Đăng đàn mở đầu phiên chất vấn ngày 6/7 tại kỳ họp lần thứ 18 HĐND TP.HCM khóa VII, giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã “vấp” ngay hàng loạt câu hỏi khá hóc búa từ các đại biểu về những điều chưa ổn trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại khu vực trung tâm quận 1, quận 3 của TP. Các đại biểu cũng chất vất giám đốc sở Giao thông vận tải về vấn đề lô cốt và dự án tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Dựa vào số liệu ban đầu của Đồ án quy hoạch TP.HCM (dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010) thì “khu vực trung tâm hiện hữu sẽ còn nhiều cao ốc nữa mọc lên”. (Ảnh: L.H.T)
Liên quan đến nội dung này, chủ tọa điều khiển phiên chất vấn – bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP. đã mời đến ba vị lãnh đạo đăng đàn, gồm người báo cáo giải trình Trần Chí Dũng, giám đốc sở Quy hoạch – kiến trúc và giám đốc sở Xây dựng Lâm Tấn Bền, chủ tịch UBND quận 1, Trần Vĩnh Tuyến lên cung cấp thông tin liên quan. Tuy nhiên, phần trình bày của các vị lãnh đạo sở ngành, địa phương vẫn chưa đủ sức thuyết phục các đại biểu.
Lo lắng việc nhà cao tầng mọc lên nhiều
Thắc mắc với nhận định “không có dự án xây dựng cao tầng nào ở khu vực trung tâm quận 1, quận 3 vi phạm quy hoạch” trong báo cáo giải trình của sở Quy hoạch – kiến trúc, đại biểu Huỳnh Công Hùng chất vấn: “Số lượng dự án nhiều; lực lượng quản lý mỏng; trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu... là những khó khăn mà sở Quy hoạch – kiến trúc nêu ra trong thực thi trách nhiệm. Với những bất cập đó, có chắc không nếu khẳng định rằng không có dự án xây dựng nào tại khu vực trung tâm quận 1, quận 3 vi phạm?”
Trực tiếp giải đáp thắc mắc của cử tri Có 4 cử tri trực tiếp gửi ý kiến đến các đại biểu HĐND tại phiên chất vấn giám đốc sở QH – KT. Trả lời thắc mắc của cử tri ở hẻm 176 Trần Quốc Thảo quận 3 về việc quy hoạch hẻm bị treo nhiều năm, ông Trần Chí Dũng cho biết TP đã phân cấp việc phê duyệt quy hoạch hẻm cho UBND quận, huyện. Vì thế, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trả lời cho người dân được rõ. Riêng câu hỏi có xóa bỏ quy hoạch ở ga Bình Triệu hay không của một cử tri ở quận Thủ Đức, ông Dũng thông tin: “Quy hoạch có liên quan đến bộ Giao thông – Vận tải và tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo trả lời của hai đơn vị này thì vẫn sẽ có một ga Bình Triệu rộng 40 hécta tại đây. Quy hoạch giao thông khu vực ga Bình Triệu TP sẽ căn cứ vào đó để thực hiện.” Giải đáp thắc mắc “Chừng nào TP có cốt nền?” của cử tri, ông Dũng nói: cốt nền của TP vẫn khống chế mức 1,2m theo mực nước biển ở Hòn Dấu. Còn cốt xây dựng đã được quy định rõ trong các Bản quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc 1/2000 của từng khu vực. |
Đưa ra hình ảnh chứng minh, ông Hùng đơn cử việc xây dựng không có khoảng lùi tại công trình tòa nhà The Manor. “Quy chuẩn vỉa hè tại khu vực xây dựng của công trình này có không và nếu có thì quy định thế nào mà công trình lại lấn sát ra đường và hiện nay, biến cả một phần lòng đường rất dài dành cho xe 2 - 3 bánh, gắn máy lưu thông thành bãi dừng, đậu của xe taxi đón rước khách vào ra toà nhà The Manor?”
Không đồng tình với khẳng định: “Không thể có dự án được phê duyệt mà không phù hợp quy hoạch” của ông Trần Chí Dũng, đại biểu Nguyễn Thế Thanh lên tiếng: “Nói như vậy nghĩa là chúng ta hoàn toàn yên tâm với những dự án xây dựng đang triển khai trên đường Đồng Khởi, phải không ạ? Vậy tôi xin hỏi việc xây dựng tòa nhà cao tầng của khách sạn Caravelle ngay sát cạnh một công trình kiến trúc đẹp có hơn 100 năm tuổi là Nhà hát Thành phố có gọi là vi phạm không? Tôi cho là có vì rõ ràng tòa nhà đã phá vỡ cảnh quan của khu vực”.
Bà Thanh nói tiếp: “Đề nghị sở Quy hoạch – kiến trúc cho biết từ đây đến 2020 sẽ còn bao nhiêu tòa nhà cao tầng nữa được xây dựng trên đường Đồng Khởi? Đây là con đường di sản nên chúng tôi muốn biết liệu cảnh quan trên con đường này sẽ như thế nào nếu các tòa cao ốc kiểu như tòa nhà của khách sạn Caravelle còn tiếp tục ra đời?”
Theo bà Thế Thanh, kiến trúc không chỉ là công trình mà còn là cảnh quan. “Chúng ta chưa thật sự quan tâm đến yếu tố hài hòa kiến trúc, hài hòa với cảnh quan di sản khi quy hoạch và triển khai quy hoạch. Tôi khẳng định như thế bởi thực tế, dù nhiều người đã lên tiếng cảnh báo nhưng chúng ta vẫn có những công trình như tòa nhà Caravelle, Vincom…mọc lên.”
Tiếp ý kiến của bà Thanh, đại biểu Ngô Minh Hồng nhấn mạnh thêm: “Lúc nãy, chủ tịch UBND quận 1 cho rằng tầng cao nhất của các dự án nhà cao tầng trên địa bàn quận là 12, vậy xin hỏi tại sao tòa nhà Bitexco ở quận 1 lại cao đến 68 tầng?”. Cũng theo bà Hồng, nhiều cử tri đang thắc mắc không biết chúng ta phát triển thành phố theo mô hình nào.
“Liệu chúng ta có học tập mô hình đô thị của New York – những ngôi nhà cao tầng cứ như những cái que cắm chi chít vào ổ bánh, khi trung tâm thành phố ngày càng xây dựng nhiều cao ốc?”, bà Hồng hỏi. “Tôi thấy thành phố có nhiều cao ốc chót vót nằm trên những con đường hẹp mà trong quy hoạch, như tôi biết, là đường không thuộc diện sẽ mở rộng. Vậy điều đó cũng phù hợp với quy hoạch sao? Không biết sở Quy hoạch – kiến trúc có nhận được thư tay hay bị áp lực nào trong việc cấp phép cho các tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố hay không?”
Liên quan đến dự án tòa nhà Vincom trên đường Lê Thánh Tôn, bà Hồng chất vấn: “Công viên Chi Lăng là của tòa nhà Vincom hay của thành phố?” Theo bà Hồng, công viên đã bị thay đổi và “hình như Vincom đã rất khéo léo biến công viên ấy thành như của riêng mình...”. Bà Hồng cũng cho biết thêm là trước đây, tại công viên có tấm biển đồng trang trọng ghi danh kiến trúc sư người Pháp đã thiết kế công viên, nay không thấy tấm biển ấy dựng ở đâu. “Chúng ta phải sớm trình danh mục các công trình kiến trúc cổ, kiến trúc di sản cần bảo vệ khi thực hiện quy hoạch”, bà Hồng đề nghị.
"Thành phố mất trí nhớ"
Liên quan đến quy hoạch treo tại TP.HCM, ông Trần Chí Dũng cho biết theo quy định, sau 5 hoặc 12 năm phải xem xét (xóa hoặc điều chỉnh) lại quy hoạch một lần. Hiện nay thành phố đang xem xét 140 dự án (trên tổng số hơn 300 đồ án quy hoạch đã có). |
Trả lời chất vấn về những vấn đề trên, giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc Trần Chí Dũng cho rằng, thành phố đã xác định 117 địa chỉ cần bảo tồn, tuy nhiên, đây chỉ mới là danh mục được xác định trong đề tài nghiên cứu, chưa triển khai vì còn phải chờ hoàn thiện các cơ sở pháp lý. Ông Dũng cũng thừa nhận có sai sót trong khâu xử lý đối với việc xây dựng tòa nhà mới của khách sạn Caravelle.
“Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, nhiều công trình chúng tôi đã xử lý tốt những vấn đề liên quan đến hài hòa kiến trúc, cảnh quan di sản như công trình sửa chữa khách sạn Continental, Tòa án nhân dân TP... Nhiều đồ án xây chen phá vỡ hài hòa kiến trúc, cảnh quan trong các công trình này chúng tôi đã kiên quyết bác bỏ. Việc bảo tồn kiến trúc và đảm bảo không gian công cộng hiện hữu của công viên Chi Lăng trong quá trình quy hoạch và triển khai xây dựng của dự án chúng tôi cũng đã đặt ra với chủ đầu tư.”
Vấn đề tuân thủ đúng quy hoạch khi xem xét dự án, ông Dũng khẳng định: “Không riêng tòa nhà The Manor mà khi xem xét các dự án nói chung, sở Quy hoạch – kiến trúc đều xem xét và có yêu cầu cụ thể đối với việc tuân thủ đúng quy định về các khoảng lùi, nhà để xe, tầng cao khống chế của nhà để xe... theo yêu cầu của quy hoạch”.
Ông Dũng nói: “New York là đô thị quá nén khi hệ số sử dụng đất tại đây có nơi lên đến 30 lần (con số này tại TP.HCM là 16), nhiều khu vực của New York không có khoảng lùi. TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đa trung tâm với các trung tâm mới đã được xác định là Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn, Tây Bắc Củ Chi và Tân Kiên. Tổng diện tích cho cả 4 trung tâm này hơn 3.000 hécta. Không có sự học tập rập khuôn mô hình đô thị của New York”.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc còn bao nhiêu cao ốc nữa sẽ được xây dựng ở khu vực trung tâm quận 1, quận 3, ông Dũng không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết dựa vào số liệu ban đầu của Đồ án quy hoạch TP.HCM (dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010) thì “khu vực trung tâm hiện hữu sẽ còn nhiều cao ốc nữa mọc lên”.
Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM lưu ý lãnh đạo sở Quy hoạch – kiến trúc phải đảm bảo sự phát triển bền vững trong quy hoạch chung của thành phố, tức là phải vừa đáp ứng được nhu cầu hiện tại vừa không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của tương lai. Đặc biệt, phải hết sức chú ý bảo tồn cho được di sản văn hóa. Phải thống nhất vấn đề này, nếu không, chúng ta sẽ thành “thành phố mất trí nhớ”.
"Chúng ta đang mất dần khu phố người Hoa trên đường Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5. Vùng 18 thôn vườn trầu giờ chỉ còn 1 thôn ở Hóc Môn. TP Huế tự hào có một “đô thị bài thơ”, đẹp vào loại bậc nhất thế giới, do chính các chuyên gia thế giới nhận định. Hãy nhìn vào đó để lưu ý cái giá của dự bảo tồn di sản, cảnh quan kiến trúc, văn hóa khi quy hoạch" bà Thảo nói.
Phải đến cuối năm 2011 thì các rào chắn án ngữ mặt đường mới bi tháo dỡ hoàn toàn. (Ảnh: L.H.T)
Đến sang năm mới hết "lô cốt"
Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn sở Giao thông vận tải, ông Trần Quang Phượng, giám đốc sở cho biết, tính đến ngày 5.7.2010 chỉ còn 115 rào chắn, so với sáu tháng dầu năm 2009 đã giảm 85 rào chắn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phượng, tốc độ tháo dỡ các rào chắn vẫn còn chậm vì nhiều nguyên nhân, trong đó có vị trí rào chắn phải đào lên lấp lại nhiều lần để phục vụ cho việc đi lại của người dân, có rào chắn vì đụng phải công trình ngầm nên thi công lâu. "Theo tính toán, phải đến cuối năm 2011 thì các rào chắn án ngữ mặt đường mới bi tháo dỡ hoàn toàn".
Đại biểu Võ Văn Sen chất vấn, dù rào chắn có được thào dỡ hết nhưng với tốc độ đăng ký xe cá nhân vẫn tăng nhanh như hiện nay: xe máy 190.367 chiếc , ô tô 18.813 chiếc không giảm so với năm 2009 thì chỉ trong vài năm nữa tất cả các tuyến đường sẽ kẹt cứng. “Chúng ta phải làm gì đi chứ? Không lẽ cứ bế tắc mãi sao?”, ông Sen sốt ruột.
Liên quan đến dự án cầu vượt Gò Dưa, ông Trần Quang Phượng thừa nhận dự án này quá crậm,giậm chân tại chỗ 5 năm vì không có mặt bằng để thi công. Dự án chỉ được đẩy nhanh tiến độ khi đầu năm 2010, thành phố đã có điều chỉnh về chính sách giá đền bù. Cho đến thời điểm này, người dân bị thu hồi đất đã chấp thuận di dời. Nếu quận Thủ Đức giao mặt bằng thì đơn vị thi công chỉ thi công trong 6 tháng là hoàn tất dự án. |
Quan tâm tới vấn đề giao thông, ĐB Nguyễn An Bình đặt vấn đề: “Tôi không thấy một đô thị nào trên thế giới có dân số trên 7 triệu dân lại chỉ có độc đạo đường giao thông mặt đất như chúng ta! Sở giao thông đã có đề án gì tư vấn cho TP xây ựng đường trên cao hay không?..."
Phúc đáp những câu hỏi này, ông Phượng cho rằng không phải sở bất lực với việc quản lý lượng xe cá nhân. Hiện nay sở đã xây dựng xong dự thảo đề án chống ùn tắc gao thông đến năm 2020 và chuẩn bị trình TP thông thông qua. Trong đề án này vấn đề giảm thiểu lượng xe cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng được chúng tôi đưa lên hàng đầu.
Mặt khác, hiện thành phố cũng có đề án xây dựng bốn tuyến đường trên cao kết nối Đông – Tây – Nam – Bắc. Ban đầu, dự án này thành phố dự tính sẽ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng theo hình thức BOT. Tuy nhiên, sau khi thẩm định lại dự án, các nhà đầu tư khẳng định dự án không thể đầu tư xây dựng theo hình thức BOT được vì số tiền đầu tư quá lớn 800 triệu USD. Nhà đầu tư cho rằng, nếu đầu tư theo hình thức BOT thì số tiền họ thu về chỉ khoảng 100 triệu USD mà thôi. “Do vậy, các dự án đường trên không đến nay vẫn chưa thể thực hiện được”, ông Phượng cho biết.
Khi tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh bị sụt lún, UBND TP có chỉ đạo ứng trước 140 tỷ đồng tiền ngân sách để sửa chữa con đường này. (Ảnh: L.H.T)
Phải trả 140 tỷ để sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa đồng quan tâm tới vấn đề số tiền 140 tỷ ứng trước để sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đến nay đã được hoàn trả cho ngân sách TP hay chưa? Các dự án ODA tăng vốn, đặc biệt là dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên đã được các nhà phản biện độc lập của Việt Nam phản biện hay chưa?.
Bởi theo ông Trương Trọng Nghĩa, dự án này ban đầu chỉ có khoảng 1 tỷ USD nhưng sau đó vốn lại tăng lên đến 2,3 tỷ USD mặc dù dự án chưa khởi công. Cơ sở tăng vốn lại dựa trên sự thẩm định của một công ty do chủ đầu tư thuê. “Người được thuê thì phải thực hiện theo yêu cầu của người thuê, như vậy thì đâu khách quan, đâu có cơ sở để tin cậy”, ông Nghĩa nói.
Đồng trả lời câu hỏi trên của các đại biểu với giám đốc sở GTVT, ông Thái Văn Rê, Giám đốc sở Kế hoạch đầu tư cho biết, khi tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh bị sụt lún, UBND thành phố có chỉ đạo ứng trước 140 tỷ đồng tiền ngân sách để sửa chữa con đường này phục vụ người dân đi lại với yêu cầu: khi đã phân định được trách nhiệm việc để tuyến đường này sụt lún thuộc đơn vị nào thì TP sẽ yêu cầu đơn vị ấy hoàn trả số tiền này cho ngân sách.
Mới đây, thành phố đã có công văn giao cho sở GTVT tổ chức kiểm điểm các cá nhân có liên quan; đồng thời thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành để xác định các đơn vị có sai phạm. Cho đến nay, đoàn kiểm ra này đã được thành lập và đang từng bước tiền hành kiểm tra. “Sau khi kiểm tra, xác định được đơn vị nào phải chịu trách nhiệm vì con đường bị sụt lún thì sẽ yêu cầu đơn vị ấy trả 140 tỷ cho ngân sách thành phố”, ông Rê cho biết.
Về câu chuyện dự án tuyến đường sắt Metro Bến Thành – Suối Tiên đội vốn, cả ông Phượng và ông Rê đều có chung quan điểm, đây là dự án tuyến đường sắt đô thị ngầm đầu tiên của Việt Nam nên hầu như chưa có bất cứu nghiên cứu bài bản nào về pháp lý, cách quản lý nào trước đó, khiến cho các sở ngành khi thực hiện gặp nhiều lúng túng. Khi lập dự án, những tính toán khi đó không tính tới yếu tố giá cả các vật liệu xây dựng đều tăng một cách chóng mặt; không tính tới yếu tố xây dựng một số đường kết nối vào dự án này hoặc kết nối tuyến số 1 và số 3… nên khi chủ đầu tư tính toán, thẩm định lại thì vốn của dự án đã được đội lên gấp đôi.
Tùng Quang - Trần Vân
>>
- Tàu điện một ray rất hay nhưng không nên lắp trên trục Láng - Hòa Lạc
- Bất động sản trước quy định nghiệt ngã
- Bê tông hóa vỉa hè Hà Nội làm giảm khả năng tiêu thoát nước
- Hà Nội và nhà cao tầng
- Xây nhà cao, cao mãi?
- Hà Nội: Dồn nhà cao tầng vào nội thành - Sức ép từ đâu?
- An ninh năng lượng và kiểm soát năng lượng công trình từ bước thiết kế
- KTS Nguyễn Phú Đức đóng góp ý kiến về 05 phương án cổng chào của Hà Nội
- Giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn: Bế tắc
- Quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội: Bắt đầu từ gốc