Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện KTS Nguyễn Phú Đức đóng góp ý kiến về 05 phương án cổng chào của Hà Nội

KTS Nguyễn Phú Đức đóng góp ý kiến về 05 phương án cổng chào của Hà Nội

Viết email In

Trước hết, tôi ủng hộ chủ trương lập các cổng chào của Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1000 năm và đồng thuận với các tiêu chí của Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất về mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng loại hình công trình này (đón khách không chỉ phục vụ đại lễ 1000 năm tuổi mà còn là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI) và các tiêu chí về vị trí (tại các trục đường chính, giao thông huyết mạch, cửa ngõ hướng vào Thủ đô).

  • Ảnh bên : KTS Nguyễn Phú Đức (ảnh: VNN)

1 - Về vị trí: Ở đây dư luận đang có sự nhầm lẫn hoặc mong muốn ở mức cao là giữa hai khái niệm Cửa ôCổng chào phục vụ Đại lễ. Vì vậy, phương án cũng cần làm rõ tính chất của Cổng chào, mặc dù cả hai đều chung khái niệm: Lối đi qua và nơi bắt đầu vào. Do vậy, không nên cố ép sự gắn kết giữa các yếu tố xưa và nay vì nếu đã nêu ý lịch sử thì nên gắn đúng địa danh và tạo hình đầy đủ các minh hoạ.

Chủ trương chỉ là làm Cổng chào nhưng là cổng chào của Thủ đô được mở mang diện tích sau 01/8/2008 – thời điểm của đô thị 1000 năm thì nên xác định:

-    Tất cả các tuyến giao thông hướng tâm chính (quốc lộ) từ các tỉnh vào Hà Nội, không phân biệt tỉnh nào; Vị trí là nơi giáp ranh, bắt đầu ranh giới Hà Nội (mở rộng), không phân biệt khách đến bằng phương tiện gì. Việc lựa chọn vị trí như 05 đề xuất của UBND thành phố Hà Nội là chưa đầy đủ theo chính các tiêu chí nêu trên, nên bổ sung vị trí tại cửa ngõ của tuyến giao thông kết nối Phú Thọ, Lai Châu (phía Tây Bắc), không nên vì hình tượng chưa hoàn chỉnh (cọc Bạch Đằng) mà bỏ vị trí cổng chào trên quốc lộ 5 Hải Phòng phía Đông Nam này.

-    Các ngành, cấp Trung ương, địa bàn đều tham gia chào mừng với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội”. Ví dụ tại lối Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn có cổng chào nhưng nên kết hợp đó là không gian chào và tạm biệt của Tổng Công ty Hàng không, nên có thể tổ chức ngay tại lối ra vào sân bay để sự cảm nhận không gian lễ hội, than thiện đón tiếp khi khách đến hay đi bằng đường hàng không. Trên tuyến này, đơn vị quản lý cầu Thăng Long có thể tạo dựng cổng chào trên cơ sở kết hợp không gian của hai cột thang đã có sẵn trên cầu mà bao năm qua vẫn chưa được hoàn thành kể từ khi đưa công trình vào sử dụng.


Cổng chào trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài với hình tượng trống đồng cách điệu.

2 - Tổ chức không gian và ý tưởng kiến trúc:

Xác định là các không gian chào đón khách chào mừng lễ 1000 năm với vị trí cửa ngõ lối vào từ các địa phương, phương tiện di chuyển ôtô, xe máy tốc độ nhanh nên không gian cần thoáng, đủ cảm nhận từ xa, ngoài đến và trong ra (lưu ý đón khách đến thì có chào khách ra về); Hình thức cần mang tính biểu tượng - khái quát cao, nằm hai phía bên đường. Cố gắng bố trí ở ranh giới (nơi ghi biển địa bàn Thủ đô Hà Nội) là đẹp nhất và đúng nghĩa nhất, không nên bố trí chỗ sâu, chỗ gần như đề xuất (trừ trường hợp bất khả kháng để đảm bảo tính khả thi: Không có đủ không gian, giải phóng mặt bằng nhiều…). Cố gắng tạo không gian đủ để chụp hình và thụ cảm thẩm mỹ tốt nhất; lưu ý các không gian bổ trợ xung quanh cũng cần được làm đẹp (khu dân cư, cây xanh xung quanh). Nghiên cứu các diện, khối để tạo sự thay đổi thú vị khi cảm nhận ánh sáng tự nhiên ban ngày cũng như đèn chiếu ban đêm; kết hợp các loại hình thông tin hiện đại (đèn, hiệu, âm thanh, màu sắc) để làm tăng giá trị công trình.


Cổng trên đường Láng Hòa Lạc với biểu tượng trống đồng. 

3 - Góp ý cụ thể:

Hà Nội - Trục phía Nam là trục xương sống theo dọc chiều dài đất nước nên theo hướng biểu tượng của sự Thống nhất non song, không nên mang tính Nam tiến vì thực tế có những trận thắng lẫy lừng theo hướng ngược lại (vua Quang Trung với các dấu tích tại Ngọc Hồi, Đống Đa)  

Bắc Thăng Long - Nội Bài: Như đã nêu trên, nếu vì khách đên từ sân bay thì nên do Tổng Công ty Hàng không tổ chức ngay tại sân bay. Nghiên cứu đặt biểu tượng tại bùng binh lối ngã 3 từ Vĩnh Phúc rẽ vào đường Thăng Long. Đây là đoạn đường 3 phía tạo thành 3 lối đi. từ xa đã cảm nhận được vì là khúc cua từ 3 phía lại nút giao thông này. Nếu có cần thiết thì chính là chỉnh trang tất cả các loại hình công trình hai bên tuyến đường bộ mặt quốc thể này, nhất là nhà dân xây dựng để có được không gian văn hoá. Tuyến này nên thể hiện biểu tượng của một Thủ đô Hoà Bình, giang rộng cánh tay đón chào. Trên tuyến này vào trtung tâm có Công viên và Tượng đài Thành phố vì Hoà Bình (Xuân Đỉnh) và các công trình trọng điểm khác.

Láng Hoà Lạc: Không gian Làng Văn hoá các dân tộc, Ba Vì, kết nối Hoà Bình (Đập song Đà) nên biểu tượng Sông – Núi theo hướng cách điệu hiện đại (Các đô thị vệ tinh Hà Nội tại đây là khu công nghệ cao, năng động phát triển):

Hà Nội – Lạng Sơn: Có thể mang tính Rổng, nhưng không nên là Rồng tư thế chầu mà mang biểu tượng rồng bay lên (Thăng Long) với dạng khái quát hoá.

Hà Nội – Hải Phòng: Nên mang phong cách hiện đại ngôn ngữ khoẻ khoắn, không nên là hình tượng cọc Bạch Đằng vì là hướng nối trong Vùng tam giác phát triển kinh tế, cảng xuất hàng ra ngoại, nên là hình tượng Hà Nội năng động, phát triển.

Bổ sung tuyến Tây Bắc kết nối Phú Thọ - Lai Châu: Kết nối cội nguồn đất Tổ nên có thể chấp thuận hình tượng hoài cổ như Trống đồng, chim Lạc.


Cổng trên quốc lộ 1A với biểu tượng 8 con rồng chầu trên mặt trống đồng. 

4 - Về tính chất và vật liệu sử dụng:

Thực ra nếu xác định tháng 10 này, Hà Nội tổ chức là Đại Lễ kỉ niệm đô thị Thủ đô 1000 năm tuổi, mà hiếm có đô thị nào trên thế giới có được, chứ không phải chỉ là lễ hội thuần tuý như Festival. Do vậy đáng nhẽ công việc này phải chuẩn bị kĩ càng, nghiêm túc và khoa học, có tiêu chí cụ thể để có cuộc thi, lựa chọn phương án xứng đáng như cách làm của cuộc thi Cửa ô phía Nam trước đây (45 đồ án dự thi và Hội đồng là các nhà chuyên gia, Hội chuyên ngành tiêu biểu của Trung ương và Hà Nội)


Cổng chào trên quốc lộ 5 với hai hàng cột gỗ buồm, cọc gỗ Bạch Đằng. 

5 - Kinh phí: Xác định đây là niềm tự hào, nếu có lời hô hào, hiệu triệu đóng góp “Thời khắc Vàng” chắc sẽ không chỉ 5 doanh nghiệp lớn đã đăng kí mà tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi người dân sẽ sẵn sàng đóng góp, chung tay như nghiã vụ của cư dân Thủ đô hân hoan chào đón Đại Lễ kỉ niệm. Có thể sau khi sử dụng loại hình công trình cổng chào tạm này, nếu vị trí đủ để làm Cửa ô Hà Nội mới thì cũng nên huy động hình thức huy động vốn này để đảm bảo phương án kiến trúc do cộng đồng quyết định, tránh tình trạng như 5 phương án đề xuất công khai duy nhất này đến khi quyết khởi công  mà vẫn tự bị loại 1 phương án cọc Bạch Đằng. 


Cổng chào trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ với biểu tượng hai dãy song song 5 cánh chim Lạc Việt.

Nói tóm lại, chủ trương là đúng nhưng việc triển khai thiết kế 05 ý tưởng xin ý kiến đều mang tính hoài cổ nhiều, không sáng tạo, mới đánh dấu Mốc số 0 ban đầu chứ chưa có ý tưởng của đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại, hoà bình – Mốc số năm kỉ niệm 1000 này. Không nên vì quen mắt, ngại khó khi tìm cái mới mà làm cho xong, kể cả vì thời gian quá gấp rút cũng không nên làm búi xùi vì Hà Nội là Thủ đô và mang tính tiêu biểu, đại diện cho cả một đất nước./.

Hà Nội, 02/7/2010

KTS Nguyễn Phú Đức - ảnh minh họa : Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội 

* Sáng ngày 02/7, tại văn phòng Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã diễn ra buổi họp đóng góp ý kiến về “Phương án thiết kế ý tưởng kiến trúc 05 cổng chào tại các cửa ngõ phục vụ Đại lễ Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Tất cả các kiến trúc sư tham dự đều không đồng tình với các ý tưởng và cách thực hiện của Thành phố về vấn đề chọn các phương án và tổ chức đánh giá, lấy ý kiến chuyên gia, các Hội nghề nghiệp. 

* KTS Lê Quang Ngọc - Công ty ANCC - cho rằng chỉ cần làm một công trình “cho ra công trình”, làm thật sự, đầu tư thích đáng để tạo nên một dấu ấn cho Hà Nội. Ông và nhóm công sự của mình đã dành khoảng 5 tháng nay cho việc thiết kế (trình bày và đón nhận ý kiến cộng đồng tại trang web: http://hanoi.org.vn/congthanglong ), và nếu được sự chấp thuận của TP, ông sẽ tự lo kinh phí thực hiện bằng hình thức xã hội hóa. 

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo