Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo về công nghệ xây dựng phục vụ phát triển hạ tầng và giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam

Hội thảo về công nghệ xây dựng phục vụ phát triển hạ tầng và giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam

Viết email In

Ngày 01/8, Bộ Xây dựng đã phối hợp với chính quyền tỉnh Kochi tổ chức Hội thảo về công nghệ xây dựng phục vụ phát triển hạ tầng và giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học, các hội nghề nghiệp của Việt Nam – Nhật Bản, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp 2 nước.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại và dễ bị tổn thương nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu do nằm trong khu vực Đông Nam Á vốn là vùng “rốn bão” của thế giới”.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao năng lực phòng, tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 tại Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 và phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011…

Thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động với các nhiệm vụ trọng tâm như chủ động ứng phó với thiên tai, giám sát khí hậu, cảnh báo sớm, giảm thiệt hại do rủi ro thiên tai, đảm bảo an ninh lương thực và tài nguyên nước, ứng phó tích cực với nước biển dâng phù hợp với các vùng dễ bị tổn thương...

Với lịch sử phải chịu đựng nhiều các thảm họa thiên nhiên quy mô lớn như mưa lớn, bão lũ… tỉnh Kochi (Nhật Bản) có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các loại hình công nghệ hỗ trợ giảm thiểu và khắc phục rủi ro thiên tai.

Thông qua hội thảo lần này, Bộ Xây dựng rất mong muốn tỉnh Kochi và các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chia sẻ các biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ và xử lý thảm họa thiên tai, tăng cường phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, nhằm thiết lập mạng lưới hợp tác thương mại, trao đổi chuyên môn, chuyển giao khoa học công nghệ và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và giảm nhẹ thiên tai.

Kinh nghiệm phòng chống thiên tai của tỉnh Kochi

Đáp lại đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, đại diện Phòng kiểm soát thiên tai của tỉnh Kochi, ông Seiji Nakaoka đã giới thiệu khái quát về công tác ứng phó bão lũ ở tỉnh Kochi.


Đại diện Phòng kiểm soát thiên tai của tỉnh Kochi, ông Seiji Nakaoka đã giới thiệu khái quát về công tác ứng phó bão lũ ở tỉnh Kochi.

Là một nước thường xuyên phải đối mặt với các thiên tai như động đất, sóng thần, bão lũ... Nhật Bản đã xây dựng một hệ thống pháp luật về phòng chống thiên tai (PCTT), xác định rõ quan điểm bảo vệ người bị thiệt hại, kế hoạch đối phó, cơ chế tài chính và trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc PCTT.

Tỉnh Kochi cũng từng phải đối mặt với nhiều trận bão lũ quy mô lớn, tàn phá nặng nề cơ sở vật chất của địa phương như trận mưa lớn làm hư hại ga Shigeto năm 1972, cơn bão số 5 năm 1975, con bão số 11 và 12 năm 2014, mưa lớn gây ngập úng tháng 7/2018...

Để ứng phó với thiên tai, chính quyền tỉnh Kochi đã áp dụng cả biện pháp cứng lẫn biện pháp mềm như cải tạo sông, quản lý dòng chảy, xây dựng 6 công trình đập, thực hiện các biện pháp bảo vệ mái dốc cho các tuyến đường, ngăn đá lở khi có mưa lớn...

Khi xảy ra bão lũ, Phòng kiểm soát thiên tai của tỉnh Kochi sẽ chịu trách nhiệm phát cảnh báo tới cấp huyện, thu thập thông tin thiệt hại và lập, triển khai biện pháp PCTT theo 4 cấp độ sẵn sàng.

Để thuận lợi cho việc PCTT, tỉnh Kochi đã xây dựng một trang web cung cấp những thông tin cơ bản về PCTT như lượng mưa, mực nước sông, mực nước biển, số liệu hồ chứa, thông tin cấp độ nguy hiểm sạt lở đất, những việc cần làm để PCTT...

Bên cạnh đó, tỉnh Kochi còn nỗ lực phát triển các ngành kinh tế liên quan đến PCTT, cung cấp nhiều sản phẩm PCTT hiệu quả cho và phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc như hệ thống giám sát ngập úng, sạt lở, sóng thần, vật liệu cải tạo đất yếu, đê chắn sóng Implant...

3 sản phẩm PCCT nổi bật của doanh nghiệp Kochi

Tham dự Hội thảo, 3 doanh nghiệp Nhật Bản là Osasi Technos, Chikami Miltec và Giken Seisakusho đã lần lượt giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ PCTT nổi bật của tỉnh Kochi.


Đại diện Cty Osasi Technos đã giới thiệu hệ thống giám sát phòng chống thiên tai.

Đầu tiên, Cty Osasi Technos đã giới thiệu hệ thống giám sát PCTT, bao gồm các thiết bị đo đạc, thiết bị viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây và các thiết bị cảnh báo. Trong đó, các thiết bị đo đạc sẽ điều tra, khảo sát các yếu tố lượng mưa, mực nước, độ nghiêng, độ biến dạng, nứt nẻ của đất đá...

Các số liệu PCTT sẽ được cập nhật qua hệ thống điện toán đám mây, trước khi phát cảnh báo cho người dân thông qua thư điện tử, hay còi hú, đèn quay được lắp đặt tại thực địa. Hiện tại, Cty Osasi Technos đã triển khai nhiều dự án giám sát PCTT ở Nhật Bản và cả nước ngoài như Thái Lan, Srilanka...

Trong khi đó, Cty Chikami Miltec đã giới thiệu sản phẩm vải bấc thấm ngang, đứng và phương pháp hút chân không (SPD Method) hỗ trợ xử lý nền đất yếu. Đặc biệt, các sản phẩm bấc thấm của Chikami Miltec rất thân thiện với môi trường vì được sản xuất từ vật liệu tự nhiên như cây ngô, cây mía, có thể tự phân hủy và không cản trở việc thi công các công trình ngầm trong tương lai.

Để bảo vệ mái dốc, Cty Chikami Miltec đã giới thiệu sản phẩm thảm Takino có tác dụng chống xói mòn, bảo vệ mái dốc và tạo điều kiện cho thực vật tự nhiên phát triển nhờ tăng độ phì nhiêu của đất.

Thảm Fabriform là một kỹ thuật xây dựng mà vữa lỏng, hoặc bê tông được bơm áp lực vào một vải địa làm từ sợi tổng hợp có độ bền cao. Vì khung có tính thoát nước nên phần nước dư trộn lẫn sẽ thoát ra ngoài và tạo thành vật thể cứng có cường độ và mật độ cao, phù hợp để bảo vệ mái dốc và phòng chống sạt lở ở những địa hình máy móc nặng không thể lại gần, có thể sản xuất theo hình dạng công trình, thi công dưới nước và giảm cả thời gian thi công lẫn nhân công.


Một thiết bị hỗ trợ phòng chống thiên tai của Giken Seisakusho được mang đến Hội thảo.

Về phía Cty Giken Seisakusho, sản phẩm của được doanh nghiệp này mang đến hội thảo là cấu trúc Implant có kết cấu chắc chắn với trụ thép và cừ larsen, đâm sâu và liên kết thành một thể thống nhất với lòng đất, đặc biệt thích hợp để đối phó với những trận động đất mạnh, khắc phục hậu quả sạt lở đất, ép cọc ngăn lở đất, xây dựng cầu khẩn cấp khi có thiên tai. Hiện tại, phương pháp Implant của Giken Seisakusho đã xuất hiện ở 30 nước trên tòa thế giới.


TS Vũ Thành Trung - Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) đã trình bày các vấn đề và biện pháp giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam.

Trong thời gian diễn ra hội thảo, TS Vũ Thành Trung - Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) đã trình bày các vấn đề và biện pháp giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam như gia cường cho mái ngói, mái rơm rạ, mái fibro xi măng, mái tôn; gia cường cho hệ cửa, bảo vệ các góc, cạnh, rìa mái nhà, neo (buộc) đòn tay/xà gồ mái vào tường.

Đối với nhà xây mới, người dân thường PCTT bằng cách giải pháp kiến trúc, lợi dụng địa hình, bố trí mặt bằng, lựa chọn hình dáng mái nhà chịu bão tốt nhất, gia cố tường bao che, móng nhà, mái hiên, hay các bộ phận gắn với công trình.

PGS.TS Trần Thanh Tùng - Đại học Thủy lợi thì khái quát các thảm họa ven biển (bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng, xói lở, xâm nhập mặn) và giải pháp cho các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam như gia cố mặt bãi bằng, xây dựng hành lang an toàn bờ biển, đê chắn sóng, kè ngang, đảo nhân tạo bằng cát, phát triển hệ thống rừng gặp mặn, bảo vệ nguồn cát...

Hữu Mạnh

(Báo Xây dựng)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo