Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Tương tác Đối thoại Luật Quy hoạch đô thị: Cần sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ

Luật Quy hoạch đô thị: Cần sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ

Viết email In

Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội khóa XII thông quan năm 2009 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, đây là công cụ đắc lực cho quản lý và phát triển đô thị những năm qua. Tuy nhiên, sau 12 năm thực thi, đã xuất hiện các vướng mắc, bất cập thực tiễn. Đứng trước nhu cầu đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề án xây dựng mới Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trên cơ sở Luật Quy hoạch đô thị cũ và thêm phần quy hoạch nông thôn. Dự kiến Luật này sẽ trình Quốc hội vào năm 2024. Để có thêm thông tin về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có trao đổi với Ths.KTS Vũ Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) về nội dung này.

PV: Thưa ông, từ khi Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2009 (Luật Quy hoạch đô thị 2009) và có hiệu lực đến nay đã gần 12 năm. Xin ông cho biết những tác động tích cực của Luật đối với đời sống kinh tế - xã hội nói chung và ngành Xây dựng nói riêng?

Ths.KTS Vũ Anh Tú (ảnh bên): Thực tế, bất kỳ hoạt động nào cho mục tiêu phát triển của một quốc gia, một vùng, một khu vực đều được và phải theo một chương trình, kế hoạch. Đối với phát triển đô thị, trước khi Luật Quy hoạch đô thị 2009 được ban hành thì Việt Nam đã có Luật Xây dựng 2003 điều chỉnh về quy hoạch xây dựng, trong đó bao gồm quy hoạch đô thị. Trước Luật Xây dựng 2003 chúng ta còn có Nghị định số 91/CP năm 1994 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng đối với công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Đô thị đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2022 đã tổng kết và nhận định kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Điều đó cũng khẳng định công tác quy hoạch đô thị có một vai trò hết sức quan trọng.

Mặc dù Việt Nam đã có những văn bản chỉ đạo, quy định hướng dẫn của các cấp đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị nhưng để có một công cụ điều hành, tổ chức thực hiện đầy đủ hiệu lực, cần thiết phải có một bộ Luật riêng, chuyên sâu về quy hoạch đô thị, đó chính là lý do chính để chúng ta xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Từ khi Luật Quy hoạch đô thị 2009 được ban hành, có hiệu lực, công tác quy hoạch đô thị được xác định theo một trình tự, thủ tục rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu phát triển và quản lý phát triển đô thị từ lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đến lập, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị; trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cấp cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị cũng được xác định rõ hơn. Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch đô thị 2009 đã có những quy định cụ thể đối với việc các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia vào quá trình lập quy hoạch đô thị bằng các hình thức xin ý kiến, lấy ý kiến về nội dung quy hoạch đô thị. Đây là một nội dung quy định mang tính đổi mới mạnh mẽ so với trước đây, giúp cho mọi đối tượng chịu sự tác động của quy hoạch đô thị có thể tiếp cận đầy đủ các thông tin, các chương trình phát triển chung về đô thị, của đô thị, cũng như các vấn đề liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của chính mình.

Tính đến tháng 12/2021, tổng số đô thị cả nước là 869 đô thị, bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 40,5%. Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu tại các đô thị loại I, loại đặc biệt đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.

Từ việc lập, phê duyệt đầy đủ các quy hoạch chung đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, các đô thị có đủ cơ sở tiến hành lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; không gian đô thị đến nay được mở rộng, cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đối với ngành Xây dựng – Ngành có chức năng nhiệm vụ quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết được ban hành đã tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, làm cơ sở hình thành những công cụ quản lý phát triển đô thị hữu hiệu, đồng thời thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị.

PV: Xin ông cho biết, sau gần 12 năm thực hiện Luật Quy hoạch đô thị 2009 thì những tồn tại, hạn chế hiện nay là gì?

Ths.KTS Vũ Anh Tú: Sự phát triển, thay đổi rất nhanh chóng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ, Luật Quy hoạch đô thị 2009 đến nay cũng xuất hiện các bất cập cần được cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi bổ sung, đảm bảo phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn. Ví dụ như: Cần có sự nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về nội dung quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và các quy hoạch khác, đặc biệt là với quy hoạch sử dụng đất vì đất đai gắn trực tiếp với quyền lợi của từng người dân; Việc ứng dụng CNTT trong công tác quy hoạch đô thị nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ ra quyết định về quy hoạch đô thị và đảm bảo hiệu quả nhất yêu cầu công khai quy hoạch đô thị; Cần nghiên cứu bổ sung để có các quy định rõ ràng hơn về việc đánh giá kết quả thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt thông qua các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền, các cơ sở, căn cứ xử lý điều chỉnh quy hoạch hoặc điều chỉnh các nội dung cần thiết của quy hoạch đô thị đã được phê duyệt trong quá trình tổ chức thực hiện;

Quy định về bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động quy hoạch để đảm bảo chất lượng nội dung, thời gian ban hành quy hoạch; Quy định rõ hơn đối với việc công khai quy hoạch và trách nhiệm đối với các đối tượng chịu tác động, điều chỉnh của quy hoạch đô thị; Cần nghiên cứu những quy định về quy hoạch đô thị để làm cơ sở khai thác hiệu quả việc sử dụng đất, sử dụng không gian đô thị mà thực tế hiện nay là một yếu tố (nội hàm) của kinh tế đô thị.

PV: Được biết Bộ Xây dựng đã có đề án sửa Luật Quy hoạch đô thị 2009 và được Chính phủ thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội đưa vào lịch trình sửa Luật Quy hoạch đô thị trong những kỳ họp tới. Theo ông những nội dung cần sửa là gì để tháo gỡ các khó khăn và phù hợp với thực tiễn?

Ths.KTS Vũ Anh Tú: Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014 về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng để đề xuất xây dựng một bộ Luật mới thay thế nội dung quy định hiện hành tại hai Luật trên, điều chỉnh cả quy hoạch đô thị và nông thôn theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo. Thông qua việc tổng kết, đánh giá sẽ xác định đầy đủ các bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành, đảm bảo thúc đẩy quá trình phát triển, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Đặng Ngân thực hiện

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 5599 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  


Loading...