Cuộc tranh cãi xung quanh dự án xây lại Stadtschloss - cung điện hoàng gia ở trung tâm thủ đô Berlin (CHLB Đức), thành Cung điện thành phố Berlin, mở đầu từ năm 1991 cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. Năm 2007, Chính phủ Đức tổ chức cuộc thi kiến trúc nhằm tìm ra một bản thiết kế xuất sắc nhất. Ban giám khảo đã cân nhắc một năm rồi quyết định chọn bản thiết kế của kiến trúc sư Italia ít tên tuổi Francessco Stella. Nhưng đầu tuần qua đã xảy ra chuyện…
Rắc rối về thủ tục
Kiến trúc sư Hans Kollhoff đã gửi bản “phản biện” tới Văn phòng Xây dựng và Quy hoạch Liên bang Đức. Ông cho rằng bản thiết kế của kiến trúc sư Italia Stalla “không đáp ứng được các điều kiện cần thiết để tham gia cuộc thi”. Điều này trái ngược với ý kiến của Wolfgan Tiefensee, Bộ trưởng Giao thông và Phát triển Đô thị. Ông nhận xét: Chỉ có bản thiết kế của Stella là “đáp ứng được những nhu cầu nghiêm ngặt mà chúng tôi đề ra với cuộc thi này”.
Kiến trúc sư Kollhoff cũng tham gia cuộc thi nhưng ông chỉ xếp thứ ba trong bảng chấm điểm. Kiến trúc sư Stella đã tự làm khó mình vì đơn kiện xuất phát từ lời phàn nàn của chính ông. Stella để lộ ra rằng từ năm 2004 đến năm 2006 ông không kiếm được mức lương tối thiểu 300.000 euro (419.000 USD), bởi thế không thuê được nhóm kiến trúc sư làm việc cả ngày tại xưởng vẽ như ban tổ chức cuộc thi đã quy định. Điều này cho thấy Chính phủ Đức đã không kiểm tra được điều kiện làm việc của những người tham gia cuộc thi. Nhưng để tránh gây thêm rắc rối, ông Hermann Parzinger, Chủ tịch Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ, đã ủng hộ Stalle, bác lại ý kiến của Kollhoff. Ông cho rằng kiến trúc sư Stella đã đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng của các “chủ nhân tương lai” của Cung điện Thành phố Berlin. Đó là Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ, Trường Đại học Tổng hợp Humboldt và Thư viện Berlin.
Có lẽ chưa “thông” lắm, song vì nể uy tín của Hermann Parzinger mà Kiến trúc sư Kollhoff không tiếp tục kiện nữa.
Mô hình Stadtschloss mới
Số phận “long đong”
Stadtschloss từng là cung điện chính của các vua Phổ từ năm 1701 và của các Hoàng đế Đức từ năm 1871 đến năm 1918, khi Thế chiến I kết thúc. Sau khi nền quân chủ Đức sụp đổ vào năm 1918, Stadtschloss trở thành viện bảo tàng. Cung điện đã bị hư hỏng trong các cuộc ném bom của quân đồng minh thời kỳ Thế chiến II. Năm 1950 cung điện đã bị phá hủy. Năm 1991 chính phủ của nước đức thống nhất đã quyết định xây lại Stadtschloss. Và kể từ đó mọi sự rắc rối xảy ra.
Stadtschloss vào năm 1900
Stadtschloss vào những năm 1920
Sau một thời gian dài tranh cãi về mục đích sử dụng của Stadtschloss trong tương lai và cân nhắc kế hoạch xây dựng bên ngoài cung điện, cuối cùng sự chú ý của chính quyền và các chuyên gia lại tập trung vào việc thiết kế nội thất Stadtschloss. Theo kế hoạch, trong cung điện này sẽ có Humboldt Forum, một trung tâm văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Tòa nhà này sẽ là trụ sở của Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ, Trường Đại học Tổng hợp Humboldt và Thư viện Berlin. Ngày 8/7 Tổng thống Đức Horst Koehler đã công bố kế hoạch xây dựng nội thất cung điện qua cuộc triển lãm sơ bộ (sẽ kéo dài đến ngày 17/1/ 2010).
Một dự án không có hồi kết?
Năm 1964 nước CHDC Đức đã xây dựng trụ sở của Hội đồng Nhà nước trên một phần khu đất của Stadtschloss. Từ năm 1973 đến năm 1976 Chính phủ của Thủ tướng Erich Honecker đã dựng một tòa nhà theo kiến trúc hiện đại gọi là Cung điện Cộng hòa ở phần đất còn lại của Stadtschloss cũ. Một thời gian ngắn trước khi nước Đức thống nhất vào tháng 10/1990 tòa nhà này bị hư hỏng và phải đóng cửa. Tháng 11 Chính phủ Liên bang Đức quyết định phá hủy tòa nhà, tạm thời trồng cây xanh trên mặt bằng để quyết định mới. Công việc phá hủy tòa nhà bắt đầu từ tháng 2/2006 và hoàn thành vào giữa năm 2008.
Stadtschloss đang được xây mới vào năm 2007
Hiện tại câu chuyện xung quanh vấn đề “thủ tục” của kiến trúc sư Italia Stella được khép lại, nhưng lại mới bùng nổ những cuộc tranh cãi khác về hiệu quả sử dụng Humboldt Forum. Theo dự kiến, Cung điện thành phố Berlin sẽ được hoàn thành vào năm 2015, nhưng thời hạn này có thể sẽ còn bị đẩy lùi. Do thiếu kinh phí và còn vì những cuộc tranh luận không bao giờ chấm dứt. Đúng là một “dự án rắc rối”!
Lương Tuấn Vĩ
- Người Đức tìm thấy sức mạnh của xe đạp
- Moskva: Hao dần di sản kiến trúc quý
- Hà Lan: Nhà sống chung với lũ
- Trào lưu mới ở châu Âu: đi tìm "thủ đô rẻ"
- Kiến trúc Matxcơva biến mất vì tiền
- Những thành phố bị bỏ hoang
- “Nấm đá” trong kiến trúc Phou Asa
- Thành phố sống tốt: Quá trình Toàn cầu hóa Cuộc sống thành thị và Không gian công cộng ở Châu Á - Thái Bình Dương
- Chuyện tòa nhà mới xây đã đổ ở Thượng Hải
- "Vua tiền mặt" Ronson xây dựng tòa nhà cao nhất London