Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp

Nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp

Viết email In

Chính sách hiện hành về nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp

Nhà ở xã hội được nêu trong Mục 4 Chương 3 Luật Nhà ở năm 2005. Phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước khuyến khích như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được miễn giảm các khoản thuế liên quan. Đối tượng được thuê nhà là những người thu nhập thấp thuộc diện cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ, nhưng chưa có nhà ở thuộc sở hữu hay chưa được thuê hay mua nhà ở nhà nước, hoặc ở chật dưới 5m2/người hay ở nhà tạm, hư hỏng. Nhà ở xã hội đô thị phải là nhà chung cư. Như vậy, theo các quy định trên thì nhà ở xã hội cũng tức là nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng chỉ là nhà cho thuê.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 105/2007 phê duyệt Định hướng chính sách tài chính nhà ở quốc gia đến năm 2020 nhằm mục tiêu thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các quan hệ tài chính nhà ở thích ứng với cơ chế thị trường và tạo điều kiện trợ giúp các đối tượng chính sách xã hội về nhà ở.

Đến Quyết định số 67/2009 (tháng 4) của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị thì tên gọi “nhà ở xã hội” không được đề cập đến nữa, thay vào đó là tên gọi “nhà ở cho người thu nhập thấp” (NTNT), và không chỉ để cho thuê, mà còn cho thuê mua (mua trả góp) hoặc mua trả tiền một lần. Chủ đầu tư là các doanh nghiệp, bao gồm: 1) Chủ dự án nhà ở thương mại trên đất rộng ≥ 10 ha thì phải dành 20% diện tích đất để phát triển nhà ở cho NTNT; 2) Chủ đầu tư đã có đất và đăng ký xây dựng nhà ở cho NTNT;  3) Chủ dự án được giao đất để xây dựng nhà ở cho NTNT. Về mặt chính sách, các ưu đãi cho bên cung còn được bổ sung thêm về hỗ trợ tín dụng đầu tư, về cung cấp miễn phí thiết kế và được Nhà nước trợ giúp đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án. Điểm mới là có thêm điều kiện ưu đãi cho bên cầu được vay vốn từ các ngân hàng thương mại với trợ giúp của Nhà nước về lãi suất. Tuy vậy, Thông tư số 181/2009 (tháng 9) của Bộ Tài chính lại chỉ đề cập các ưu đãi về thuế nhưng chưa nói gì đến trợ giúp lãi suất!

Riêng đối với nhà ở công nhân các khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 66/2009 để áp dụng phương thức xã hội hóa và nêu một số ưu đãi cho chủ đầu tư, đặc biệt là nếu doanh nghiệp tự xây hoặc thuê nhà ở cho công nhân thì được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tháng 6 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, trong đó bổ sung thêm loại nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước để cho thuê.

Bài viết này chỉ đề cập đến nhà ở cho người thu nhập thấp trong đô thị, mà không bàn về nhà ở công nhân, sinh viên và nhà ở người nghèo nông thôn.

Nhận xét tóm lược đối với chính sách hiện hành về nhà ở xã hội / nhà ở cho người thu nhập thấp:

  1. Tuy Luật Nhà ở đã ban hành từ năm 2005 nhưng 4 năm sau mới có một số văn bản pháp quy về nhà ở xã hội, còn tên gọi nhà ở xã hội trong các văn bản pháp quy dưới luật lại được đổi thành nhà ở cho NTNT, khiến nhiều người lầm tưởng có hai loại nhà khác nhau.  
  2. Theo Luật năm 2005 và Quyết định số 67/2009, dù tên gọi là gì thì loại nhà ở này đều do tư nhân đầu tư theo chính sách khuyến khích của Nhà nước để cho thuê, cho thuê mua hay để bán, nhưng đến Nghị định số 71/2010 thì lại thêm chủ đầu tư mới là Nhà nước, và nhà ở do Nhà nước xây dựng chỉ cho thuê mà thôi.
  3. Trong Luật thì chính sách khuyến khích chỉ bao gồm các ưu đãi cho bên cung, còn bên cầu chỉ được quyền thuê nhà, do đó Nghị định số 71/2010 chỉ hướng dẫn biện pháp giúp đỡ bên cung mà thôi, không đề cập gì đến quy định về Nhà nước trợ giúp lãi suất tiền vay của bên cầu để mua nhà như quy định trong Quyết định số 67/2009 ra trước đó một năm (nhưng không nói rõ tiền trợ giúp lấy từ nguồn nào).
  4. Khuôn khổ pháp lý cho nhà ở xã hội/nhà ở cho NTNT khá chi tiết về quy trình thủ tục nhưng lại rất sơ sài về mặt tài chính tiền tệ, vì vậy tính khả thi của chính sách không cao, đến nay việc triển khai vẫn còn gặp khá nhiều lúng túng.

