Cả thế giới đã ngạc nhiên khi giữa tháng 6 vừa qua, Quốc hội Nicaragua, một quốc gia Trung Mỹ, cho phép Công ty Đầu tư Phát triển Kênh đào Hồng Kông Nicaragua (HKND) của Trung Quốc nghiên cứu đầu tư xây dựng một kênh đào xuyên lãnh thổ, nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương.
Chi phí xây dựng vào khoảng 40 tỉ USD, gấp 4 lần GDP năm 2011 của Nicaragua. Ngoài kênh đào là công trình chính, sẽ có một số công trình phụ như tuyến xe lửa, đường ống dẫn dầu, sân bay. Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào năm 2015.
Nếu thành công, kênh đào này sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế đang phát triển của Nicaragua và dòng lưu chuyển hàng hải quốc tế, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với kênh đào Panama đang chiếm vị trí độc tôn trong khu vực. Theo Chính phủ Nicaragua, dự án có thể sẽ giúp nước này đạt mức tăng trưởng tới 15% vào năm 2015 và tạo được hàng chục ngàn việc làm.
Theo dự kiến, kênh đào này có chiều rộng và độ sâu lớn hơn kênh đào Panama, cho phép các tàu có trọng tàu lớn lên đến 250.000 tấn đi qua. Trong khi đó, kênh đào Panama, dù đang ở giai đoạn cuối của công đoạn cải tạo mới, cũng chỉ cho phép tàu có trọng tải tối đa 65.000 tấn đi qua.
Không chỉ có Nicaragua mà Trung Quốc cũng hưởng lợi lớn từ kênh đào này. Trung Quốc đang gia tăng trao đổi thương mại với khu vực Mỹ Latinh và kênh đào sẽ giúp nước này thuận tiện hơn trong vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ Nam Mỹ để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Cùng với kênh đào Panama, kênh đào mới sẽ giúp cho tuyến hàng hải kết nối từ Bắc Mỹ, khu vực Mỹ La tinh với châu Á phát triển hơn. Và châu Á, ngoài Trung Quốc, còn có Ấn độ, Nhật, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
“Chúng tôi tin rằng vào năm 2030, tổng giá trị hàng hóa được vận chuyển qua hai kênh đào Nicaragua và Panama sẽ vượt 1.400 tỉ USD, biến nơi đây trở thành một trong những tuyến đường thương mại lớn quan trọng nhất của thế giới”, báo cáo của HKND nhận xét.
(ảnh: Esteban Felix/AP)
Ngoài kinh tế, còn có một tác động lớn về chính trị. Đó là mối quan hệ giữa hai trục Mỹ - Panama và Trung Quốc - Nicaragua. Mỹ đang nắm giữ nhiều quyền lợi tại kênh đào Panama kể từ khi cùng Pháp xây dựng kênh đào này vào năm 1914. Sau khi xây dựng xong, người Mỹ đã giành quyền kiểm soát kênh đào Panama, cho đến cuối năm 1999, mới chuyển giao cho chính quyền Panama, nhưng việc đảm bảo an ninh cho kênh đào hiện vẫn do Mỹ và Panama cùng đảm nhận. Do đó, việc Trung Quốc bắt tay với Nicaragua có thể tạo một đối trọng với Mỹ tại khu vực này.
Trả lời tờ Financial Times, ông Wang Jing, Chủ tịch HKND, phủ nhận có mối liên hệ với Chính phủ Trung Quốc và nói dự án thuần túy chỉ là vì mục tiêu kinh doanh. Nhưng với quy mô quá lớn và vị thế quan trọng của kênh đào này, không ít người đã đặt nghi vấn về khả năng Chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau hỗ trợ.
Hiện vẫn còn quá sớm để nhận xét thêm về dự án này vì nó vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, đánh giá hiệu quả đầu tư. Đó là chưa kể đến việc dự án đang gặp nhiều thách thức. Thứ nhất là thách thức từ đối thủ tiềm năng ở phương Bắc. Bắc cực đang nóng lên từng ngày. Một khi nhiệt độ tại đây đủ nóng để băng tan đi và cho phép tàu thuyền đi qua, Bắc Băng Dương sẽ là tuyến hàng hải quan trọng mới, ảnh hưởng lớn đến vai trò của kênh đào Nicaragua.
Đó còn là thách thức về viễn cảnh tăng trưởng thương mại thế giới trong các thập kỷ tới. Nếu không tăng trưởng đúng như dự báo, kênh đào này có thể trở thành gánh nặng đối với một trong những nước nghèo nhất khu vực hiện nay
Sơn Thanh (tổng hợp)
- UIA: Singapore - nơi tổ chức hội nghị được ưa thích nhất
- Trung Quốc: Tòa nhà cao nhất thế giới bị dừng thi công
- Trung Quốc xây dựng tòa nhà Sky City cao nhất thế giới
- Detroit, "thành phố ô tô" của Mỹ xin phá sản
- Grand Front Osaka là công trình thu hút nhiều du khách nhất ở Nhật Bản
- Nâng cấp giao thông đô thị, tiết kiệm 70.000 tỷ USD
- Singapore nghiên cứu việc chống lũ lụt cục bộ ở đô thị
- Liên hiệp quốc: Thế giới chưa sẵn sàng đối phó đô thị hóa nhanh chóng
- Travel+Leisure: Bangkok là thành phố tốt nhất thế giới năm 2013
- Woodlands Xchange đạt chuẩn Cửa hàng sinh thái đầu tiên của Singapore