Ashui.com

Sunday
Dec 29th
Home Tương tác Điểm đến Phúc Châu: Viên ngọc phương nam của Trung Quốc

Phúc Châu: Viên ngọc phương nam của Trung Quốc

Viết email In

Phúc Châu (Trung Quốc) dần trở thành điểm đến quen thuộc với du khách nhờ lịch sử lâu đời và nền văn hóa ẩm thực đặc sắc.

Phúc Châu là thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, nằm ở phía đông nam Trung Quốc. Vùng đất này từng là kinh đô của vương quốc Min Yue tồn tại cách ngày nay 5.000 năm. Phúc Châu trở thành đô thị dưới triều đại nhà Hán (từ 206 TCN đến 220 SCN) với tên gọi Houguan vào thế kỷ 2 TCN. Đến năm 725, thành phố bên sông Mân đổi tên thành Phúc Châu nhờ đạt đến sự thịnh vượng trong thời nhà Đường (618-907). Phúc Châu còn được mệnh danh "Thành phố của những cây đa". Hiện nay, có khoảng một nghìn cây đa sum suê từ thời Bắc Tống (960-1127) vẫn đang tỏa bóng mát trên những con đường tại Phúc Châu.


(Ảnh: gushichiku)

Với vị trí gần biển Hoa Đông, Phúc Châu trở thành trung tâm văn hóa, thương mại quan trọng của Trung Quốc với Philippines và vương quốc Lưu Cầu (Ryukyu) dưới thời nhà Minh (1368-1644), hay cảng giao thương với Tây phương sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1839-1842). Phúc Châu là nơi khởi hành của nhà thám hiểm Trịnh Hòa, người chỉ huy các chuyến đi "Tam Bảo Thái giám hạ tây dương" qua khu vực Đông Nam Á để đến châu Phi đầu thế kỷ 15. Đặc biệt, Marco Polo từng ghé thăm "thành phố của những cây đa" trong chuyến du hành của ông đến phương Đông.


(Ảnh: China Daily)


(Ảnh: Chinaopenfuzhou)

Sanfang Qixiang (ba làn bảy ngõ), khu dân cư lịch sử ở trung tâm thành phố hình thành từ thời nhà Đường, là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Phúc Châu. Tên gọi Sanfang Qixiang bắt nguồn từ phố Nanhou có ba con đường lớn ở phía tây và bảy con hẻm nhỏ ở phía đông, với 268 dinh thự cổ theo phong cách kiến trúc Phúc Châu đặc trưng. Đây từng là nơi sinh sống của hơn 400 nhân vật giàu có, nổi tiếng và quyền lực như học giả Nghiêm Phục, nhà văn Băng Tâm, vị quan nhà Thanh Lâm Tắc Từ... nên được gọi là "Beverly Hills của Trung Quốc". Khu phố độc đáo này như một bảo tàng văn hóa ngoài trời nên tại Phúc Châu còn lưu truyền câu nói "Sanfang Qixiang bằng một nửa lịch sử hiện đại của Trung Quốc".

Công viên Tây Hồ của Phúc Châu có lịch sử hơn 1.700 năm, là một trong 2 hồ nhân tạo được xây dựng vào thời Tây Tấn. Đây là điểm đến yêu thích của nhà thơ, họa sĩ dưới thời nhà Đường và được mệnh danh "viên ngọc sáng của khu vườn Phúc Châu". Hiện tại, khu vực hồ rộng 42 ha là một trong những vườn cổ điển được bảo tồn nguyên vẹn nhất tại thành phố bên sông Mân.


Công viên Tây Hồ (Ảnh: Dreamstime)


Chùa Xichan (Ảnh: 123rf)

Xichan là một trong 5 ngôi chùa lớn ở Phúc Châu, được xây dựng vào năm 581, sau đó được tôn tạo dưới thời nhà Đường. Công trình có diện tích khoảng 7,7 ha, bao gồm 36 hạng mục với các điểm tham quan như sảnh chính sáu tầng có 600 bức tượng La Hán, đại sảnh của Đức Phật và sảnh của những vị thần. Trong đó, sảnh chính là tòa nhà tráng lệ được trang trí những họa tiết, hoa văn tinh xảo. Phía dưới tòa nhà này là lối nhỏ dẫn đến hồ nước để du khách nghỉ chân và thưởng ngoạn cảnh sắc xung quanh. 2 tượng Phật làm bằng ngọc bích và được mang về từ Myanmar trong Điện Phật Ngọc thu hút nhiều khách du lịch khi đến Xichan.

Ba ngọn núi Yushan, Wushan và Gushan tọa lạc tại khu vực trung tâm, tạo thành điểm nhấn độc đáo cho thành phố Phúc Châu. Gushan (hay núi Trống) cao 925 m, cách thành phố khoảng 8 km về phía đông là sự lựa chọn tuyệt vời cho những du khách thích leo núi. Tại đây, có khoảng 100 thắng cảnh, di tích nổi tiếng như đền Yongquan thời nhà Đường, Hualin - tòa nhà bằng gỗ lâu đời nhất miền nam Trung Quốc... Ngoài ra, Phúc Châu còn có nhiều địa điểm hấp dẫn khác như công viên quốc gia Phúc Châu, nhà thờ Saint Dominic hay bảo tàng tỉnh Phúc Kiến.


(Ảnh: tripchinaguide)


(Ảnh: Alamy) 

Phúc Kiến là một trong những địa phương có nền văn hóa đa dạng nhất Trung Quốc. Do vậy, khi đến Phúc Châu du khách được trải nghiệm ẩm thực, phương ngữ của nhiều tộc người khác nhau. Tại "thành phố của những cây đa", du khách có thể mua đồ thủ công mỹ nghệ ở phố Nanhou làm quà lưu niệm như chạm khắc nút chai, tranh sơn mài, lược sừng trâu hay ô giấy, được gọi là "báu vật của Phúc Châu". Phúc Châu còn nổi tiếng với đá quý pagodite được giới thiệu và trưng bày tại bảo tàng đá Shoushan Trung Quốc.


(Ảnh: Sohu)

Ngày nay, Phúc Châu đang trở thành trung tâm công nghiệp, công nghệ cao sau những chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc cuối thập niên 1970. Nhờ đó, thành phố bên sông Mân không chỉ thu hút khách du lịch nhờ lịch sử và văn hóa lâu đời, mà còn gây ấn tượng với những công trình mang hơi thở hiện đại như công viên Minjiang, quảng trường Wuyi, quán bar Lili Marleen...

Hiểu Phong

(Zing.vn)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...