Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tin tức Thế giới Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20)

Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20)

Viết email In

Ngày 20/6, hơn 135 lãnh đạo nhà nước, chính phủ và khoảng 50.000 đại biểu là giám đốc doanh nghiệp và đại diện dân sự tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20) tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn” (The Future We Want), Rio+20 lần này tìm kiếm sự đồng thuận về nhiều vấn đề cho đến nay vẫn chưa đạt được, đặc biệt về các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, năm kết thúc tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

  • Ảnh bên: Người dân Brazil cầu nguyện cho một thế giới phát triển bền vững tại Rio de Janeiro trước khi diễn ra Hội nghị Rio+20. 

Bảo vệ ngư trường bền vững

Đây là hội nghị quan trọng đầu tiên của Liên hợp quốc (LHQ) có sự tham dự của đại diện các tổ chức xã hội dân sự từ các nước đang phát triển đông hơn từ các nước phát triển. Trong chương trình “4 ngày đối thoại” diễn ra từ 16 đến 19-6, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã kêu gọi Hội nghị Rio+20 ủng hộ hiệp ước mới bảo vệ đại dương của thế giới. NGO cho rằng Hội nghị Rio+20 có ảnh hưởng quan trọng đối với việc bảo vệ hiệu quả các đại dương chung và ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi có thể hủy hoại môi trường biển. NGO cũng hoan nghênh việc Brazil đưa đề mục bảo vệ đại dương vào một trong 4 ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự cuộc họp về phát triển bền vững và sẽ được đệ trình lên Hội nghị Rio+20.

Nhiều quốc gia đang phát triển mong muốn có một ngư trường bền vững để đảm bảo an ninh lương thực và tạo nhiều việc làm. Tại một hội nghị diễn ra trước thềm Hội nghị Rio+20, các thành viên của Liên minh vùng biển chung (high sea - vùng biển nằm ngoài lãnh hải của các nước) của thế giới và Hiệp hội Bảo tồn vùng nước sâu (IUCN) cho biết hiệp ước mới bảo vệ vùng biển chung sẽ góp phần làm thay đổi tương lai của các đại dương và hàng triệu sinh vật biển. Hiệp ước nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi phương thức quản lý vùng biển chung trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gien sinh vật biển, tránh khai thác quá mức nguồn hải sản và khoáng sản tại đây.

Làm thế nào để xác định nền kinh tế xanh?

Nhân loại nói chung đang sống và tiêu thụ các nguồn lực với mức độ nhiều gấp 5 lần sức cung của Trái đất. Trong khi đó, thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân đang phải sống trong thiên tai, đói nghèo, dịch bệnh… Theo người đứng đầu Chương trình Phát triển LHQ, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, thế giới sẽ đối mặt với sự hỗn loạn trừ khi hội nghị thượng đỉnh 3 ngày chí ít phải đặt được nền móng cho sự phát triển kinh tế xanh - giúp làm giảm đói nghèo nhưng phải bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Nhưng sự khác biệt giữa giàu và nghèo, giữa Đông và Tây về các chủ đề làm thế nào để xác định đâu là “nền kinh tế xanh” và bằng cách nào thiết lập các mục tiêu phát triển toàn cầu mới tiếp tục làm các nhà đàm phán đau đầu. Theo bà H. Clark, mặc dù các nhà lãnh đạo đều đồng ý là phát triển kinh tế để giúp người nghèo khổ nhất nhưng vấn đề then chốt phải đảm bảo không hủy hoại môi trường. Bà Clark cho rằng các nước giàu phải ngưng cuộc sống tiêu thụ như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào nhằm giúp cân bằng với các nước đang phát triển, tạo tiền đề phát triển bền vững.

Nền tảng của một tương lai phát triển bền vững thể hiện qua những tiêu chí hết sức nhân văn như cung cấp lương thực cho hàng triệu người nghèo đói, tạo việc làm ổn định cho người dân, giúp họ được tiếp cận nước sạch, được hít thở bầu không khí trong lành.

Theo chương trình của Hội nghị Rio+20, hội nghị nỗ lực đề xuất thiết lập bộ tiêu chuẩn chỉ số phát triển kinh tế mới “cạnh tranh” với chỉ số Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) nhưng kèm theo tiêu chuẩn “kinh tế xanh”, tiêu chuẩn tính đến mức độ tác động của nền kinh tế lên môi trường và xã hội. Bởi phát triển bền vững được xem là con đường duy nhất giúp nhân loại giải quyết những thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường mà hàng tỷ người đang phải đối mặt.

Hạnh Chi (tổng hợp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo