Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tin tức Sự kiện Hội nghị “Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu"

Hội nghị “Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu"

Viết email In

Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hay còn gọi là nghị quyết “thuận thiên” được so sánh như là món ăn ngon của vùng. Vì vậy, để món ngon này thật sự ngon với người thưởng thức, cần phải được nấu đúng thời gian, không thể nóng vội.

Phát biểu tại hội nghị “Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" được tổ chức vào chiều 18/6 ở TPHCM, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, sau khi nghị quyết được ban hành, đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành.


Muốn nghị quyết "thuận thiên" đi vào cuộc sống thì không nên nóng vội. Trong ảnh là một đô thị đi qua tỉnh Vĩnh Long bị ngập do ảnh hưởng của triều cường.
(Ảnh: Trung Chánh)

Theo ông, một số kết quả đã đạt được, đó là hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát nông nghiệp hiện đại, bền vững; công tác điều tra cơ bản, quan trắc được tăng cường, dữ liệu ngành được thiết lập và hệ thống hóa.

Theo ông Hà, công tác quy hoạch được tập trung triển khai; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, nhiều ngành hàng/mặt hàng có chỗ đứng trên thị trường thế giới; công tác phòng chống, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển được quan tâm; hạ tầng được đầu tư, xây dựng tăng cường kết nối liên vùng, phát huy lợi thế giao thông đường thủy…

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, kết quả nổi bật nhận được, đó là sự chuyển biến nhận thức đồng bộ của cả hệ thống.

Theo ông, từ chuyển biến nhận thức như nêu trên đã cho kết quả nổi bật, đó là người dân đã chủ động thích ứng. "Ví dụ, cơn bão năm 2017 đổ bộ thẳng vào Cà Mau, thì tàu thuyền và người dân đã chủ động ứng phó, tránh trú bão", ông dẫn chứng và cho biết năm 2018, lũ ở ĐBSCL lên rất sớm, nhưng không một trẻ em nào chết đuối, trong khi năm 2011 bị thiệt hại về người đến 89 trường hợp.

Một điểm nổi bật khác, theo ông Cường, đó là trong chuyển đổi phát triển nông nghiệp, biến thách thức thành cơ hội, thì đã có 195.000 héc ta lúa được chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi khác trong giai đoạn 2015-2018.

Tuy nhiên, tại diễn đàn chuyên đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" được tổ chức trong sáng cùng ngày, nhiều đại biểu cho rằng, sau hai năm nghị quyết 120 được ban hành, thì vẫn chưa có nhiều kết quả diễn ra trong thực tế.

Tại đây, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho biết, có nhiều ý kiến đặt vấn đề, sau hai năm nghị quyết 120 được ban hành, sao chưa có gì diễn ra "trên mặt đất"?

Theo quan điểm của ông, Chính phủ không nên vội vàng và các đơn vị liên quan cũng không nên tạo áp lực để Chính phủ thúc đẩy. “Bởi vì sao?”, ông nêu câu hỏi và giải thích vì nghị quyết 120 rất sáng giá, nó như là một món ngon của ĐBSCL, cho nên, phải được nấu đúng thời gian. “Chậm, nhưng chắc để không khéo mất cơ hội này thì rất uổng cho ĐBSCL”, ông nói và giải thích vì bên dưới (hay nói cách khác là các cấp triển khai) cần có những chiến lược bài bản, đâu ra đó.

Theo ông Thiện, hai năm qua, Chính phủ cũng đã có triển khai nghị quyết này, mà cụ thể là cho triển khai các bước để thực hiện quy hoạch tích hợp. Chất lượng quy hoạch nó sẽ định hướng chiến lược nông nghiệp đi đúng hướng. “Như vậy, với cái món ngon, chúng ta đừng hấp tấp, vội vàng và đừng có tạo áp lực cho Chính phủ theo kiểu sao sau hai năm chưa thấy gì”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, sắp tới khi triển khai sẽ có ba cấp vướng, thứ nhất là ở cấp tư duy; thứ hai là ở cấp chính sách và thứ ba là ở cấp “trên mặt đất” hay nói cách khác là thực thi.

Theo ông, ở cấp tư duy do nghị quyết 120 là nghị quyết tiên tiến, thành ra so với những tư duy cũ, vốn đã quen khi thay đổi sẽ vướng. “Nếu không khéo chúng ta nói 120, nhưng làm cũng y như cũ”, ông nói và cho rằng cần phải làm rõ một số khái niệm thế nào là thuận thiên? Thế nào là tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên và tôn trọng quy luật tự nhiên? Thế nào là an ninh lương thực?

Còn ở cấp vướng chính sách, theo ông, chính sách Việt Nam có những chu kỳ và hiện nay nó đang “so le”. “Nghị quyết 120 đi trước và những chính sách kia nó chưa đi tới, chưa theo kịp”, ông nói và dẫn chứng: “Ví dụ, an ninh lượng thực chúng ta vẫn còn đang theo khái niệm an ninh lương thực tự cung tự cấp như từ trước đến giờ, cho nên, cái này cần phải được điều chỉnh lại”.

