Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Tin tức Thế giới Detroit, "thành phố ô tô" của Mỹ xin phá sản

Detroit, "thành phố ô tô" của Mỹ xin phá sản

Viết email In

Detroit vừa trở thành thành phố lớn nhất ở Mỹ đâm đơn xin phá sản, với khoản nợ lên tới ít nhất 18 tỷ USD. Vùng đất từng là biểu tượng sức mạnh công nghiệp Mỹ, đã rơi xuống đáy cũng nhanh như khi nó mới phất lên. 

Việc đâm đơn xin phá sản đã đánh dấu một bước thụt lùi mới cho Detroit, nơi được mệnh danh là "Thành phố Ô tô", cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ và từng là thành phố đông dân thứ tư nước Mỹ.  


Từng là cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, nhưng nay nhiều khu vực ở Detroit trông chẳng khác gì vùng đất hoang 

 

Không còn lối thoát 

Các quan chức thành phố đã xác nhận việc đâm đơn xin phá sản vào chiều ngày 18/7 (19/7 giờ VN), sau khi tin tức bắt đầu rò rỉ trên mặt báo. Như vậy, Detroit là thành phốlớn nhất của Mỹ từng đâm đơn xin phá sản. 

Không ai rõ Detroit hiện đang nợ bao nhiêu tiền. Nhưng Kevyn D. Orr, quan chức được chính quyền bang Michigan bổ nhiệm để quản lý khẩn cấp tình hình ở Detroit, đã ước tính số nợ vào khoảng 18-20 tỷ USD. Như vậy đây cũng là vụ phá sản quy mô lớn chưa từng có của một chính quyền địa phương ở Mỹ. 

“Đây là bước đi khó khăn, nhưng là giải pháp duy nhất khả thi để xử lí một vấn đề đã hình thành trong 6 thập kỷ qua" - Thống đốc Michigan Rick Snyder, người cho phép thành phố phá sản sau khi nhận được kiến nghị từ Orr, nói với báo giới - "Rõ ràng rằng tình trạng tài chính khẩn cấp ở Detroit không thể được giải quyết thành công bên ngoài đơn xin bảo vệ phá sản và đây là lựa chọn hợp lý duy nhất còn lại. Các công dân Detroit cần và xứng đáng có một con đường sạch sẽ để tiến ra khỏi vòng xoáy suy giảm dịch vụ đang tăng lên. Lối đi khả dĩ duy nhất tới một Detroit ổn định và bền vững là xin bảo vệ phá sản".  
 

Rơi khỏi hào quang 

Với Detroit, việc đâm đơn xin phá sản đã một lần nữa nhắc cho người ta nhớ lại quá trình đi lên và rơi xuống của thành phố. Detroit từng mở rộng với tốc độ chóng mặt trong nửa đầu thế kỷ 20, khi ngành công nghiệp xe hơi đổ bộ đến đây. Nhưng rồi trong mấy thập kỷ gần đây, thành phố cũng xuống dốc với tốc độ chóng mặt như vậy, chủ yếu vì sự suy giảm của ngành công nghiệp xe hơi. Nhiều hãng xe đã chuyển nhà máy khỏi Detroit tới các thành phố khác hoặc ngưng hoạt động. Vào thời điểm cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ xảy ra vào năm 2009, chỉ vài nhà máy của GM và Chrysler còn sót lại. 

Thành phố đã chứng kiến sự sụt giảm tới một nửa quy mô dân số, từ mức khoảng 2 triệu người trong năm 1950 xuống còn chưa đầy 700.000 người hiện nay. Mấy năm gần đây, Detroit đã chìm trong nhiều vấn đề như tham nhũng và đặc biệt là tội phạm. 

Thành phố chật vật tìm cách quản lý các con phố, trong bối cảnh người dân thi nhau trốn khỏi nó để tới sống ở những nơi khác. Tỷ lệ giết người ở nơi đây đã đạt mức cao nhất trong gần 40 năm qua, với 2.371 vụ phạm tội nghiêm trọng/100.000 dân. Chỉ 1/3 số xe cứu thương của thành phố còn làm việc. Xe cảnh sát và xe cứu hỏa đều ở trong tình trạng rất tồi. Dịch vụ công kém khiến cho ngày càng đông người rời khỏi Detroit. Hiện nay thành phố có 78.000 tòa nhà bỏ hoang không người ở. 40% những ngọn đèn đường ở đây cũng không còn hoạt động nữa. 


Khung cảnh hoang tàn xuất hiện ở nhiều nơi, khi cư dân thi nhau bỏ đi 

Ông Orr, người là một chuyên gia về phá sản và từng giúp giải cứu công ty xe hơi Chrysler, đã công bố một kế hoạch hồi tháng 6 vừa qua để tái cấu trúc khoản nợ của Detroit. Nhưng ông cảnh báo sẽ buộc phải đâm đơn phá sản nếu việc thương thuyết với các chủ nợ, bao gồm cả những người nhận lương hưu của thành phố, không thành công.

Kế hoạch này kêu gọi những người hưu trí của thành phố phải nhận lương hưu thấp hơn 10% bình thường. Nhưng đầu tuần này, hai quỹ lương hưu của thành phố đã kiện Orr trong nỗ lực chặn đứng việc giảm lương. Một tập đoàn bảo hiểm của thành phố cũng đe dọa khởi kiện ông.

Được biết phát ngôn viên của Orr đã nói với tờ Detroit Free Press không lâu trước khi ông kiến nghị xin bảo vệ phá sản: "Các ban điều hành quỹ lương hưu, các nhà bảo hiểm, khi các vị khởi kiện chúng tôi, câu trả lời “không”(với đề xuất giảm lương) đã trở nên rất rõ". 
 

Washington sẽ theo dõi sát sao

Detroit đã đâm đơn phá sản ngay khi công ty xếp hạng tín dụng Moody vừa thay đổi dự báo viễn cảnh kinh tế Mỹ từ "tiêu cực" sang "ổn định". Theo các chuyên gia, vấn đề của Detroit hiện không đơn thuần là hình ảnh. Việc đâm đơn phá sản hiển nhiên sẽ khiến thành phố mất điểm nặng trong các nhà cho vay. Nhưng từ trước đó, Detroit đã là một biểu tượng về sự thất bại.

Việc không thể tìm được nguồn vốn vay để hoạt động tiếp cũng không phải là chuyện gây đau đầu nhất. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ tình trạng phá sản và các khoản nợ sẽ phải mất vài năm mới xử lý xong, trong khi thành phố đang cần các liều thuốc khẩn cấp. 

Trong một cuộc họp báo hôm 19/7, Orr nói rằng xin phá sản là bước đi đầu tiên tiến tới việc khôi phục thành phố. Đây cũng là điều mà Thị trưởng Detroit Dave Bing đồng tình. Ông cam kết tiền lương của các công chức chính quyền sẽ được trả đủ và dịch vụ công sẽ tiếp tục hoạt động.

Nhưng Ed McNeil, nhà thương thuyết chính đại diện liên minh 33 công đoàn, nói với Reuters rằng việc chính quyền đâm đơn bảo hộ phá sản chỉ để hất cẳng các công đoàn ra khỏi khung cảnh chung. "Tôi đã nói từ lâu nay rằng đây là một cuộc chiếm đoạt quyền lực" - ông nói - "Chuyện đâm đơn xin phá sản này không liên quan tới việc sửa chữa tình trạng tài chính của thành phố. Đây nằm trong kế hoạch của Thống đốc nhằm tiếm quyền kiểm soát Detroit."

Nhà Trắng đã vào cuộc khi nói rằng sẽ theo dõi sát sao tình hình ở Detroit. "Trong khi lãnh đạo chính quyền Michigan và các chủ nợ của thành phố hiểu rằng họ phải tìm một giải pháp cho các thách thức tài chính nghiêm trọng của Detroit, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục sự hợp tác mạnh với Detroit khi nơi đây nỗ lực hồi phục, hồi sinh và lấy lại vị thế một trong những thành phố vĩ đại nhất của Mỹ " - phát ngôn viên Nhà Trắng Amy Brundage nói. 

Tường Linh 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo