Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Điểm đến Salzburg: Pháo đài muối & tiếng tơ đồng

Salzburg: Pháo đài muối & tiếng tơ đồng

Viết email In

Nếu bạn từng yêu thích bộ phim kinh điển Giai điệu hạnh phúc (Sound of music) thì có lẽ trước cả khi đặt chân đến đây, Salzburg đã ở sẵn trong tâm trí bạn. Mặc dù bộ phim được thực hiện từ năm 1965, Salzburg hiện tại không khác nhiều với bối cảnh trong phim.


Một góc nhìn Salzburg

 
Salzburg là thành phố ở miền trung bắc nước Áo, nằm trên lưu vực sông Salzach gần phía bắc chân núi Alps nơi chia đường biên giới với Đức. Pháo đài Trung cổ Festung Hohensalzburg trên đỉnh đồi, những tháp nhọn và mái vòm cong Baroque của các nhà thờ vươn lên cao, xung quanh là những mái nhà ngói xám xen lẫn những quảng trường rộng rãi. Đô thị có tỷ lệ nhà cửa thoáng đãng sơn màu sáng trung tính thanh nhã bao quanh bởi trập trùng những đồi cây vàng sắc thu ngập tràn. Sắc thu phản chiếu vào cửa kính xe hơi và cửa kính của các cửa hàng, cửa hiệu. Là nơi sinh trưởng của nhạc sĩ thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart, Salzburg tràn đầy không khí nghệ thuật hàn lâm lịch lãm.

Các di tích khảo cổ cho thấy Salzburg từng có người định cư từ thời đồ đá mới. Khu vực hiện tại của Salzburg nằm ở hướng tây bắc vương quốc Noricum của người Celt, nơi về sau bị chinh phục bởi hoàng đế La Mã Claudius vào năm 15 trước Công nguyên. Dưới thời đế chế La Mã, Salzburg có tên gọi Juvavum, củng cố vị trí phòng thủ nhờ các pháo đài tự nhiên là dòng sông Salzach và ngọn núi Mönchsberg ở phía tây. Sự mở rộng của thành phố có lẽ nhờ vị trí giao lộ của các tuyến đường quan trọng và thương mại dựa trên khai thác các mỏ muối. Sự sụp đổ của đế quốc Tây La Mã vào năm 488 thuộc Công nguyên trùng với thời kỳ chiếm đóng của người Bavarians kéo dài suốt 3 thế kỷ sau đó. Tên gọi hiện giờ của thành phố được cho là liên quan tới những mỏ muối địa phương có từ xa xưa.

 
Pháo đài trung cổ Festung Hohensalzburg trên đỉnh đồi
 
Phong cách kiến trúc và nội thất Baroque đóng vai trò phụng sự nhiệt thành cho phong trào cải cách Công giáo, phản ứng lại với cuộc cải cách Tin Lành. Kiến trúc Baroque đem đến cho các nhà thờ Công giáo một diện mạo lộng lẫy sinh động trái ngược với sự đơn sơ của các nhà thờ Tin Lành theo phong trào kháng cách của Martin Luther đang lan rộng khắp bắc Âu. Đồng thời, diện mạo lộng lẫy này cũng hấp dẫn và khích lệ các giáo dân nghèo ở tầng lớp lao động đến với nhà thờ, nơi họ được tiếp cận vẻ đẹp xa hoa mà họ không có cơ hội thưởng thức trong đời sống hàng ngày.

Nhà thờ chánh tòa Salzburg (Salzburg Cathedral, tiếng Đức: Salzburger Dom) là ví dụ tiêu biểu cho kiến trúc Baroque thế kỷ 17. Công trình tôn giáo phụng sự thánh Rupert, được xem là trái tim của Salzburg, cũng là nơi rửa tội của Mozart. Nhà thờ từng bị thiêu hủy nhiều lần vì hỏa hoạn, sau đó được xây lại và mở rộng. Phiên bản đầu tiên được xây vào năm 767. Sau trận hỏa hoạn năm 1167, nhà thờ được xây dựng lại, hoàn thành chỉ trong vòng 10 năm và lộng lẫy hơn trước rất nhiều. Một trận hỏa hoạn khác năm 1598 tàn phá phần lớn công trình và giám mục Wolf Dietrich nhận trách nhiệm tái xây dựng nhà thờ trên tàn tích cũ. Tuy nhiên chỉ sau khi Wolf Dietrich bị cầm tù và qua đời, người kế nhiệm ông, Markus Sittikus mới có thể hoàn thành dự án. Đến năm 1944, mái vòm và một phần nhà thờ lần nữa bị tàn phá bởi bom. Việc trùng tu nhà thờ hoàn thiện vào năm 1959 với sức chứa khoảng 900 người cầu nguyện. Phần lớn cấu trúc nhà thờ làm từ đá xám với mặt tiền bằng đá cẩm thạch Untersberg sáng màu trang trí cầu kỳ, hai bên là hai tháp cao cùng phần đầu hồi uốn cong. Ba cánh cửa mặt tiền tượng trưng cho đức tin, tình yêu và hy vọng. Phía sau mặt tiền, những bức tường cao 81 mét tạo thành một sân trong khép kín dài 101 mét, rộng 69 mét. Bên trong nội thất, đặc điểm của kiến trúc Baroque thể hiện rõ nhất ở hành lang gian giữa, cung thánh và khu vực hợp xướng. Nhà thờ có 7 quả chuông lớn nhỏ, mỗi quả chuông đều được đặt tên, Salvator là quả chuông lớn nhất, Barbara là quả chuông nhỏ nhất. Người ta nói rằng có hai cây đàn organ ở hai đầu nhà thờ, vì diện tích không gian quá lớn mà âm thanh mất đến 7 giây để đi từ bên này đến bên kia. Người ta phải đặt gương ở mỗi cây organ để các nhạc công có thể nhìn thấy nhau. Kiến trúc Trung cổ còn sót lại, thêm vào đó rất nhiều tòa nhà bị hư hỏng hoặc bị thiêu hủy hoàn toàn bởi trận hỏa hoạn năm 1818.

Ngày nay, những công trình tráng lệ nhất ở Salzburg đa số là các lâu đài giám mục và các nhà thờ mang ảnh hưởng từ phong cách Phục Hưng và Baroque Ý. Vì đều này mà Salzburg được gọi là “German Rome”. 

Từ thế kỷ 14 đến 16, cùng với sự thịnh vượng của mình, Florence nổi lên như một trung tâm nghệ thuật, cái nôi của nghệ thuật Phục Hưng và lan tỏa thành tựu của mình ra khắp châu Âu. So với các hình thức tương đối đơn giản thời Trung cổ, nghệ thuật Phục Hưng vươn đến sự tinh vi, công phu trong tạo hình và trang trí, nhấn mạnh sự hài hòa và đạt được một tỷ lệ cân bằng tuyệt bích trong khi đặt con người vào trung tâm của sáng tạo. Kết quả này đến từ xu hướng tìm về tinh hoa văn hóa cổ đại Hy Lạp - La Mã và những tiến bộ tư tưởng lẫn kỹ thuật đương thời. Tiếp nối dòng chảy, phong cách Baroque thêm vào đó sự cầu kỳ xa hoa với nhiều mô tuýp trang trí phức tạp mượn hình dáng tự nhiên của hoa lá, vỏ sò… được chạm khắc ba chiều. Những hình dáng đơn giản của tường và trần được biến đổi phức tạp hơn. Các đường cong, hình ô-van và ê-líp được ưa thích hơn hình vuông, tròn, chữ nhật. Như đã nói, hoàng tử - giám mục Wolf Dietrich von Raitenau đã mang những ảnh hưởng này đến Salzburg, giờ đây Salzburg được đặt biệt danh “thành phố Baroque”.

Wolf Dietrich von Raitenau sinh trưởng trong một gia đình quý tộc giàu có, thụ hưởng nền giáo dục giáo hội tại một trường đại học nói tiếng Đức ở Rome. Ông được thụ phong chức tổng giám mục Salzburg khi còn rất trẻ, lúc ông mới 28 tuổi. Thông minh, đọc rộng, chủ kiến mạnh mẽ, Raitenau tự xem mình là một hoàng tử Renaissance chính thống. Ông nổi tiếng không chỉ là nhà sưu tập tranh mà còn là một nhà kiến thiết, người đã mang sự lan tỏa của kiến trúc Baroque đến phía bắc dãy Alps. Việc tái thiết thành phố tiêu tốn nguồn ngân sách lớn. Đáp ứng điều này, hoàng tử - tổng giám mục tăng thuế muối, bạc hà và các sản phẩm khác. Trong mắt nhiều người, ông cũng là kẻ chuyên chế xa hoa. Trớ trêu là vị tổng giám mục trẻ tuổi quyền lực sớm rơi vào lưới tình với cô con gái xinh đẹp của một thương nhân, nàng tên Salome Alt. Dù không thành công trong nỗ lực phá vỡ giáo luật để kết hôn hợp pháp, Raitenau và Salome Alt đã sống với nhau 22 năm, có 16 người con nhưng chỉ 10 người trong số họ sống sót qua thời niên thiếu. Salome Alt cũng là người phụ nữ duy nhất của Raitenau trong suốt cuộc đời ông. Để giữ cuộc tình trong bí mật, tổng giám mục xây dựng một cung điện cho người tình bên bờ sông Salzach ở phía bắc thành phố, ngày nay được gọi là cung điện Mirabell.


Khu vườn Mirabell có cấu trúc hình học với hoa sặc sỡ

Cung điện được xây lần đầu năm 1606 theo mô-tuýp cung điện Ý - Pháp. Sau khi Raitenau bị phế truất và trục xuất, các tổng giám mục kế nhiệm đã liên tục sửa chữa và hoàn thiện lâu đài này cùng với một khu vườn bao quanh. Khu vườn có cấu trúc hình học đăng đối ngập tràn hoa đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa vườn là đài phun nước lớn với bốn nhóm tượng xung quanh. Đây là địa điểm chụp ảnh cưới phổ biến của các cặp đôi. Vào những dịp lễ hội đặc biệt, du khách có thể chứng kiến người dân trong các trang phục Áo truyền thống khơi gợi ký ức lịch sử sống động. Kiến trúc sư Peter de Nobile, giám đốc học viện kiến trúc Vienna là người đem tới diện mạo tân cổ điển cho lâu đài với những chi tiết uốn lượn xung quanh các cửa sổ và các đầu cột. Điểm nhấn quan trọng trong lâu đài là chiếc cầu thang có bao lơn hết sức cầu kỳ thiết kế bởi Lukas von Hildebrandt.


Trang trí trên trần của Salzburg Cathedral


Cầu thang chính với tay vịn cầu kỳ


Bức tượng vinh danh nhạc sĩ thiên tài Mozart được đặt ở quảng trường mang tên ông

Tuy nhiên, ở Salzburg, Raitenau dường như chưa phải cái tên nổi tiếng nhất. Người được biết đến nhiều hơn cả, có vẻ là Wolfgang Amadeus Mozart, đến mức người ta gọi Salzburg là “thành phố Mozart”. Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27/1/1756 tại căn nhà số 9 đường Getreidegasse ở Salzburg. Nơi này hiện nay là một bảo tàng được bảo tồn chu đáo, nơi khách tham quan có thể xem các di vật lưu niệm và có cái nhìn về đời sống một gia đình trung lưu ở thế kỷ 18. Trong cuộc đời lưu diễn vinh quang của mình, các tác phẩm của Mozart được xem là đỉnh cao trong các lĩnh vực piano, nhạc thính phòng, nhạc tôn giáo và opera. Tuy vậy, cuối đời ông mất tại Vienna trong cảnh nghèo khó. Là nơi nhạc sĩ thiên tài được sinh ra và lớn lên, sự tôn vinh dành cho Mozart xuất hiện khắp mọi nẻo đường Salzburg. Bức tượng trang trọng vinh danh ông nằm chính giữa khu quảng trường lớn được đặt tên là quảng trường Mozart. Tại số 8 đường Makartplatz là nơi ở của gia đình Mozart khi họ chuyển đến năm 1773, nay là bảo tàng thứ hai lưu giữ ký ức về Mozart ở Salzburg. Các buổi hòa nhạc ở Salzburg diễn ra thường xuyên, nơi tác phẩm của Mozart được trình diễn liên tục. Âm nhạc và ảnh hưởng của Mozart chưa bao giờ thôi lan tỏa ở thành phố quê nhà.
Ở Salzburg, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp hòa trộn với không khí âm nhạc và di sản nghệ thuật trong một tỷ lệ tinh tế dễ chịu. Phong cách kiến trúc Baroque khi vượt qua dãy núi Alps đến Salzburg dường như đã tinh gọn điều tiết để tạo ra một tổng hòa đô thị trang nhã lạ lùng.

Đinh Thị Ngọc Tâm
 
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 155)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo