Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, cần cẩn trọng không để những nhóm lợi ích chi phối Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và tin tưởng trước khi phê duyệt Thủ tướng sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý.
Khi thảo luận về đồ án này ông lo ngại về nhóm lợi ích, vậy cụ thể nhóm lợi ích ở đây là gì?
Thực ra, khi chưa mở rộng Hà Nội, chúng ta đã có định hướng phát triển thủ đô Hà Nội về phía Tây. Khi đó các doanh nghiệp đã đi tìm vị trí để làm nhà máy. Nhóm các nhà đầu tư về du lịch, dịch vụ cũng đã về đây để xây dựng các khu du lịch như Đồng Mô, Khoang Xanh…
Nhiều công ty đã lập phương án và đang đầu tư ở vùng Hà Nội mới mở rộng. Bây giờ xây dựng đồ án quy hoạch mới, tất yếu sẽ tác động đến các nhóm lợi ích về công nghiệp, dịch vụ, giáo dục… Nhóm nào cũng muốn lobby để có lợi cho mình.
Trước đây, khi làm trục Láng- Hoà Lạc, nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng đón đầu hai bên trục này rồi. Nếu đồ án đề xuất xây dựng trục Thăng Long, thì những doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn trên trục Láng- Hoà Lạc sẽ bị ảnh hưởng về lợi ích. Nhóm lợi ích tôi muốn nói là anh nào cũng muốn kéo những trục đuờng lớn chạy qua vị trí gần dự án, khu vực mình đã đầu tư đất đai.
Ông cho rằng đồ án quy hoạch phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, nhưng chúng ta lại chưa có chiến lược này của Thủ đô mở rộng?
Đúng vậy. Các nhà khoa học đều kiến nghị phải có một đánh giá đầy đủ, khách quan. Cần có một chiến lược phát triển kinh tế- xã hội thủ đô mới dựa trên quy hoạch kinh tế- xã hội của Hà Tây và Hà Nội cũ. Dựa trên chiến lược này để làm quy hoạch thủ đô sẽ phù hợp hơn.
Một số tập đoàn, công ty đã bỏ khá nhiều công sức, tiền bạc để đầu tư vào Hà Tây dựa trên quy hoạch kinh tế- xã hội cũ. Nếu đồ án mới không kế thừa, tôn trọng những quy hoạch hiện có, sẽ dẫn đến lãng phí tiền của của nhân dân và nhà nước. Người dân vùng nông thôn Hà Nội đang sống ổn định, bây giờ nói sẽ dồn người dân lại để phát triển thành các đô thị vệ tinh, chưa chắc người dân đã đến.
- Ảnh bên : Các đại biểu thảo luận về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Hồng Vĩnh)
Tốc độ đô thị hóa thủ đô sẽ lên tới 80%, vậy 20% nông thôn sẽ phát triển ra sao, hình thành những làng quê trong đô thị lớn như thế nào? Nếu cứ xây nhà cao tầng thì Hà Nội cũng không thể bằng những thành phố như New York, Paris, mà bê tông hoá thì Hà Nội sẽ mất đi những nét đặc thù của Việt Nam, nhất là những làng ven đô.
Về đề xuất làm trục Thăng Long, Bộ Xây dựng cho rằng sẽ kết nối văn hóa xứ Đoài với văn hóa Thăng Long- Hà Nội, ông nghĩ sao?
Chúng ta muốn bảo tồn, phát triển văn hóa xứ Đoài, nhưng nếu làm trục Thăng Long thì nguy cơ nền văn hóa này không còn. Hai bên trục này phải là những khu đô thị lớn thì làm gì còn cảnh làng quê nữa. Nếu chúng ta làm trục Thăng Long thì việc phát triển theo vành đai rất khó, trong khi không thể phát triển tất cả thủ đô rộng lớn trong cùng một thời điểm. Bây giờ người ta rộ lên những thông tin như vậy cũng chỉ để đầu cơ đất thôi.
Thưa ông, điều dư luận băn khoăn là Quốc hội thảo luận đồ án này thì tính pháp lý thế nào, hay chỉ đơn thuần là cho ý kiến để Chính phủ tham khảo trước khi phê duyệt?
Theo Luật Quy hoạch đô thị, việc lập quy hoạch là của bộ chuyên ngành sau đó Thủ tướng sẽ phê duyệt. Ý kiến của Quốc hội là ý kiến của đại cử tri, đại diện cho nhân dân cả nước đóng góp vào đồ án thôi, không có tính ràng buộc.
Tuy nhiên, nếu đồ án được đại biểu Quốc hội ủng hộ cao, sẽ thuận lợi cho việc phê duyệt, nhưng nếu các đại biểu thấy còn nổi cộm những vấn đề chưa giải quyết được, thì Thủ tướng phải chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh.
Tôi tin là Thủ tướng vì lợi ích chung sẽ lắng nghe cẩn trọng các ý kiến để khi ký phê duyệt là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Cám ơn ông.
Hà Nhân (thực hiện)
ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM): Lo mất bản sắc Thủ đô có nhất thiết phải quá to, quá rộng không, hay đây lại là một cái bệnh hoành tráng nữa? Giữ được những giá trị của Hà Nội như bây giờ cũng là quá khó, nếu ta để thủ đô còn đầy rác, hay để mất đi những nét cổ kính. Còn xây dựng thủ đô hiện đại, không cẩn thận Hà Nội sẽ na ná như một thủ đô nào đó, mà chưa chắc đã hiện đại bằng người ta. ĐB Tất Thành Cang (TPHCM): Bất cập ước mơ và hiện thực Quá nhiều vấn đề bất cập nổi lên, qua tài liệu cho thấy chúng ta đang xới cả Hà Nội lên hết - đó là bất cập giữa ước mơ của người vẽ với khả năng thực hiện đồ án quy hoạch chung Hà Nội. |
- Phải làm rõ chức năng sử dụng, vị trí khi xây cao ốc
- Chịu sức ép đầu tư trong việc phát triển đô thị
- Nông thôn mới: Khó thành nếu làm kiểu tư duy dự án
- TPHCM cần hệ thống giao thông đồng bộ
- Nhà văn Jean Pierre Outers: Giao thông VN - cũng thật đáng yêu!
- Mỗi tháng một đô thị: quản lý bằng mô hình nào?
- 4 xu hướng lớn của bất động sản Việt Nam
- Cách chữa sốt đất nằm trong tay chính quyền
- Ông Nguyễn Hữu Bằng: "Chúng tôi không chịu sức ép khi đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc"
- "Quy hoạch Hà Nội phải có tính kế thừa và chọn lọc"