Ngày 22/3, Bộ Xây dựng phối hợp với Diễn đàn Đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn quốc tế về dự thảo Luật đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định: Những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế- xã hội, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng, lớn mạnh về cả số lượng, quy mô và chất lượng. Diện mạo đô thị khang trang hơn. Điều kiện về hạ tầng , môi trường, chỗ ở… ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu sống và ở của người dân đô thị. Hiện tại, Việt Nam có hơn 760 đô thị từ loại V trở lên, tỷ lệ đô thị hóa đạt 31%. Dự báo, trong 10 năm tới tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 45%. Khu vực đô thị đã và đang khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế xã hội. Mỗi đô thị là hạt nhân trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, vùng và khu vực…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những hạn chế của hệ thống đô thị Việt Nam. Theo đó, công tác quy hoạch đô thị đã được quan tâm nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu phát triển, chất lượng của quy hoạch còn thấp. Các quy hoạch còn thiếu nhiều, nhất là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn nhiều bất cập. Kết nối hạ tầng kỹ thuật nói chung, hạ tầng giao thông còn yếu. Các công trình hạ tầng xã hội, dịch vụ đô thị còn thiếu. Vấn đề ô nhiễm môi trường, úng ngập trong đô thị ngày càng trở lên bức xúc. Việc phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu dù đã được nghiên cứu nhưng chưa có những bước đi, tiến trình cụ thể nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị Việt Nam.
Những vấn đề nêu trên nếu không được khắc phục sẽ cản trở quá trình phát triển chung của đất nước, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, tiết kiệm nguồn lực cho phát triển đô thị…
Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, Bộ trưởng cho rằng có những nguyên nhân từ hệ thống pháp luật. Những năm qua, Việt Nam quan tâm xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng nói chung, đầu tư phát triển đô thị nói riêng tuy nhiên vẫn còn thiếu, không đồng bộ, thậm chí chồng chéo, chưa đủ để điều tiết các hoạt động của đô thị. Các văn bản pháp luật chưa mang tính hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định: Một trong những nhân tố bảo đảm phát triển đô thị bền vững là cần tập trung xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật về đô thị. Để hệ thống đô thị thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cần phải thiết lập lại trật tự trong quản lý đô thị, trong đó có hệ thống pháp luật. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng Luật Đô thị điều chỉnh các mối quan hệ, các đối tượng liên quan phát triển đô thị, bảo đảm phát triển bền vững.
Tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Đỗ Viết Chiến giới thiệu những nội dung của dự thảo luật. Chuyên gia đến từ Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh cũng đã giới thiệu kinh nghiệm quản lý đô thị và Luật quy hoạch và phát triển đô thị của các nước… Những kinh nghiệm của các nước quốc gia đi trước sẽ giúp Bộ Xây dựng có thêm tư liệu quan trọng trong quá trình soạn thảo Luật Đô thị.
Vũ Tâm
- Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội
- Quy hoạch hệ thống năng lượng huyện Phú Quốc
- Báo động chất lượng của các công trình giao thông
- Shimizu (Nhật Bản) hợp tác với N&G Corp xây Khu công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội
- TPHCM: Đa dạng hóa quy mô bãi đậu xe ô tô
- “Đụng chạm” đất lúa, phải được Thủ tướng đồng ý
- Hệ thống cấp nước TPHCM đối mặt nhiều thách thức
- Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp lần 9: phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam
- Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản phát triển dự án đô thị sinh thái
- TP.HCM: Duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch quận 3 đến năm 2020