Hôm nay, 20/5, Quốc hội (QH) bắt đầu chương trình làm việc kỳ họp thứ 7 với việc nghe Chính phủ báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2009 và những tháng đầu năm 2010. Ông Trịnh Huy Quách, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của QH trao đổi xung quanh vấn đề này.
Ông Trịnh Huy Quách (ảnh bên) cho biết: Trong lĩnh vực ngân sách, đáng chú ý là năm 2009, trong hoàn cảnh rất khó khăn, dự báo thu ngân sách thấp do tăng trưởng thấp, miễn giảm thuế, giá dầu giảm... nhưng không những không giảm mà còn tăng khoảng 750 tỉ đồng.
Đến thời điểm này, theo báo cáo của Chính phủ, nguồn thu tăng rất cao, lên tới gần 52.000 tỉ đồng so với dự toán, riêng ngân sách trung ương tăng gần 16.000 tỉ đồng. Tôi nghĩ, các đại biểu sẽ yêu cầu phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng trên để xem hoàn toàn là do công tác dự báo yếu kém hay còn nguyên nhân nào nữa từ cơ chế, chính sách.
Thứ hai, trong khi mức tăng thu như vậy mà bội chi vẫn rất cao, ở mức 6,9%. Đành rằng trong điều kiện đặc biệt của nền kinh tế, Chính phủ đã lấy số tăng thu đó giải quyết một phần ứng trước vốn cho năm 2010. Thế nhưng, xét về mặt an toàn tài chính, chúng ta đang gần chạm mức an toàn cho phép. Vậy tại sao Chính phủ không dùng một phần tăng thu để giảm bội chi?
Chính phủ họp phiên vừa rồi đưa ra chỉ tiêu lạm phát 8% trong khi QH quyết định chỉ 7%, thưa ông?
- Tất nhiên, những dự báo đều dựa trên các phân tích chuyên môn. Khi QH thảo luận để quyết định chỉ tiêu lạm phát, một số đại biểu QH đã dự báo, năm 2010 khó giữ ở mức 7%, có cơ quan của QH cho rằng, chí ít cũng ở mức 8%. Cuối cùng, QH bàn thảo và quyết định mức 7% như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, theo diễn biến từ đầu năm đến nay thấy rằng, việc hoàn thành chỉ tiêu của QH rất khó.
Từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đang phải đi vay với lãi suất rất cao (phổ biến 17-18%/năm). Các chuyên gia kinh tế đánh giá với mức lãi suất này thì khó sản xuất kinh doanh có hiệu quả?
- Lãi suất ngân hàng một phần theo tín hiệu của thị trường, nhu cầu thực của nền kinh tế sẽ điều chỉnh lãi suất ngân hàng. Thế nhưng, về mặt điều tiết nền kinh tế vĩ mô thì Chính phủ cần hết sức linh hoạt trong năm 2010.
Cái khó như chúng ta vừa đề cập là làm sao giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát ở mức hợp lý. Nếu bây giờ bơm nhiều tiền ra ngoài thị trường, làm tổng phương tiện thanh toán tăng cao thì lại tác động đến chỉ số giá cả. Đó là những mâu thuẫn cần đến sự điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt của Chính phủ.
- Ảnh bên : Dự kiến kinh phí để thực hiện quy hoạch Hà Nội khoảng 90 tỉ USD. Nhiều người dân Hà Nội đến xem, đóng góp ý kiến vào đồ án quy hoạch thủ đô (Ảnh: Thân Hoàng)
Theo Ủy ban Tài chính - ngân sách, cuối năm 2010, nợ Chính phủ sẽ tương đương 44,6% GDP. Một số chuyên gia cho rằng, nếu cộng cả các khoản Chính phủ bảo lãnh cho các tập đoàn, tổng công ty vay thì mức nợ công có khả năng đã tiệm cận giới hạn an toàn là 50% GDP. Trong khi đó, đồ án quy hoạch thủ đô Hà Nội và dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM được đặt lên bàn nghị sự QH với tổng số vốn khổng lồ. Liệu trong những năm tới, chúng ta có thể vay được tiền để thực hiện các siêu dự án như vậy không?
- Nhu cầu phát triển của nền kinh tế rõ ràng rất lớn, nhất là đầu tư cho hạ tầng. Nhưng như các cụ vẫn nói là “phải liệu cơm gắp mắm”. Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng đã cảnh báo nợ công đã sát tới ngưỡng an toàn mà QH cho phép. Nhưng điều quan trọng nhất như tôi đã nói vẫn là bài toán hiệu quả, không phải việc đi vay tiền mà sử dụng tiền vay đó như thế nào và trả nợ ra sao.
Vì vậy, với thực trạng sử dụng vốn kém hiệu quả hiện nay, vay tiền với số lượng lớn là rất đáng lo ngại. Tôi cho rằng, nếu thực hiện các dự án lớn như vậy thì phải chú trọng đến việc huy động vốn xã hội chứ không nên quá trông chờ vào vốn ngân sách. Và trong báo cáo, chúng tôi cũng nói rằng, hãy cẩn thận với các dự án lớn đầu tư từ vốn ngân sách.
Theo ông, với số vốn lớn như vậy, việc thực hiện dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM có khả thi không?
- Từ trước đến nay, chúng ta chưa có dự án nào có số vốn lớn như thế. Trên thực tế, với các dự án lớn, việc huy động cần đa dạng hóa nguồn vốn. Tôi cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện tại sẽ rất khó khăn cho những dự án khổng lồ như thế. Nếu chúng ta quyết định làm thì nên làm theo hướng kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài, từ các nguồn vốn xã hội chứ không nên chỉ trông chờ vào ngân sách.
Lựa chọn phát triển bền vững theo hướng giữ tốc độ tăng trưởng vừa phải để kiềm chế lạm phát ở mức thấp là ý kiến của không ít chuyên gia kinh tế. Bởi nếu để lạm phát ở mức cao trong nhiều năm liên tục thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Ý kiến của ông thế nào? - Cơ bản là tôi đồng tình với quan điểm trên. Thực tế nhiều kỳ họp, các đại biểu QH cũng lưu ý chú ý đến chất lượng tăng trưởng, đừng quá chú trọng đến tốc độ và quy mô. Tất nhiên trong điều kiện của nền kinh tế nước ta thì thực hiện điều này là việc khó, vì không tăng trưởng ở mức cần thiết thì khó đảm bảo được các nhu cầu khác như thu ngân sách, thúc đẩy sản xuất... Vì vậy, chúng ta cần kiên quyết đặt ra mục tiêu phải giữ bằng được ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt chú trọng đến chất lượng tăng trưởng qua hiệu quả sử dụng đồng vốn, vừa đề phòng lạm phát cao trở lại. |
Lê Kiên (thực hiện)
- Ông Nguyễn Hữu Bằng: "Chúng tôi không chịu sức ép khi đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc"
- "Quy hoạch Hà Nội phải có tính kế thừa và chọn lọc"
- Quy hoạch Thủ đô: “Không sợ thiếu tiền, chỉ sợ thiếu thông tin”
- Quy hoạch chung Hà Nội: Bảy triệu đô la, ít và nhiều
- TPHCM - Có nên xây đô thị ở vùng đất trũng?
- Nên lập quy hoạch khảo cổ nội đô
- Hà Nội - Thành phố hướng tới... âm thanh
- Cứu Hoàng thành Thăng Long chỉ bằng... ý chí, văn bản?
- Di dời dân phố cổ: “Nếu cưỡng chế, sẽ thất bại”
- Trùng tu là lưu giữ quá khứ