Nhằm mục đích góp phần nâng cao tính khả thi của chính sách nhà ở xã hội/nhà ở cho NTNT, bài này nêu lên một số quan điểm và giải pháp dựa trên kinh nghiệm quốc tế để góp thêm tư liệu tham khảo cho các nhà làm chính sách.

Quan điểm cơ bản

Nhà ở có hai thuộc tính là thuộc tính hàng hóa và thuộc tính phúc lợi. Do có thuộc tính hàng hóa nên việc sản xuất và lưu thông nhà ở tuân theo cơ chế thị trường, mặt khác do nhà ở không thể thiếu trong cuộc sống con người và gia đình họ, nên Nhà nước cần có chính sách giúp đỡ những người không đủ khả năng tiếp cận thị trường nhà ở. Người thu nhập thấp là những người như vậy, họ có nguyện vọng chi trả (willingness to pay) để có nhà ở nhưng không đủ khả năng chi trả (ability to pay) cho nguyện vọng đó. Những người mua nhà mà có khả năng chi trả ngay thì không phải là người thu nhập thấp mà ít ra là có thu nhập trung bình thấp. Định nghĩa này rất quan trọng về mặt chính sách.

Người thu nhập thấp chỉ khi được giúp đỡ về tài chính thì mới có khả năng mua hoặc thuê nhà ở, thế nhưng không phải bất cứ loại nhà nào mà chỉ là loại nhà ở giá rẻ hợp vệ sinh và có tiện nghi vừa phải, thuộc loại nhà ở phù hợp (affordable housing) cho tầng lớp trung lưu lớp dưới và lớp giữa mà người sử dụng chỉ phải chi tiêu cho nó không quá 30% tổng thu nhập của hộ gia đình. Nhu cầu của lớp người này rất lớn nhưng chưa được các nhà kinh doanh bất động sản nước ta hiện nay quan tâm phát triển vì lợi nhuận kinh doanh không lớn. Để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ này thì Nhà nước cũng cần có chính sách tạo điều kiện.

Người thu nhập thấp không chỉ cần nhà ở mà còn cần chỗ ở thích hợp (adequate shelter). Theo Nghị trình Habitat (Habitat Agenda) do Đại hội Habitat II họp ở Istanbul thông qua năm 1996 thì chỗ ở thích hợp có ý nghĩa nhiều hơn một mái che trên đầu mỗi người. Nó còn bao hàm sự riêng tư thích hợp; không gian thích hợp; an ninh thích hợp…; môi trường thích hợp; dễ tiếp cận việc làm và các dịch vụ cơ bản, tất cả với giá vừa phải. Chính vì vậy mà chiến lược, chính sách phát triển có liên quan của Liên hợp quốc đều đề cập đến “chỗ ở” chứ không phải “nhà ở”.

Người thu nhập thấp Việt Nam tuy nghèo nhưng vẫn có xu hướng muốn trở thành chủ sở hữu nhà ở của mình. Đấy là nguyện vọng chính đáng vì khi đó vị thế xã hội của người chủ gia đình sẽ tăng lên đáng kể, tạo lợi thế trong các giao dịch dân sự, đồng thời cho phép chủ sở hữu đem nhà làm vật thế chấp để vay tiền khi cần thiết. Thế nhưng tầng lớp thanh niên khi mới bắt đầu lập nghiệp và lập gia đình thì lại có nguyện vọng nhanh chóng thuê được nơi ở chứ chưa phải là làm chủ sở hữu nhà. Vì vậy phân khúc nhà cho thuê cũng rất cần phát triển. Ngoài ra, nhà cho thuê còn tạo điều kiện cho lao động dễ dàng di chuyển theo quan hệ cung cầu trong thị trường lao động. Trong thực tế, thị trường nhà cho thuê nước ta đã hình thành để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người nước ngoài, chỗ trọ của công nhân khu công nghiệp và sinh viên, và nhiều nhu cầu khác của xã hội, vấn đề chỉ là chính quyền địa phương chưa quan tâm quản lý và tạo điều kiện phát triển nó. Theo kinh tế học nhà ở thì nhà cho thuê là đối trọng của nhà bán, quan hệ cạnh tranh giữa hai loại nhà ở này giúp điều chỉnh giá cả thị trường nhà ở.

Người thu nhập thấp nước ta là công dân một quốc gia mà cứ 10 năm thì GDP tăng gấp đôi. Do thu nhập tăng nhanh nên họ có thể hoàn trả trước thời hạn các khoản vay mua nhà và dành tiền cho việc nâng cấp tiện nghi nơi ở. Đây cũng là nhân tố thuận lợi để hệ thống tín dụng ngân hàng xem xét khi cho vay tiền mua nhà.

Tóm lại, Nhà nước cần có chính sách nhà ở cho NTNT nhằm giúp họ có đủ khả năng thanh toán để tiếp cận phân khúc thị trường nhà ở giá rẻ, nói cách khác là cần ban hành “chính sách nhà ở cho NTNT”, chứ trên thị trường không tồn tại loại nhà ở đặc thù gọi là “nhà ở cho NTNT”. Nếu gọi như thế chỉ là do nhầm lẫn.

Nhà ở giá rẻ

Nhà ở giá rẻ là một loại hình nhà ở thương mại được lưu thông tự do trên thị trường như các nhà ở giá cao hay giá trung bình, tức là việc mua bán hay cho thuê không phải chịu những ràng buộc đặc thù gì theo cơ chế “xin-cho”. Người mua, kể cả người thu nhập thấp, hễ có đủ tiền thì có thể chọn mua căn hộ thích hợp tại khu vực họ muốn, nói cách khác là quyền lợi và nhân phẩm của họ được tôn trọng.

Để có được giá rẻ thì căn hộ chỉ nên có diện tích vào khoảng 40~60 m2 đủ đáp ứng nhu cầu ở cho hộ gia đình có 4~5 người, tức là mỗi người ở khoảng 10~12 m2. Ngoài ra cũng nên có cả loại căn hộ 20~30 m2 cho người độc thân hay mới lập gia đình. Chính quyền thay vì quy định diện tích tối thiểu của căn hộ, chỉ nên quy định diện tích ở tối thiểu hợp vệ sinh tính theo đầu người tại từng giai đoạn phát triển của địa phương, chẳng hạn hiện nay có thể là 7,5 m2 cho mỗi công nhân đơn thân ở trọ và 9 m2 cho mỗi người trong hộ gia đình. Giới hạn đó dần dần sẽ được nâng lên khi kinh tế phát triển hơn.

Ngoài vấn đề diện tích thì còn có một số yếu tố khác tác động đến giá nhà, như số tầng không nhiều (khoảng 3~5 tầng) nên không cần thang máy và nền móng cũng không phức tạp; áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu hoàn thiện và trang bị điện nước đơn giản; đất do chính quyền cấp với giá khuyến khích. Tuy vậy chung cư căn hộ giá reNhà ở giá rẻ không nên xây tách biệt mà nên xây trong một khu đô thị mới đa chức năng có đường phố, chợ, trường học, nhà trẻ, vườn hoa cây xanh và đầu mối giao thông công cộng, cung cấp nhiều việc làm và các dịch vụ cần thiết. Căn hộ giá rẻ khác căn hộ căn hộ cao cấp về kiến trúc căn hộ, về vật liệu hoàn thiện và trang thiết bị bên trong, còn kiến trúc bên ngoài của chung cư vẫn phải đẹp để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Ngoài nhà ở giá rẻ xây mới còn có nhà ở giá rẻ do các hộ mới giàu lên nhượng lại cho người khác khi họ chuyển đến nơi ở sang trọng hơn. Hiện tượng này gọi là “hiệu ứng lọc” (filtering effect), nói lên rằng sự phát triển phân khúc nhà ở cao cấp cũng có tác động liên hoàn đến việc cải thiện điều kiện ở cho người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp.

Nhà ở giá rẻ cũng tạo điều kiện cho các hộ thuộc diện tái định cư kiếm được chỗ ở ưng ý tại nơi mong muốn. Cũng tương tự như nhà giá rẻ, chính quyền có chính sách tái định cư chứ không nên xây dựng loại nhà ở bao cấp gọi là “nhà tái định cư”chất lượng kém mà hộ tái định cư buộc phải chấp nhận.

Tại Singapo hiện thời có 87.6% số hộ ở trong nhà ở giá rẻ do Nhà nước xây dựng, trong đó 8.6% số hộ thuê nhà giá rẻ và 79.0% mua nhà giá rẻ. Chỉ có 12.4% số hộ tự mua căn hộ chung cư tư nhân cao cấp hay biệt thự. Khi thu nhập người dân còn thấp, loại căn hộ phổ thông là căn hộ có hai phòng ngủ, ngoài ra là các căn hộ một phòng ngủ và ba phòng ngủ. Ngày nay khi người dân đã có thu nhập cao thì loại căn hộ phổ thông có ba phòng ngủ với tiện nghi đầy đủ.

Tại các nước, loại nhà ở xã hội do ngân sách đầu tư để cho thuê giá rẻ khá phổ biến, chẳng hạn vào thập kỷ 70 tại nước Anh tỷ lệ nhà ở xã hội từng chiếm tới 32% tổng quỹ nhà ở; tỷ lệ đó năm 1986 tại Đan Mạch là 21%, tại Cộng hòa Liên bang Đức là 17%, tại Ai Len là 12%; năm 1990 tại Pháp là 15%, tại Nhật là 7% v.v...

Tài chính nhà ở cho người thu nhập thấp

Việc trợ giúp tài chính cho các đối tượng chính sách được thực hiện bằng hai phương thức: 1) trợ giúp các nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội  thông qua ưu đãi về thuế, vốn vay, trợ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, và 2) trợ giúp các đối tượng chính sách xã hội vay tín dụng với lãi suất thấp để mua nhà và được bảo hiểm, bảo lãnh khoản vay thế chấp đó.

Phương thức thứ nhất nhằm trợ giúp bên cung để khuyến khích xây dựng nhà ở giá rẻ bán thu tiền một lần cho các hộ thu nhập thấp. Vì được Nhà nước cho một số ưu đãi nên bên bán chỉ được bán theo điều kiện và cho những đối tượng do chính quyền quy định, còn bên mua thì phải làm đơn và xin chứng nhận mình đáp ứng các điều kiện đó. Như vậy bên bán, vốn là nhà kinh doanh, nay lại kiêm nhiệm chức năng xét duyệt bên mua, còn bên mua tuy có đủ tiền để trả tiền mua, thì trở thành đối tượng “xin” được mua nhà! Theo những điều trình bầy tại các phần trước, có thể tránh nhược điểm trên nếu điều chỉnh mục tiêu của phương thức trợ giúp bên cung là để “khuyến khích thị trường phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ”, đi kèm với điều kiện duy nhất là giá nhà không được vượt quá giới hạn quy định. Nhà được bán tự do trên thị trường. Ban đầu, khi số người mua vượt quá số căn hộ định bán thì còn phải tổ chức bốc thăm, hoặc giao cho tổ chức công đoàn lập danh sách  ưu tiên, nhưng khi quan hệ cung cầu tiến tới cân bằng thì không cần phải như vậy nữa. Nhân đây cũng xin nói rõ lãi định mức 10% mà nhà đầu tư được hưởng không phải là con số nhỏ, vì lãi được tính cho tổng mức đầu tư mà trong đó phần vốn tự có của nhà đầu tư chỉ chiếm vào khoảng 20~30%, do đó nếu quy về phần vốn này thì lãi suất sẽ là 30~50%, một con số khá hấp dẫn! 

Phương thức thứ hai nhằm trợ giúp bên cầu, có ưu điểm là đảm bảo sự trợ giúp đến đúng đối tượng cụ thể cần giúp. Phương thức này có ba mô hình chủ yếu là mô hình cho vay thế chấp, mô hình tiền công tích và mô hình trợ giúp lãi suất..

Mô hình cho vay thế chấp là khoản tín dụng tiêu dùng do ngân hàng phát ra và lấy nhà ở làm vật thế chấp. Do khoản vay này thường có thời hạn dài nên bên cho vay phải xem xét gắn với chỉ số tiền lương của người vay và với chỉ số lạm phát của tiền tệ. Trước khi xẩy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, mô hình thị trường thế chấp của Hoa kỳ trong thời gian dài được xem là kiểu mẫu thành công cho khoản vay này. Quyết định số 105/2007 của Thủ tướng Chính phủ nước ta về định hướng chính sách tài chính nhà ở quốc gia có nêu định hướng “củng cố và phát triển thị trường thế chấp nhà ở sơ cấp, hình thành và phát triển thị trường thế chấp nhà ở thứ cấp” nhưng định hướng đó không còn được nhắc đến nữa trong Quyết định số 67/2009!

Để tạo điều kiện cho thị trường tài chính có thể cho vay khoản tiền lớn với lãi suất tương đối thấp trong thời hạn dài, Hoa Kỳ cho phép bên cho vay thế chấp được bán lại khoản cho vay đó cho Hiệp hội Thế chấp Quốc gia thuộc Liên bang (Federal National Mortgage Asociation, gọi tắt là Fannie Mae), một tổ chức hợp tác công – tư được Liên bang thành lập và bảo trợ năm 1934 nhằm thu hút các quỹ đầu tư, rồi thêm Hiệp hội Thế chấp Quốc gia thuộc Chính phủ (Government National Mortgage Association- GNMA, thường được gọi tắt là Ginnie Mae) do Chính phủ Liên bang thành lập năm 1968 và trực thuộc Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị. Hiệp hội này quản lý chương trình chứng khoán dựa trên thế chấp (Mortgage Backed Securities/MBS Program). Ginnie Mae phát hành chứng khoán MBS và bán cho các nhà đầu tư trong thị trường vốn. Năm 1970, Freddie Mac được thành lập để huy động vốn cho cựu binh vay mua nhà.  Đến năm 2008, do các tổ chức này huy động vốn vượt quá tầm kiểm soát và gặp lúc kinh tế suy thoái, nhiều người vay mất khả năng chi trả, nên suýt phá sản vì nợ xấu và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến Kho bạc Hoa Kỳ phải xuất khoản tiền cực lớn để cứu giúp! Từ đó mô hình thị trường thế chấp của Hoa Kỳ bị giảm sút uy tín.

Mô hình tiền công tích được tiến hành thí điểm tại Singapo từ năm 1955, rồi mở rộng áp dụng đến hiện nay, đạt hiệu quả rất tốt, đặc biệt trong phát triển lĩnh vực nhà ở. Đây là chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó những người làm công đều phải nộp tiền công tích như một khoản tiết kiệm được hưởng lãi và chỉ được rút ra sử dụng theo quy định của Nhà nước để chi dưỡng lão, chi bảo hiểm y tế, mua nhà ở…Tiền công tích được quy định nộp theo tỷ lệ mức lương của người làm công, bao gồm 2 phần: một phần do người làm công nộp, phần còn lại do người sử dụng lao động nộp, mức nộp hồi mới lập quỹ là 10%, mỗi bên nộp 5%, cao nhất là hai năm 1984-1985 mỗi bên nộp 25%; hiện nay thì người lao động nộp 23%, người chủ sử dụng nộp 15%. Đấy là nói chung, tỷ lệ nộp còn tùy thuộc vào mức lương cao thấp và cả tuổi người nộp, từ 55 tuổi trở lên thì tỷ lệ nộp giảm dần.

Trung Quốc nghiên cứu áp dụng chế độ tiền công tích từ 1996, theo đó chỉ có người làm công nộp tiền và được rút ra khi về hưu hoặc ra nước ngoài định cư, hay để mua, xây, sửa chữa nhà ở.

Nghị định số 71/2010 của Chính phủ ngoài quy định lập Quỹ phát triển nhà ở (Điều 75), là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục đích lợi nhuận có chức năng cho các nhà đầu tư phát triển nhà ở vay vốn  ưu đãi, thì còn “giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu…Quỹ tiết kiệm nhà ở để phục vụ cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở được vay vốn mua nhà ở hoặc để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn xây dựng nhà ở xã hội”. Như vậy, Quỹ này cũng thuộc dạng quỹ công tích kiểu Trung quốc (chỉ có người làm công nộp) nhưng lại khác ở chỗ là cho cả nhà đầu tư vay tiền!

Mô hình trợ giúp lãi suất được đề cập trong Quyết định số 105/2007 và Quyết định số 67/2009. Mô hình này trợ giúp lãi suất tiền vay cho cả bên cung và bên cầu, tức là các bên vay vốn ngân hàng thương mại theo lãi suất thông thường, chẳng hạn 10%,  nhưng được Nhà nước trả hộ một phần lãi suất, chẳng hạn 4%, do đó chỉ còn phải trả lãi suất với mức 6%. Mô hình này có tính khả thi cao khi trợ giúp người thu nhập thấp vay tiền mua nhà, vì có thể triển khai sớm do không cần lập ra một tổ chức tài chính mới và cần đến nguồn vốn lớn để cho vay, cách quản lý lại tương đối đơn giản, có thể tận dụng hệ thống ngân hàng hiện có và nguồn vốn của nó, và chỉ cần định ra cơ chế Kho bạc nhà nước thực hiện nhiệm vụ trả bù phần lãi suất ưu đãi. Vấn đề còn lại là tìm đâu ra nguồn vốn để Kho bạc chi trả cho sự trợ giúp đó. Tôi đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật thuế nhà đất, và trích từ nguồn thu được từ thuế nhà để lập quỹ trợ giúp lãi suất, thông qua đó mà thực hiện công bằng xã hội, điều tiết thu nhập của người giàu đang ở nhà cao cấp sang trọng sang giúp đỡ người nghèo cải thiện nhà ở.

Hợp tác xã nhà ở

Tại Châu Âu, hợp tác xã nhà ở là hình thức tổ chức phi lợi nhuận thường gặp trong việc cung ứng nhà ở cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Các xã viên góp vốn thành lập HTX rồi vay thêm tiền để tự tổ chức xây nhà cho mình ở, khi cần thì thuê thêm chuyên viên phụ trách việc xây dựng và quản lý nhà ở. Căn hộ do HTX xây có ưu điểm là phù hợp nhu cầu cá biệt của mỗi hộ, đảm bảo chất lượng, giá thành lại rẻ (vì không bao hàm lợi nhuận và được hưởng một số ưu đãi). HTX nhà ở thường do cá nhân khởi xướng, nhưng một số lớn là do các tổ chức công đoàn lập ra.

Thụy Điển là nước coi trọng phát triển HTX nhà ở, cả nước có đến 2,2 vạn HTX lớn nhỏ, cỡ lớn có đến hơn 200 xã viên, cỡ nhỏ có vào khoảng 20 xã viên. Tại Na Uy, 14% nhà ở là do HTX xây. Tại Cộng hòa Liên bang Đức năm 1980 có 1217 HTX nhà ở với hơn 1,6 triệu xã viên. Liên đoàn HTX nhà ở Canada năm 2007 có 1030 thành viên, cung ứng nhà ở cho 25 vạn người. Nhật Bản năm 1967 thành lập Hiệp hội nhà ở cho người lao động, đến năm 1995 đã cung ứng được vào khoảng 11 vạn căn hộ.

Loại hình HTX nhà ở hiện nay chưa được Chính phủ nước ta quan tâm đưa vào chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp. Điều này hơi kỳ lạ đối với một quốc gia theo định hướng xã hội chủ nghĩa như nước ta.

Kết luận và kiến nghị

Qua những điều trình bày ở trên, tôi mong rằng các ngộ nhận hiện thời trong chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ chóng được khắc phục, và tôi cũng xin đề xuất một số kiến nghị sau đây:

  1. Chính phủ ban hành chính sách toàn diện và tổng hợp về nhà ở cho NTNT;
  2. Xúc tiến xây dựng cơ chế trợ giúp lãi suất cho NTNT vay tiền mua nhà ở;
  3. Thí điểm một số dự án phát triển nhà giá rẻ và xây dựng HTX nhà ở;
  4. Quốc hội sớm ban hành Luật thuế nhà đất./.

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam 

[ Chuyên đề: Nhà ở xã hội

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo