Chiều 15/3, tại Cơ quan chính sách khoa học liên bang của Bỉ (BELSPO) ở Brussels, đã diễn ra cuộc hội thảo báo cáo kết quả dự án hợp tác nghiên cứu giữa Bỉ và Việt Nam về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hoang mạc hóa đối với môi trường, dựa trên những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của tỉnh Bình Thuận.
Dự án "Thích ứng với biến đổi môi trường: Ảnh hưởng của hoang mạc hóa và biến đổi khí hậu đến môi trường của Bình Thuận" đã được thực hiện trong hai năm 2010-2011, dưới sự tài trợ của Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và BELSPO.
Các cơ quan tham gia dự án về phía Việt Nam có Viện Địa lý - cơ quan chủ trì dự án, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn, Trung tâm hợp tác quốc gia và các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận.
Phía Bỉ có VITO-cơ quan chủ trì, BELSPO và trường Đại học Liege. Mục tiêu cuối cùng của dự án là nhằm gắn kết các kết quả nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu với các giải pháp, chính sách nhằm thích ứng và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với một vùng trọng điểm của Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Phạm Quang Vinh, chủ đề tài nghiên cứu phía Việt Nam, đã giới thiệu về kết quả của dự án. Ông nhấn mạnh dự án đã nghiên cứu ảnh hưởng cả về kinh tế, xã hội đồng thời đánh giá tác động của tình trạng hoang mạc hóa và biến đổi khí hậu đối với nguồn nước, môi trường đất và hệ sinh vật của tỉnh Bình Thuận.
Ông cũng nhấn mạnh những lý do mang tính địa chất và địa lý khiến tỉnh Bình Thuận được chọn làm trọng tâm nghiên cứu của dự án. Đây là tỉnh nằm ở phía Nam và giáp biển nhưng lại có diện tích đất bị hoang hóa khá lớn, với một dải cát lớn ven biển, lượng mưa hàng năm thấp...
Trong khi Bình Thuận là một tỉnh chủ yếu làm nông nghiệp với các vụ mùa trồng lúa, ngô…, song diện tích đất nông nghiệp tại đây đang ngày càng bị thu hẹp do tác động của hoang mạc hóa.
Theo ông, những kết quả chính của dự án là xây dựng thành công các kịch bản biến đổi khí hậu cho tỉnh Bình Thuận, đánh giá được tác động của hoang mạc hóa và biến đổi khí hậu đối môi trường của tỉnh, và tạo được một cơ sở dữ liệu về tác động của biến đổi môi trường đối với một tỉnh có những đặc điểm điển hình của một vùng trọng điểm của Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các giáo sư của Bỉ và những người quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là một số nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập nghiên cứu tại Bỉ trong các ngành có liên quan.
Bên cạnh việc hội thảo được tổ chức để hai bên bàn giao kết quả nghiên cứu của dự án, đây còn là cơ hội để các nhà khoa học Bỉ và Việt Nam giao lưu, trao đổi kinh nghiệm./.
Thái Vân
- Hệ thống cấp nước TPHCM đối mặt nhiều thách thức
- Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp lần 9: phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam
- Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản phát triển dự án đô thị sinh thái
- TP.HCM: Duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch quận 3 đến năm 2020
- Chương trình đào tạo "Thiết kế và tổ chức không gian công cộng"
- Đà Nẵng triển khai mô hình "Thành phố hàm lượng carbon thấp"
- Xây dựng các khuyến nghị cho quy hoạch sử dụng đất TP.HCM
- Hà Nội ban hành khung giá tính trước bạ nhà đất
- Cho phép thuê tư vấn nước ngoài tham gia lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt
- Duyệt quy hoạch phát triển tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh