung tâm", ông Anh nói.
Theo vị Giám đốc Sở, để giải quyết vấn đề này cần giải pháp tổng thể cũng như thời gian. Phương án lý tưởng nhất là đền bù cho toàn bộ diện tích khu đất khi giải phóng mặt bằng, thành phố thu hồi các thửa đất nhỏ còn sót lại. Tuy nhiên, phương án này sẽ đặt gánh nặng lên ngân sách thành phố.
- Ảnh bên : Căn nhà quái dị ở chân cầu Vĩnh Tuy. Mảnh đất rộng chừng 5m2 đã được thiết kế đặc biệt để khi xây lên, ban công đua ra cả mặt trước và mặt sau, trông như hình chữ T (Ảnh: Tiến Dũng)
Nhằm ngăn chặn những ngôi nhà mỏng, méo tiếp tục xuất hiện, ông Anh cho rằng, khi tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng cần kiên quyết không để lại các thửa đất mỏng méo. Hiện, thành phố đã có chủ trương khuyến khích hợp khối trong vòng 30 ngày và hướng dẫn các hộ dân có diện tích đất nhỏ hẹp còn sót lại sau khi giải phóng mặt bằng thực hiện.
Tuy nhiên, những ngôi nhà quái dị vẫn không ngừng mọc lên ở những tuyến đường mới như Khuất Duy Tiến, Ô Chợ Dừa, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy... Do diện tích hẹp, hầu hết các ngôi nhà siêu nhỏ, siêu mỏng này đều có ban công tầng 2-3 đua ra rộng cả chục mét gây nguy hiểm cho người ở và các hộ dân xung quanh.
Trước phần phát biểu của ông Đỗ Xuân Anh, nhiều đại biểu HĐND đã dùng những lời khá gay gắt khi nhận định về thực trạng quản lý xây dựng cũng như hiện trạng nhà siêu mỏng ở Hà Nội. Theo Phó chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ, trên thế giới "chỉ có Việt Nam mới có kiểu nhà này". Còn theo nguyên hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Trần Trọng Hanh, "nhìn thành phố Đà Nẵng mà thấy ngượng cho Hà Nội".
"Nhà mỏng, méo ở Hà Nội không những không giảm mà còn tăng đáng kể về số lượng. Thành phố cần có đề án tổng thể để giải quyết vấn đề này", ông Hanh đề nghị.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Hà Nội cho biết, thành phố đã chỉ đạo chủ tịch UBND các quận xử lý triệt để, dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng. Chủ tịch UBND các quận phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để tái diễn.
Đối với vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng hai bên tuyến đường giao thông, thành phố dự tính sẽ đưa các diện tích bất hợp lý trên vào diện thu hồi, đền bù, giải tỏa. Trường hợp không đạt được thỏa thuận chuyển nhượng, thành phố tìm nguồn kinh phí để thu hồi. Đồng thời, UBND thành phố cũng đang chỉ đạo xây dựng Quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng hai bên tuyến đường đô thị.
Nguyễn Hưng
- Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN: Làm sao giữ được bản sắc?
- Đi tìm mô hình "Làng đại gia" ở Việt Nam
- Mã gen của một thành phố
- Nhìn lại kiến trúc "mới" của VN: Phiên bản mờ nhạt của kiến trúc thế giới!
- Làng gốm cổ Phước Tích
- Xây chung cư nội đô: Ăn sẵn hạ tầng, bớt lo tiện ích công cộng
- Quy hoạch thủ đô: Có nên “sao chép”
- TP.HCM: Nham nhở bởi chung cư “mì ăn liền”
- Bà Nà: Mùa bê tông hóa
- Từ Singapore nghĩ về Hà Nội