Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tin tức Sự kiện Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo “Báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam” và “Chiến lược phát triển đô thị quốc gia”

Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo “Báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam” và “Chiến lược phát triển đô thị quốc gia”

Viết email In

Ngày 25/6, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo “Báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025” và Dự thảo “Chiến lược phát triển đô thị quốc gia”.

Giải pháp cho các bất cập của quá trình đô thị hóa tại Việt Nam

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, các Hiệp hội, Hội, các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các chuyên gia trong, ngoài nước về quy hoạch và phát triển đô thị.


Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực phát triển đô thị.

Mở đầu Hội thảo, Cục phát triển đô thị thuộc Bộ Xây dựng đã trình bày Dự thảo tóm tắt Báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đô thị 2021 – 2030, kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.

Theo đó, cùng với quá trình CNH- HĐH đất nước, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam đang gia tăng, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Trong giai đoạn 2011 – 2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tạo cơ sở cho quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Tính đến tháng 12/2018, tổng số đô thị cả nước là 833 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%, cơ bản đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Quá trình đô thị hóa đã mang lại nhiều lợi ích, tạo ra nguồn lực phát triển KT-XH của đất nước. Trong đó, các nguồn thu tại đô thị góp khoảng 70% tổng thu ngân sách cả nước, tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 10 – 12%, cao gấp 1,2 – 1,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước.

Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, quá trình đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục, như: Hệ thống đô thị phát triển chưa tương xứng giữa số lượng, quy mô với chất lượng; Nhiều đồ án quy hoạch có tầm nhìn và giải pháp chưa phù hợp; Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của người dân; Năng lực quản lý chưa theo kịp với thực tế phát triển.

Về định hướng phát triển đô thị 2021 – 2030, Dự thảo Báo cáo đã đề xuất các quan điểm, đưa ra các mục tiêu như: Cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống thể chế, cơ chế chính sách, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; Cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng khung của các đô thị trung tâm cả nước, vùng đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực phục vụ và các công trình giao thông kết nối các đô thị; Phát triển đô thị theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bền vững nâng cao chất lượng sống, đảm bảo hệ thống đô thị là một trong những động lực chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, vùng và địa phương; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững... Trên cơ sở đó đưa ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu nêu trên.


Trưởng đoàn tư vấn Dự án xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia (CLPTĐTQG) của Ngân hàng phát triển châu Á.

Cũng trong thời gian diễn ra Hội thảo, Trưởng đoàn tư vấn Dự án xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia (CLPTĐTQG) của Ngân hàng phát triển châu Á đã trình bày Dự thảo CLPTĐTQG giai đoạn 2021 – 2030, bao gồm các nội dung: Cập nhật tiến độ xây dựng CLPTĐTQG; thực trạng quản lý và phát triển đô thị tại Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về CLPTĐTQG; Mục tiêu của CLPTĐTQG; Sự kết nối giữa báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa của Cục phát triển đô thị và CLPTĐTQG.

Trong đó, mục đích của CLPTĐTQG là tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và thúc đẩy sự phát triển cân bằng, bền vững môi trường, hài hòa với các hệ thống sinh thái tự nhiên đồng thời giải quyết vấn đề khí thải nhà kính cũng như khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển xã hội bao trùm. Chiến lược tập trung vào quy trình quy hoạch tích hợp, cải thiện công tác quản lý phát triển đô thị và tài chính đô thị, cung cấp hạ tầng và dịch vụ tích hợp.

Theo sự trình bày của Trưởng đoàn tư vấn, CLPTĐTQG có tổng cộng 6 chiến lược thành phần. Trong đó, 3 chiến lược trọng tâm là Tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế của hệ thống đô thị; Bảo vệ môi trường đô thị, xây dựng năng lực thích ứng và phát triển hạ tầng thích ứng; Nâng cao chất lượng và tính bao trùm của quá trình phát triển đô thị. 3 chiến lược thực hiện là Xây dựng chương trình và quy hoạch đô thị hợp tác, Khuyến khích huy động nguồn lực đô thị sáng tạo, đổi mới; Bồi dưỡng năng lực và nâng cao hiệu quả quản trị đô thị.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đề nghị các đại biểu và chuyên gia tập trung đóng góp ý kiến cho Hội thảo bằng cách nhìn thẳng vào các vấn đề còn tồn tại của quá trình đô thị hóa để chỉ ra những nguyên nhân chính.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh: “Các chuyên gia cần tập trung phân tích các vấn đề “nóng” nhất hiện nay trong phát triển đô thị ở Việt Nam, như: Phát triển hệ thống hạ tầng như giao thông, thoát nước, xử lý chất thải sinh hoạt, quản lý đất đô thị, sự quá tải dân số, năng lực quản lý đô thị hay sự chồng chéo của các văn bản pháp luật”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cũng nhắc đến các xu hướng phát triển đô thị mới trong thời gian gần đây như: Đô thị thông minh, đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng; đề nghị làm rõ các khái niệm về đô thị, tìm hiểu các tiêu chuẩn đô thị trên thế giới, tổ chức học tập kinh nghiệm của các nước phát triển.

Đóng góp ý kiến của các chuyên gia

Đánh giá về 2 bản Dự thảo, PGS.TS. Bùi Tất Thắng - nguyên Viên trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Nội dung các Dự thảo đã tập hợp đầy đủ các vấn đề phát triển đô thị cần giải quyết, sát thực tế và không né tránh”.

Tuy nhiên, PGS. TS. Bùi Tất Thắng cũng đóng góp một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo cần lưu ý như làm rõ các khái niệm về đô thị hóa và phát triển đô thị; bổ sung các căn cứ và số liệu làm cơ sở khoa học cho các đánh giá; phân tích sâu hơn về các điểm nghẽn trong phát triển đô thị như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hay đất đai đô thị.

Cũng tham gia đóng góp cho Dự thảo, TS. Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam đã đưa ra cách tiếp cận mới về phát triển đô thị cần tuân thủ quy luật thị trường và Nhà nước chỉ nên đóng vai trò dẫn dắt, “nắn dòng”.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư cho rằng: “2 Dự thảo Báo cáo cần bổ sung hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu định lượng để đánh giá”.

Về phía UN-Habitat Việt Nam, TS. Nguyễn Quang lưu ý Dự thảo cần được xây dựng trên các nguyên tắc về phát triển đô thị bền vững, kinh tế thị trường và lấy con người làm trung tâm, đồng thời nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc quản lý và phát triển đô thị.

Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp cụ thể của đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch đầu tư, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật.


Ông Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị đã cảm ơn các đại biểu, chuyên gia đã đóng góp ý kiến tại Hội thảo và khẳng định Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện 2 bản Dự thảo.

Trong thời gian tới, Cục Phát triển đô thị sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia thông qua trang Thông tin điện tử của Cục và qua các Hội nghị, Hội thảo sẽ được tổ chức trong thời gian tới.

Dịch Phong

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo