Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Đối thoại Đô thị không chỉ gắn mác "thông minh"

Đô thị không chỉ gắn mác "thông minh"

Viết email In

Bàn về phát triển đô thị thông minh, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia lĩnh vực này vì lợi ích chung và vì sự phát triển của đất nước. Nếu không, các chủ đầu tư sẽ triển khai cầm chừng hoặc chỉ đầu tư nhỏ, nhưng vẫn gắn mác "thông minh" cho toà nhà hoặc dự án của mình.  


(ảnh minh họa) 

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030". Theo ông, khi đề án này đi vào cuộc sống sẽ đem lại những chuyển biến gì cho thị trường bất động sản Việt Nam?

GS. Đặng Hùng Võ: - Với đề án này, Chính phủ thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới chất lượng sống của người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu tài nguyên và phát triển công nghệ để phục vụ trực tiếp đời sống con người. Qua đó, thúc đẩy thị trường bất động sản tạo dựng những khu đô thị thông minh, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. 

Tại các khu đô thị thông minh, không gian sống hiện đại, hầu hết các dịch vụ đều được thực hiện và quản lý bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhu cầu của cư dân sẽ được đáp ứng ở mức cao nhất với chi phí thấp nhất. Trong lĩnh vực bất động sản, thông minh gồm nhiều cấp độ: từ căn hộ thông minh, toà nhà thông minh, khu dân cư thông minh, đến đô thị thông minh và thành phố thông minh.

Chúng ta cần nghiên cứu, lựa chọn cấp độ nào để triển khai trước, làm sao có chi phí đầu tư thấp nhưng thoả mãn được yêu cầu của cư dân. Hiện nay, ở Việt Nam mới có một số căn hộ, nhà ở riêng lẻ thông minh, nhưng chi phí đầu tư khá cao, gần như chỉ là "trò chơi" của người giàu và chưa phát huy được hiệu quả kinh tế, từ chi phí thấp cho dịch vụ, hạ tầng, tiện ích công cộng.

Cần tạo ra các toà nhà thông minh, khu dân cư thông minh có sự kết nối hạ tầng, dịch vụ công cộng với chi phí thấp, nhưng chất lượng quản lý và dịch vụ lại cao. Đây là những hạt nhân để tạo lập lộ trình hoàn thiện đô thị thông minh, thành phố thông minh. Đồng thời cũng là hướng đi tất yếu của thị trường bất động sản Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới và bảo đảm điều kiện thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do kiểu mới (FTA). 


GS Đặng Hùng Võ
(ảnh: Dân Việt) 

Thực tế, Việt Nam cũng đã có nhiều toà nhà xanh, khu đô thị xanh, song chủ yếu là sản phẩm được gắn mác xanh chứ chưa thực sự xanh theo đúng nghĩa. Ông có cho rằng sắp tới cũng sẽ có những toà nhà được gắn mác thông minh mà không đáp ứng đủ tiêu chí thông minh?

- Đến bây giờ, số lượng khu đô thị phát triển xanh theo đúng tiêu chí ở Việt Nam được thế giới công nhận mới chỉ có Ecopark và Phú Mỹ Hưng. Đô thị xanh không chỉ là tiêu chí có nhiều cây mà còn phải có thiết kế tiết kiệm năng lượng, môi trường sống gắn với thiên nhiên trong lành, được hưởng trực tiếp gió trời, ánh sáng mặt trời. Ở các công trình xanh, phải có ánh sáng, không khí đi vào từng căn hộ, đưa cả cây xanh lên các tầng nhà chứ không đơn giản chỉ có ít cây xanh là có thể gắn mác "xanh".

Tương tự, với các toà nhà thông minh, cũng phải có tiêu chí cụ thể như: sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý, thay thế từng phần lao động trí óc của con người nhằm đảm bảo không xảy ra rủi ro, sơ suất hay sai lầm mà con người hay mắc phải. Phải tạo được chất lượng sống tốt, chất lượng dịch vụ cao, thoả mãn tối đa nhu cầu của con người nhưng mức chi trả lại phải rất thấp.

Vì thế, theo tôi, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia lĩnh vực này vì lợi ích chung và vì sự phát triển của đất nước. Ví dụ như cần có quỹ dành cho phát triển đô thị thông minh; ưu đãi về vốn vay, ưu đãi thuế VAT đối với những vật liệu thông minh... Nếu không, các chủ đầu tư sẽ triển khai cầm chừng hoặc chỉ đầu tư nhỏ, nhưng vẫn gắn mác "thông minh" cho toà nhà hoặc dự án của mình. 

Như vậy, khi chưa có các chính sách trên, để xây khu đô thị thông minh thì chi phí đầu tư ban đầu sẽ rất lớn, dẫn đến giá bán sản phẩm cao, đối tượng khách hàng cũng bị hạn chế. Do đó, chắc chắn không mấy chủ đầu tư mạo hiểm đầu tư xây dựng đô thị thông minh, thưa ông?

- Đầu tư cho không gian sống thông minh đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn hơn nhưng lợi ích chúng ta gặt hái được trong tương lai cũng rất lớn. Công trình thông minh được thiết kế theo tiêu chí tối ưu mọi chi phí cho dịch vụ công cộng, cho quản lý khu dân cư, đô thị.

Vậy tổng chi phí cho chỗ ở phải tính đến không chỉ tiền mua bất động sản ban đầu mà phải cộng thêm mọi chi phí phải chi cho sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng trong suốt quá trình sinh sống ở đó.

Tại một đô thị thông minh, người ta chỉ có nhu cầu ra đường để vui chơi thôi, hàng hóa cần mua cũng được phụ vụ tận nhà, thậm chí không gian làm việc cũng sẽ có những thay đổi lớn, sự phân tán sẽ thay thế cho tâp trung. Vì vậy, công trình thông minh còn giúp cho phát triển xanh hiệu quả hơn, không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, sức khỏe cộng đồng mà còn là cơ hội giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững. 

Huyền Ngân thực hiện 

(VnEconomy) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2046 khách Trực tuyến

Quảng cáo