Ông Thiện cho biết, đối với những quy hoạch được phê duyệt trước đây, nhưng bây giờ về mặt pháp lý vẫn còn được thực hiện, nhưng tinh thần lại khác so với những quy hoạch mới, thì cần phải thay đổi. Điều này, giống như một bệnh nhân đang áp dụng hai phát đồ điều trị của ông bác sĩ trước và sau. “Như vậy, uống hai toa thuốc cùng lúc, thì không tốt”, ông nói và cho rằng muốn uống toa thuốc mới, thì phải dừng toa cũ.

Trong khi đó, cái vướng ở “dưới mặt đất”, theo ông có rất nhiều, trong đó, điển hình là có nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL phát triển sản xuất lúa ba vụ. “Trước đây, 5 năm đầu làm thì thấy có lý, 10 năm thì có chuyện, 15 năm có chuyện lớn hơn và 20 năm biết là có chuyện rồi”, ông cho biết và giải thích tức chi phí tăng cao, trong khi bây giờ khó thoát ra. Bởi, người dân đã 20 năm sống trong đê bao, thì nhà cửa, vườn cây..., tất cả đều thấp, nếu xả nước vô là “chết”.

Từ những vấn đề được nêu ra, theo ông Thiện, với cấp tư duy cần phải có định nghĩa rõ ràng thế nào là an ninh lương thực? Thế nào là thuận thiên? Thế nào là không hối tiếc?

Với cấp chính sách, thì phải đồng bộ hóa các chính sách, mà cụ thể ông Thiện kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu đi theo chiến lược nông nghiệp bền vững, thì không nên giao chỉ tiêu sản lượng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương; cần có chương trình đầu tư giúp cho dân chuyển đổi; nhà nước phải đầu tư mạnh vào chế biến bằng cách kêu gọi tư nhân tham gia.

“Chính phủ nên chậm lại, chúng ta đừng thúc ép, đừng tạo áp lực để Chính phủ phải làm gì đó, mà phải từ từ nấu, thì món ăn ngon mới ngon”, ông tái nhấn mạnh thông điệp để giúp triển khai nghị quyết 120 có hiệu quả.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đứng) chủ trì hội nghị.
(Ảnh: Trung Chánh)

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, sau hội nghị, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu bất thường đe dọa đến người dân. “Ở Việt Nam, trong năm 2018, thống kê cho thấy liên tiếp xảy ra nhiều cơn bão lớn; nhiệt độ tăng lên kỷ lục; lũ lớn ở ĐBSCL xảy ra ở nhiều nơi và triều cường gây thiệt hại rất lớn”, ông cho biết.

Theo Thủ tướng, có một điều đáng lo ngại là nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được thách thức của biến đổi khí hậu; doanh nghiệp thì chưa sẵn sàng ứng phó với thách thức cũng như chưa có ý thức giảm tác hại của biến đổi khí hậu.

Theo Thủ tướng, trong 10 năm qua, khu vực ĐBSCL có 1,7 triệu người di cư ra khỏi vùng, cao gấp đôi so với trung bình cả nước và điều này tạo ra thách thức lớn cho TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Chính vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm hành động thời gian tới của Chính phủ, đó là Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng. “Chính phủ sẽ tiếp tục bố trị lại nguồn lực để thực hiện rốt ráo tinh thần nghị quyết 120”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết, sẽ ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL nhiều hơn nhằm thúc đẩy phát tiển kinh tế. “Quyết tâm của Chính phủ là phải làm cho được tuyến đường cao tốc từ TPHCM về đến Cà Mau”, Thủ tướng cho biết và yêu cầu các địa phương xác định chi ngân sách cho biến đổi khí hậu phải là chi chính để giúp chủ động ứng phó. “Các địa phương cần dành ngân sách tối thiểu để phục vụ cho việc này”, ông nói.

World Bank: Bất kỳ hỗ trợ mới nào với ĐBSCL, chỉ tạo khác biệt khi có thể chế mạnh

Phát biểu tại sự kiện chiều 18/6, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh: "Là các đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ ĐBSCL và thực hiện nghị quyết 120".

Theo ông Ousmane Dione, từ năm 2015 tới nay, WB đã huy động khoảng 1,6 tỷ USD cho các hoạt động tại ĐBSCL, phần lớn đều gắn với Nghị quyết số 120.

Trong thời gian tới, WB đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để triển khai Nghị quyết này. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cấp chính quyền ở trung ương và địa phương, cũng như các bên liên quan khác, nắm bắt các cơ hội đến từ biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, các thị trường mới nổi, tiến bộ công nghệ và địa chính trị khu vực.

Giám đốc WB nhấn mạnh, bất kỳ một hỗ trợ mới nào với ĐBSCL chỉ có thể tạo ra sự khác biệt khi có thể chế mạnh, triển khai hiệu quả, thông tin đầy đủ, cam kết đổi mới sáng tạo, và sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

"Thể chế đó cần được phân quyền rõ ràng. Quyền cung cấp thông tin và định hướng cho Quy hoạch tích hợp vùng. Quyền lựa chọn các dự án đầu tư cấp vùng để tài trợ cấp vốn. Quyền huy động nguồn tài chính vừ nhà nước và tư nhân. Quyền giám sát quá trình thực hiện Quy hoạch tích hợp vùng" ông nói.

Theo người đứng đầu WB tại Việt Nam, t hể chế mạnh cần một kế hoạch mạnh. Ở ĐBSCL, Quy hoạch vùng tích hợp mà Chính phủ đang chuẩn bị có thể đóng vai trò như là khuôn mẫu để xây dựng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, thịnh vượng và bền vững thông qua việc xác định cơ cấu kinh tế, đô thị và công nghiệp phù hợp cho khu vực này.

Chỉ có thể xây dựng được Quy hoạch vùng tích hợp có ý nghĩa khi có sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, các tỉnh và các bên liên quan và có cơ sở bằng chứng, phân tích cụ thể. Các nguyên tắc trong Quy hoạch vùng tích hợp cần giúp định hướng cho các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đây là cách duy nhất để không lặp lại câu chuyện quy hoạch thiếu nhất quán và chồng chéo, dẫn đến đầu tư không hiệu quả như trước đây.

"Với tư cách là các Đối tác Phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo Quy hoạch vùng tích hợp mang tính toàn diện và sáng tạo, tối ưu hóa và ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, và thúc đẩy sự gắn kết xã hội, và xác định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan", ông nói.

Ông Dione cho biết,  để triển khai Nghị quyết số 120, cần chuyên nghiệp hóa và tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp và thủy sản thông minh với khí hậu và có ít tác động ở ĐBSCL. Ngành công nghiệp dựa trên nông nghiệp, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển tương lai của ĐBSCL, thay vì tập trung vào sản lượng sẽ phải hướng đến các hoạt động tạo ra giá trị lớn hơn. Kiến thức và dịch vụ hỗ trợ, công cụ quản lý rủi ro, CSHT hỗ trợ, và đầu tư tư nhân có ý nghĩa rất quan trọng để có được những thay đổi này. Tương lai của nông nghiệp ở ĐBSCL đòi hỏi các hợp tác xã nông nghiệp cần xây dựng chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ hữu ích và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Nhờ đó ĐBSCL có thể trở thành một vùng kinh doanh nông nghiệp mà vẫn là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp bền vững và có năng suất cao nhất trên thế giới.

Cải thiện tính kết nối cũng là điều kiện bắt buộc để xây dựng ĐBSCL thích ứng với khí hậu, thịnh vượng và bền vững. Là một vùng đất ngập nước rộng lớn, ĐBSCL là một thực thể phức tạp và mong manh. Để tăng cường tính kết nối, cần có các dự án đầu tư vào CSHT có khả năng thích ứng với khí hậu và giao thông đa phương thức phù hợp trong khu vực, bao gồm cả đường thủy nội địa. Có thể nâng cao hiệu quả của các dịch vụ hậu cần bằng cách khai thác mạng lưới đường thủy nội địa của ĐBSCL, tăng cường kết nối đa phương thức và đầu tư vào các hành lang cung cấp chính. Những hoạt động nâng cấp đường thủy trên các nhánh sông và đường bộ ở cấp xã và cấp tỉnh sẽ giảm chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến thị trường, và liên kết sản xuất của các cộng đồng nghèo, ở vùng sâu vùng xa với các trung tâm thị trường. Cải thiện kết nối cũng đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả và an toàn của Hành lang Hậu cần Đường thủy phía Nam.

Để đẩy nhanh việc đưa Nghị quyết số 120 từ chính sách thành thực tiễn, đã đến lúc phải kết thúc những cách làm cũ và xây dựng thể chế mạnh mẽ, hỗ trợ thực hiện hiệu quả, có cơ chế tài chính hiệu quả, thúc đẩy đổi mới - sáng tạo, sử dụng thông tin hiện có, và huy động sự tham gia của các bên liên quan. Khi có các yếu tố này làm nền tảng cho các giải pháp kỹ thuật để xây dựng một đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH, thịnh vượng và bền vững, các mục tiêu của Nghị quyết số 120 sẽ thành hiện thực. Những quyết định và cam kết được đưa ra hôm nay sẽ quyết định tương lai của ĐBSCL và đóng góp của khu vực này vào khát vọng chính trị, tăng trưởng và văn hóa của Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn. Là các Đối tác phát triển, chúng tôi sẵn sàng cam kết phối hợp với Ngài và thông qua quan hệ đối tác mạnh mẽ, chúng tôi có thể biến các mục tiêu của Nghị quyết số 120 thành hiện thực.

Trung Chánh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo