Dù nút giao đường Hoàng Hoa Thám - Văn Cao thuộc dự án đường Văn Cao - Hồ Tây đã kịp dừng thi công để khai quật khảo cổ, nhưng PGS.TS Hoàng Xuân Chinh, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, vẫn nhấn mạnh, khai quật khảo cổ tại nội thành Hà Nội luôn tiến hành trong tình trạng 'sự đã rồi'.
Theo PGS.TS Hoàng Xuân Chinh, trước đây, khi khai quật khu vực Hoàng Thành Thăng Long đã biết có điện Kính Thiên và Ngọ Môn. Từ Ngọ Môn đi thẳng vào điện Kính Thiên là trung tâm, các cung điện và nơi làm việc của quan lại thuộc Lục bộ đều được xây dựng xung quanh. Do đó, xung quanh đường Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu cũng thuộc nội thành. Nhưng hiện nay, ngoài một diện tích nhỏ còn giữ được xung quanh điện Kính Thiên, hầu hết vẫn bị chôn vùi xung quanh đường Hoàng Diệu và cả khu Ba Đình.
- "Sự đã rồi" là do khai quật khảo cổ trong các đô thị luôn gặp phải những cản trở, thưa ông?
PGS.TS Hoàng Xuân Chinh (ảnh bên): - Đúng vậy. Khảo cổ học đô thị vừa khó nhất vừa tốn tiền nhất vì khu vực đô thị thường có phần trên là các công trình kiến trúc hiện đại. Việc xây móng các công trình này đã phần nào ảnh hưởng đến di tích. Khu vực Hà Nội có nhiều lớp kiến trúc nên việc khai quật theo diện tích lớn không hề dễ dàng.
Trước đây, Viện Khảo cổ đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội, đề xuất khi xây dựng gặp di tích thì có hai cách giải quyết: nếu di tích quan trọng, không thể di chuyển thì phải ưu tiên di tích tồn tại. Nếu di tích không quan trọng lắm thì khai quật khảo cổ trước để thu hiện vật rồi mới được thi công. Đây là điều đã được quy định trong Luật Di sản. Ngoài ra, bên quản lý dự án phải đầu tư kinh phí để các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ trước khi tiến hành xây dựng dự án.
Thế nhưng có một tồn tại là khi tiến hành đào móng các công trình, nếu phát hiện di tích khảo cổ, người ta cũng thường lờ đi, không báo cáo, bởi nếu báo cáo, công trình buộc phải dừng thi công, thậm chí phải chuyển đi nơi khác. Đoạn đường Văn Cao - Hoàng Hoa Thám là một ví dụ điển hình.
- Viện Khảo cổ đã nghiên cứu và lập quy hoạch khảo cổ khu vực Hà Nội, nhưng dường như bản quy hoạch này vẫn chưa được chính quyền quan tâm?
- Từ năm 2000, chúng ta mới nghiên cứu quy hoạch chung chung, chưa thật sự tỉ mỉ. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng kinh thành thời Lý có ba vòng: Cấm Thành, Hoàng Thành và La Thành (hay Đại La Thành). Khu vực chúng ta quen gọi là Hoàng Thành tại 18 Hoàng Diệu thật ra là Cấm Thành, tức là nơi vua ở và thiết triều. Vòng thứ hai là Hoàng Thành (nơi Lục bộ làm việc). Vòng ba là La Thành, tức là từ đường Cầu Giấy lên Hoàng Hoa Thám, ra Bưởi… để phòng ngự và chống nước sông Hồng vào mùa lũ.
- Ảnh bên : Đoạn đường Văn Cao đang thi công là La Thành của thành Thăng Long xưa? (Ảnh: Trung Kiên)
Cấm Thành đã bị san bằng hoàn toàn khi nhà Nguyễn xây dựng tòa thành mới mà từ năm 1831 được gọi là thành Hà Nội. Qua thời gian, La Thành và Hoàng Thành Thăng Long chỉ còn lại một số đoạn. Vì tính chất dày đặc di sản trong lòng đất, chúng tôi đã đề xuất không nên đào bới quá nhiều. Có thể khẳng định đoạn đường Văn Cao đang thi công là La Thành của thành Thăng Long xưa. Đoạn đường này phải đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Bên cạnh yếu tố ảnh hưởng đến di tích còn rất lãng phí.
- Còn các khu đô thị khác, các dự án khác thì sao, thưa ông?
- Trước đây, khi xây dựng đường sắt Yên Viên, chúng ta cũng đã phá mất một đoạn thành Cổ Loa. May mắn là mới ở vòng ngoài nên giới khảo cổ học còn có cơ hội nghiên cứu mặt cắt khu vực đoạn thành để chụp ảnh lưu giữ. Tuy nhiên, không chỉ ở Hà Nội, theo tôi, tình trạng thiếu quy hoạch khảo cổ còn tồn tại ở cả Huế, Hội An…Và cứ đô thị hóa thiếu cân nhắc như thế này sẽ làm mất nhiều di tích nội đô.
- Theo ông, giải pháp nào sẽ khắc phục được tình trạng này?
- Một quy hoạch khảo cổ chi tiết đối với khu vực đô thị là điều rất cần thiết. Có quy hoạch khảo cổ thì việc qui hoạch, xây dựng sẽ được triển khai một cách chủ động trên cơ sở kết hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế một cách hài hòa. Hơn bất cứ nơi nào khác, Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa nghìn năm, các loại hình di tích phân bố khá dày đặc trên mặt đất. Phía dưới là cả một Thăng Long trong lòng đất, nên việc xây dựng quy hoạch khảo cổ là yêu cầu cấp thiết.
Mạnh Đồng (thực hiện)
>> Cứu Hoàng thành Thăng Long chỉ bằng... ý chí, văn bản?
- "Quy hoạch Hà Nội phải có tính kế thừa và chọn lọc"
- Quy hoạch Thủ đô: “Không sợ thiếu tiền, chỉ sợ thiếu thông tin”
- Quy hoạch chung Hà Nội: Bảy triệu đô la, ít và nhiều
- TPHCM - Có nên xây đô thị ở vùng đất trũng?
- Cẩn trọng với các siêu dự án
- Hà Nội - Thành phố hướng tới... âm thanh
- Cứu Hoàng thành Thăng Long chỉ bằng... ý chí, văn bản?
- Di dời dân phố cổ: “Nếu cưỡng chế, sẽ thất bại”
- Trùng tu là lưu giữ quá khứ
- Phá Hoàng thành Thăng Long làm đường giao thông