Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tin tức Việt Nam Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp lần 9: phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam

Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp lần 9: phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam

Viết email In

Trong bối cảnh bùng nổ đô thị hoá, việc quản lý, phát triển các vùng ven ngoại thành có ý nghĩa quyết định để việc quy hoạch, xây dựng các đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững.

Đây là nội dung chính của Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp lần thứ 9 với chủ đề “Phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam” diễn ra trong hai ngày 19-20/3 tại Hà Nội.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức.  

Tại Việt Nam, quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng. Các vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như dân số tăng nhanh trong khi khả năng đáp ứng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội đô thị, mạng lưới giao thông chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu, lãng phí việc sử dụng đất, đô thị hóa làm giảm đi diện tích đất nông nghiệp ở các vùng ven đô, mất dần các làng nghề truyền thống, nảy sinh các vấn đề về chênh lệch chất lượng sống giữa người dân ở nội thị và ngoại thị.

Vì vậy, với những kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực này, Việt Nam hy vọng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách quản lý, phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam.

Diễn đàn lần này có 15 báo cáo chuyên đề được trình bày tập trung vào các nhóm vấn đề, như chuyển đổi nghề cho nông dân ở vùng đô thị hóa, tiềm năng làng nghề thủ công ven đô Hà Nội, quản lý đất đai ở vùng đô thị hóa, tác động của quá trình đô thị hóa với đời sống kinh tế, xã hội của người dân, các giải pháp và công cụ tài chính hỗ trợ, giao thông tại Hà Nội.

Hiện nay, Việt Nam có 755 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất ở Đông Nam Á. Nếu năm 1986, tỷ lệ dân cư sống tại đô thị Việt Nam mới là 19% (khoảng 11,8 triệu người) thì đến năm 2010 đã tăng lên 30,5% (khoảng 26,3 triệu người).

Trong ngày đầu của Diễn đàn, các tham luận tập trung đề cập tới những thách thức, các rủi ro và cơ hội của quá trình đô thị hoá tại các khu vực ven đô. Nhiều ý kiến đã nêu ra các khía cạnh về mặt con người và xã hội của quá trình đô thị hoá vùng ven cũng như hiện trạng của nền nông nghiệp, công nghiệp và thủ công.

Ngày làm việc thứ hai, các đại biểu thảo luận về các công cụ phục vụ công tác quản lý đất đai và quy hoạch đô thị. Phía các chuyên gia Pháp nêu một số kinh nghiệm, mô hình của Pháp trong xây dựng các khu công nghiệp, làng nghề, bình luận về tiềm năng phát triển các làng nghề, quy hoạch các đô thị mới ở Việt Nam.

Nguyên Linh (Chinhphu.VN)

 

Quy hoạch đô thị: Đừng nên chỉ nhìn vài chục năm

Theo ông Jacob Christian, Chủ tịch nhóm nắm đa số tại Quốc hội Pháp, đồng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp, chính sách quy hoạch hiện thường chỉ nhìn ở tầm ngắn hạn. Chính việc này đã dẫn tới tình trạng không biết sai lầm sẽ xảy ra ở đâu và nhiều quy hoạch phải sửa đi sửa lại.

Trao đổi bên lề diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp lần thứ 9 vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Jacob Christian đã thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm khác của Pháp trong công tác quy hoạch đô thị.

Sau 2 ngày làm việc, diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp đã thu được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Jacob Christian (ảnh bên): - Để có được diễn đàn lần này, chúng tôi đã làm việc khá rất vả trong 1 năm trước đó. Nhiều vấn đề đa dạng đã được đưa ra bàn luận tại diễn đàn lần này như vấn để quản lý đất đai, việc tác động của xu hướng đô thị hóa tới lối sống, truyền thống của người dân hay việc người nông dân sẽ ra sao khi nghề nông bị ảnh hưởng.

Một vài vấn đề khác cũng đã được nói tới như quy hoạch phân vùng hay việc đảm bảo giao thông giữa đô thị và vùng vành đai. Chúng tôi rất mừng vì diễn đàn đã được tổ chức thành công.

Có thực tế ở Việt Nam là nhiều quy hoạch sau khi được quyết định thường phải sửa đổi khá nhiều lần, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Thường thì hiện nay các chính sách quy hoạch thường chỉ nhìn ở tầm ngắn hạn. Viêc này có thể xảy ra ở nhiều thành phố khác, không chỉ ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tôi, chúng ta không nên thực hiện công tác quy hoạch với tầm nhìn vài chục năm mà phải dài hơn rất nhiều. Rõ ràng, nếu chỉ nhìn ngắn hạn thì không thể biết sai lầm xảy ra ở đâu.

Ví dụ như việc phân vùng, nếu chỉ nhìn vài chục năm thì khó biết được nơi nào phù hợp để xây dựng bệnh viện, nông nghiệp, hay trường học.

Ngoài ra, việc có kế hoạch dài hạn cũng là cách để thu hút nhà đầu tư, để họ cũng tổ chức việc đầu tư của mình.  

Mặc dù đã áp dụng khá nhiều biện pháp nhưng rõ ràng ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán khó giải, theo ông, vấn đề quy hoạch cần quan tâm điều gì để giải quyết vấn đề này?

- Lợi ích của việc phân vùng là có thể đưa tầm nhìn trước cho vùng chưa được đô thị hoá. Viêc này định hướng trước được mỗi vùng để làm gì, như nông nghiệp, công nghiệp...

Việc tổ chức đi lại trong thành phố từ đó có thể tính toán làm sao cho phù hợp. Các phương tiện giao thông như tàu hỏa, xe buýt, cũng phải tính tới bãi đỗ, như thế mới bảm đảm sự đi lại.

Thực tế, việc quy hoạch một số thành phố ở Pháp cũng gặp nhiều khó khăn. Việc phối kết hợp giữa các cơ quan ban ngành phải được thực hiện ở mức cao nhất. Với giao thông, nếu không có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, rất khó để giải bài toán này. Nếu chỉ có sự ra tay của các cơ quan Trung ương thì rõ ràng không thể thể đảm bảo hiệu quả.

Một vấn đề nóng đang được nhắc tới khi quy hoạch trong quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh là việc thu hồi và đền bù đất cho người dân, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Đây đúng là chủ đề đã được đề cập nhiều. Theo tôi, điều quan trọng là chọn được hệ thống đền bù minh bạch nhất với cơ cấu đơn giản, độc lập và đúng giá đất.

Chúng ta phải thỏa thuận chứ không phải cứ thế lấy đất. Lý tưởng nhất là làm sao chuyển đổi đất nông nghiệp một cách tự nguyện. Song song với việc đền bù đất cho nông dân, chúng ta cũng cần xây dựng thêm những công trình công ích để phục vụ lợi ích chung. Việc lấy đất nông nghiệp thậm chí có thể không cần là mục đích chính, nhiều nước vẫn duy trì được hoạt động nông nghiệp trong các vùng đô thị hóa. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có cơ chế để đảm bảo sự tự nguyện của người dân.

Xin cảm ơn ông.

Xuân Dũng (Vietnam+)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo