Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Phí dịch vụ chung cư: Đã đến lúc cần chế tài quản lý

Phí dịch vụ chung cư: Đã đến lúc cần chế tài quản lý

Viết email In

Liên tiếp nhiều năm qua, mâu thuẫn giữa các cư dân sống tại các chung cư với ban quản lý nhà đã trở thành điểm nóng. Mấu chốt vẫn là bất đồng về phí dịch vụ quá cao, trong khi chất lượng dịch vụ thấp. Nên chăng đã đến lúc cần chế tài quản lý, bởi nếu không mâu thuẫn này khó có thể hoá giải khi mà chung cư mọc lên ngày càng nhiều. 

Phí cao ngất ngưởng

Báo chí những ngày qua đã đề cập đến những bức xúc xảy ra tại chung cư Keangnam. Diễn biến của vụ việc này khiến mâu thuẫn giữa các cư dân với ban quản lý nhà Keangnam trở thành vấn đề nóng. Châm ngòi cho mâu thuẫn này chính là việc phí dịch vụ cao ngất ngưởng, trong khi chất lượng dịch vụ lại không như kỳ vọng tại một tòa nhà được cho là “cao cấp”. Cụ thể tại đây, phí dịch vụ lên tới 21.000đ/m2 - mức cao khủng khiếp. Mặc dù đã có những bàn luận, tranh cãi và thương thảo, song trên thực tế thì mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư khó có thể dung hòa được.



Trên thực tế, bức xúc của cư dân tại Keangnam chỉ là “chuyện cũ” từng xảy ra tại các tòa nhà chung cư lâu nay. Có thể nói diễn biến chung của những mâu thuẫn này đều bắt nguồn từ việc các cư dân luôn ở trong tình trạng bị động trước chủ đầu tư. Các cư dân nảy thường là buộc phải chấp nhận thực tế chủ đầu tư là người duy nhất cung ứng các dịch vụ, tiện ích trong toàn bộ tòa nhà mà không thể thay thế được. Đây có thể coi là sự độc quyền trong quản lý và cung cấp dịch vụ. Khi đó, biện pháp cuối cùng của cư dân chung cư là cố làm thế nào đấu tranh với đối tác độc quyền này để có được mức phí dịch vụ không bị quá cao đến mức ngất ngưởng mà các chủ đầu tư áp đặt.

Một vấn đề đáng lưu ý là khi xảy ra tranh chấp và mâu thuẫn, thông thường các chủ hộ tại chung cư phải tự đàm phán, đấu tranh với chủ đầu tư chứ khó có thể cầu viện đến các cơ quan quản lý. Đây được xem là mấu chốt của vấn đề, khi mà các cơ quan quản lý gần như buông hoàn toàn vấn đề này, phó mặc cho “quan hệ dân sự” giữa chủ đầu tư và cư dân chung cư.

Không thể buông mãi

Từ thực tế trên, đa số các ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý và người dân đều cho rằng tại VN, các chung cư là một quần thể dân cư đang và sẽ tồn tại, phát triển trong tương lai. Chính vì thế, các cơ quan quản lý cần vào cuộc và có cơ chế quản lý chứ không thể buông lỏng mãi. Các ý kiến cho rằng chung cư cũng như các cụm dân cư, phố phường... cũng cần có những quy định về phí đổ rác, trông giữ xe, phí quản lý... Chính vì thế, để không còn tranh cãi phí quản lý chung cư thì cần phải có quy định về các loại phí, lệ phí và cả phương thức quản lý.

Trên thực tế trước yêu cầu này cũng như diễn biến tranh chấp ngày càng có xu hướng gia tăng và mức độ ngày càng gay gắt, Bộ Xây dựng đã từng có ý định chuẩn bị can thiệp bằng cách ban hành thông tư và có sở xây dựng địa phương từng có dự thảo quyết định về giá trần phí quản lý chung cư. Đây được xem là cơ sở pháp lý, đáp ứng kỳ vọng của cư dân chung cư, đồng thời đưa việc quản lý chung cư vào hệ thống với quy tắc chi phối theo kiểu “giá trần” phí và lệ phí. Tuy nhiên cho đến nay, kỳ vọng vẫn chỉ là... kỳ vọng. Mới đây nhất, khi được hỏi về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết cơ bản Nhà nước không can thiệp, cũng không quản phí dịch vụ chung cư. Đại diện này cũng cho rằng, thu phí cao hay thấp phải có sự thỏa thuận giữa hai bên.

Đông đảo các ý kiến không đồng thuận với quan điểm này. Đồng thời, bản thân đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng như số đông người dân cho rằng Quyết định số 08/2008 của Bộ Xây dựng rất chung chung và chưa cụ thể hóa được các mức phí, lệ phí nhà chung cư. Vì thế, các ý kiến cho rằng để có thể đưa vấn đề này vào khuôn khổ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và địa phương cần vào cuộc để ban hành mức trần phí, lệ phí áp dụng cho từng địa phương, khu vực, tránh để xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp và xung đột lợi ích trong tương lai.

Đức Long

[ Chuyên đề : Chất lượng sống ở các khu đô thị mới

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo