Biến đổi khí hậu toàn cầu,dân số tăng nhanh... đã làm phát sinh xu hướng phát triển bền vững các khu đô thị. Khái niệm về kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh đang được áp dụng nhiều trên thế giới. Diễn đàn ARCASIA FORUM 16 (18-20/8/2011) diễn ra tại Đà Nẵng với mục đích nâng cao nhận thức về vai trò của Kiến trúc sư trong nền kinh tế xã hội và đời sống văn hóa ở các nước châu Á. Nhân dịp này PV đã có cuộc phỏng vấn với Ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững kiêm Tổng thư ký VBCSD (ảnh bên).
Với thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam, kiến trúc xanh – sinh thái trong lĩnh vực xây dựng khu đô thị là hướng đi mới đầy tích cực. Để hướng tới sự phát triển bền vững, nhiều dự án khu đô thị đã thiết kế theo lối kiến trúc này. Ông có đánh giá thế nào về xu hướng phát triển này?
- Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng nhiệt độ trái đất gia tăng, mực nước biển trung bình tiếp tục dâng cao, các thiên tai bão lụt thất thường xảy ra thường xuyên là mối nguy cơ hiện hữu đang đe doạ môi trường sống của con người trên trái đất. Trong khi đó sự phát triển của kiến trúc chỉ biết nhằm khai thác thiên nhiên và môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững.
Từ đó đã nảy sinh các khuynh hướng kiến trúc mới nhằm đưa con người trở lại với thiên nhiên, lấy lại sự cân bằng giữa môi trường thiên nhiên và con người. Đã xuất hiện các trường phái kiến trúc với tên gọi: kiến trúc hiệu quả năng lượng, kiến trúc môi trường, kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc sinh khí hậu, kiến trúc bền vững. Trong đó, kiến trúc bền vững bao hàm toàn bộ các nội dung, các xu hướng kiến trúc nêu trên và kiến trúc sinh khí hậu là cốt lõi, nơi hội tụ tất cả các nội dung, bởi vì kiến trúc sinh khí hậu được giải quyết tốt thì công trình thân thiện với tự nhiên, giảm bớt năng lượng tiêu thụ hoá thạch, bảo vệ môi trường sống và hệ sinh thái khu vực, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên do đó bảo đảm sự phát triển bền vững.
Từ lâu không gian sống đã hình thành một sự gắn bó chặt chẽ giữa kiến trúc, con người và thiên nhiên. Ba yếu tố ấy đã hoà quyện với nhau không những tạo nên một không gian thẩm mỹ thuần khiết mà còn là một hệ cân bằng sinh thái. Những thành tựu của xu thế kiến trúc xanh, một thể loại kiến trúc nếu giải quyết tốt thì sẽ bảo đảm được sự thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm bởi chất thải, sử dụng vật liệu tái chế nhằm tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên hướng tới sự phát triển bền vững.
Việt Nam đã có rất nhiều dự án xanh như: Ecopark,Times City, Royal City... chọn xu hướng phát triển này chính là hướng đi và giải pháp đúng đắn cho một nước chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như nước ta hiện nay.Tuy nhiên các dự án sẽ phải áp dụng đúng các chuẩn xây dựng và các chỉ số “công trình xanh” cúng như các thiết kế phù hợp với nhiệt độ khí hậu nóng ẩm cúng như tập quán sinh hoạt của người Việt Nam.
Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá về kiến trúc bền vững xin ông cho biết những tiêu chí thích hợp với sự phát triển của Việt Nam?
- Để đánh giá thiết kế kiến trúc bền vững, thế giới có rất nhiều hệ thống với các hàng loạt các tiêu chí như: Mức độ góp phần vào việc giữ gìn và nâng cao giá trị của môi trường sinh thái tự nhiên trong và ngoài khu vực xây dựng; Sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên suốt quá trình từ giai đoạn khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, giai đoạn xây dựng công trình, giai đoạn công trình đưa vào hoạt động đến lúc tháo dỡ công trình khi hết niên hạn sử dụng… Trong đó, chú trọng sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng có khả năng tái chế và hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng hoá thạch. Các giá trị về đặc trưng văn hoá, tính liên kết trong cộng đồng xã hội được giữ gìn và nâng cao…..Đối với các tiêu chí kiến trúc bền vững tại Việt Nam thì quan trọng nhất vẫn là tổng thể kiến trúc của mỗi khu vực phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, đặc điểm xã hội, truyền thống văn hóa lịch sử. Việc hình thành tổng thể kiến trúc phải căn cứ vào các đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt.
Trong đó phải coi trọng nội dung thiết kế đô thị nhằm mục tiêu gắn kết các công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên tạo thành một hình ảnh đô thị đặc trưng, mang tính đa dạng một cách thống nhất. Việc cải tạo, xây dựng trong đô thị phải tuân thủ các quy tắc quản lý quy hoạch và thiết kế đô thị một cách chặt chẽ tạo nên một trật tự kiến trúc phù hợp với không gian và thời gian.
Quy hoạch khu đô thị mới Ecopark – một thí dụ về khu đô thị sinh thái ở Đông Nam Hà Nội.
Xin ông nhận xét về kiến trúc bền vững hiện nay ở Việt Nam?
- Kiến trúc là một trong những lĩnh vực hoạt động đặc biệt vì ở đó con người sáng tạo ra một môi trường thiên nhiên thứ hai trong môi trường thiên nhiên bao trùm, đó là môi trường sinh thái tự nhiên. Việc ứng dụng thiết kế và xây dựng kiến trúc bền vững ở Việt Nam hiện nay bước đầu đã có sự quan tâm, tuy nhiên việc hiểu đúng và vận dụng đúng trong lĩnh vực thiết kế xây dựng trong thực tiễn còn có nhiều hạn chế, trong đó có nhiều trường hợp sử dụng các cụm từ “tiết kiệm năng lượng”, “sinh thái”, “bền vững” đi kèm cho hợp mốt với thời đại, nhưng thực chất các công trình đó được thiết kế, xây dựng đang góp phần đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đối với kiến trúc bền vững, yêu cầu giữ gìn và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên là một trong những yếu tố quan trọng, để thực hiện được điều này trong thiết kế và xây dựng công trình kiến trúc cần giữ gìn và nâng cao chất lượng của các yếu tố cơ bản như đất, nước, không khí, tính đa dạng sinh học... Do đó, cần hạn chế đến mức thấp nhất việc phủ bêtông các bề mặt của địa hình tự nhiên, nhưng trong thực tế hiện nay các công trình xây dựng ở Việt Nam từ nhà ở riêng lẻ, chung cư, trường học, bệnh viện, công sở, từ công trình thấp tầng đến cao tầng... Ngược lại, nếu các khoảng sân xung quanh công trình được trồng thực vật thì sẽ góp phần làm cho môi trường sống của chúng ta tốt hơn nhờ quá trình quang hợp của cây xanh, khả năng giữ bụi, ngăn tiếng ồn, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ không khí, tạo bóng mát, hình thành dòng dịch chuyển của không khí... Nhờ đó, chúng ta có môi trường sống tốt.
Với tư cách là Giám đốc văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, ông có ý kiến gì đối với nhà quản lý và người dân?
- Với nhà quản lý nhất là với các doanh nghiệp- đối tượng tác động rất lớn đến sự phát triển quy hoạch , rất cần có sự hiểu biết rộng, tầm nhìn xa, nhất là đủ can đảm, đủ bản lĩnh và đủ trách nhiệm để đặt lợi ích của cộng đồng lớn lên trên lợi ích của cá nhân nhỏ.
Phát triển nào mà không phải vì con người, huống hồ là phát triển đô thị. Mỗi thành phố hiện đại và hoành tráng là sự tàn tạ và héo mòn của bà mẹ thiên nhiên vĩ đại. Chính vì thế mà một trong số các nguyên tắc quan trọng nhất được nêu ra cho phát triển bền vững là: “Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ trong tương lai”. Một thành phố muốn phát triển bền vững thì phải được người dân ủng hộ và chung tay đóng góp ở các lĩnh vực và cấp độ khác nhau. Để việc “đồng tham gia” thành công phải có cơ chế rõ ràng và các điều kiện đảm bảo cho cơ chế ấy vận hành về mặt pháp lý, diễn đàn, cơ sở vật chất. Những chương trình làm xanh thành phố, giảm ngập lụt, giảm tắc nghẽn giao thông, phòng chống tội phạm chỉ có hiệu quả khi mà người dân coi đó là công việc của mình chứ không phải của những nhà chính trị.
Đỗ Ngọc (thực hiện)
- “Tiền dùng để mua bất động sản được người ta kiếm quá dễ”
- Dự án xe buýt nhanh BRT: Cơ hội cuối cho giao thông TPHCM?
- "Không vụ lợi để quy hoạch được thực thi tốt nhất"
- TP.HCM: triển vọng điện gió từ biển Cần Giờ
- Trao dự án cho nhà thầu nước ngoài: Đừng ham rẻ
- Hậu phê duyệt quy hoạch chung Hà Nội: Rà soát, chấn chỉnh từng dự án
- Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng: "Chưa đủ điều kiện làm đường sắt cao tốc"
- Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Bất động sản cần trở về giá trị thực của nó”
- "Không có đại gia nào thao túng quy hoạch Hà Nội"
- Phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Xây dựng về những dự án treo